Thanh thiếu niên trước ngưỡng cửa cuộc sống : Sinh viên yêu và học


1. Sinh viên phần lớn có cuộc sống xa nhà, bước vào giảng đường ở độ tuổi mười tám đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Ước mơ, hoài bão, hy vọng và tự do. Tuổi sinh viên thật đẹp. Tình yêu đến với sinh viên cũng thật tự nhiên, hồn nhiên và diệu kỳ.  




 Một ánh mắt, một cái nhìn, một nụ cười cũng có thể làm xao động con tim non nớt đang ấp ủ những rung cảm đầu đời. Và có không ít mối tình sinh viên đã khởi phát từ những tình cảm trong sáng, nồng nàn như vậy.  

 Họ yêu nhau thật đơn giản, bình dị, yêu để mà yêu chứ không hứa hẹn một tương lai gì xa hơn thực tại. Sau 4-5 năm, khi tiếng còi mãn cuộc kết thúc, họ mới sực tỉnh trước những câu hỏi của thực tế : Giờ làm việc ở đâu, và tiếp tục duy trì mối quan hệ tình cảm như thế nào? Thực tế mỗi người mỗi cảnh, nhiều đôi không tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi loại này, họ đành ngậm ngùi chia tay và nhìn nhau trong tiếc nuối.
 


2. Trên lý thuyết, tuổi sinh viên là cái tuổi để học chứ không phải để yêu. Nhưng tình yêu không có giới hạn tuổi tác nào cả. Yêu và học có thể đan xen hoà quyện. Và như vậy, sinh viên đâu có thể dành hết tâm tư để tìm hiểu tình yêu, về đối tượng mình yêu.  

 Nhiều đôi yêu nhau vì những lý do hết sức đơn giản như cảm phục tài năng của nhau, thương cảm cùng cảnh ngộ, hoặc yêu do nhu cầu tình cảm bức xúc và do hoàn cảnh... Ví dụ trong ký túc xá, khi cả phòng đều có người yêu thì mình cũng phải “kiếm” người yêu cho khỏi lạc lõng, bơ vơ.  

 Trong bối cảnh như vậy, tình yêu sinh viên nhiều khi quá nôn nóng vội vàng, chưa có sự lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, chưa có sự tìm hiểu, trắc nghiệm tâm lý rõ ràng.  

 Nhiều người nhận lời yêu rồi mới tự hỏi : Liệu đó có phải là tình yêu hay chỉ là tình bạn, tình thương? Chính do thiếu tư duy sáng suốt, thiếu sự chuẩn bị chu đáo mà tình yêu sinh viên khó bền chặt. Nhiều đôi yêu nhau 1-2 năm mới nhận rõ những nhược điểm của nhau, thấy rằng họ khác xa nhau và đành đi đến kết cục chia tay.
 

3. Tình yêu sinh viên đa phần là tình đầu, tình đầu bao giờ chẳng lãng mạn và đẹp đẽ. Nhiều người còn tự hào nói : “Thật tiếc cho ai thuở sinh viên mà không có lấy một mối tình”.  

 Chính sự ngây thơ trong trắng của tình đầu ấy cũng là khởi nguồn cho những bồng bột dại khờ đầy tính ngẫu hứng của tuổi trẻ. Nhiều đôi nhất thời không kìm nén được cảm xúc bản thân nên đã “vượt rào”, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc : Nhiễm bệnh, có bầu, nạo hút thai, học hành sa sút. Cuối cùng là những lời trách móc với bạn tình và những quy kết về trách nhiệm, thờ ơ với “hậu quả”.  

 Bắt đầu có những cuộc cãi vã, đả kích và cuối cùng thì đường ai nấy đi. Họ hận nhau vì không hết trách nhiệm với nhau, họ dằn vặt lương tâm và cắn dứt nỗi lòng vì sao mình quá nông nổi khờ dại.
 

4. Tình yêu không tính toán, nhưng lại có không ít sinh viên tính toán trong tình yêu. Ở nông thôn ra thành phố, có chút nhan sắc, phải kiếm được tấm chồng khá giả để hoán cải cuộc đời, đổi thay thân phận, sống cuộc sống vinh hoa nhàn hạ.  

 Với tư tưởng thực dụng này, nhiều nữ sinh viên đã tìm đến tình yêu không hoàn toàn với ý đích thực của nó. Nhưng than ôi, sự toan tính bất thành, có khi chính họ lại bị ăn “quả đắng”.  

 Trong xã hội hiện đại, đầy rẫy những nanh nọc, cạm bẫy chết người, nhiều người tưởng mình “đa mưu túc trí”, ai dè ngoan ngoãn dâng mình làm mồi cho “quỷ râu xanh”. Lợi dụng người chẳng thấy đâu thì đã thấy người chiếm dụng mất mình!
 

5. Tình yêu không thực dụng nhưng tính thực tế lại thường trực trong tình yêu. Nhiều đôi yêu nhau say đắm hết cả khoá học, khi ra trường nhìn cảnh anh tận Hà Tĩnh, em trên Cao Bằng; hay em làm Hà Nội anh ở tận Tây Nguyên... họ mới thấy mối tình của họ khó xây thành mộng đẹp. Thôi thì đành kiếm lấy một người cùng nơi cùng chỗ cho yên bề gia thất.
 

Thực tế cho thấy, những đôi sinh viên yêu nhau đi đến hôn nhân cần hội đủ ba yếu tố : Tình yêu chân chính, làm việc gần nhau và biết chấp nhận hoàn cảnh, nếu không, sớm muộn tình yêu của họ cũng chỉ là những mối tình giữa đường đứt gánh để rồi tiếc nuối tương tư. 

Ngô Quốc Đông (Báo Phụ N VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét