Ngày xưa Phật Thích Ca đã từng dạy: “Hãy luôn luôn nhẫn nhịn với tất cả, có được thế mới thành công”.
Giờ đây tôi đặt lại vấn đề này cùng các
bạn trong một phạm vi nào nhỏ hẹp chỉ nơi đến một vấn đề mà người xưa đã
dạy đó là nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn là chìa khóa của thành công, là ngưỡng
cửa của cuộc đời.
Đấy là một định luật, một định luật quá ư
thông thường nhưng cũng rất tế nhị khó khăn. Sống giữa trường đời, cuộc
sống hàng ngày của cá nhân càng trở nên chật vật, nếp sinh hoạt của
loài người càng ngày càng trở nên phức tạp khó khăn, tất cả mọi thứ của
đời sống đều chịu ảnh hưởng nặng nề của tiền tài và vật chất chi phối
làm áp lực, cuộc sống con người trong hiện tại không còn là một đời sống
đơn thuần nữa mà trái lại cùng chịu chung một định luật của đời sống.
Vì thế cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi đời sống hiện tại khó ai
nói được hai tiếng nhường nhịn một cách hoàn toàn.
Bởi từ lý do: ngày xưa và hiện tại, cuộc sống của con người là ở vào hai thời đại khác nhau hay nói khác hơn là hai thái cực.
Cuộc sống con người ngày xưa dù cho có
phải tranh đấu, ganh đua để mưu cầu lợi tức đến bao nhiêu đi nữa thì con
người vẫn còn sống bằng lý trí và tình cảm, nghĩa là dù có phải đương
đầu chạm trán bao nhiêu chăng nữa con người vẫn còn tôn trọng lễ nghĩa
của nhau. Vì thế nên con người ngày xưa coi vấn đề nhường nhịn nhau như
là một hình thức tha thứ, thông cảm cho nhau mà thôi.
Ngược lại trong nếp sống hiện tại, con
người coi thường tất cả mọi thứ lễ nghĩa trong lãnh vực xử thế, tiếp vật
mà lúc nào cũng đặt quyền lợi riêng tư lên tất cả mọi sự việc trong
cuộc đời này. Đối với một số đông con người ngày nay không quan niệm như
lớp người xưa nghĩa là nên nhường nhịn nhau, tha thứ cho nhau và thông
cảm lẫn nhau. Đối với số người ngày nay cũng không còn đặt vấn đề nhường
nhịn có nghĩa là dung hòa mà trái lại số người này coi chuyện nhường
nhịn lẫn nhau là sự thua thiệt, một thất bại của cá nhân và làm như thế
là nhục nhã, mất mặt v.v…
Theo tôi nghĩ mọi khó khăn trên đường
đời không bao giờ khó khăn, rắc rối nếu con người biết nhau, hiểu nhau,
thông cảm cho nhau và nhường nhịn lẫn nhau.
Tôi cũng quả quyết rằng nếu khi nào con
người đều biết nhường nhịn cùng nhau, tha thứ cho nhau, nhất định lúc đó
con người sẽ thoát ra ngoài mọi tranh chấp khổ đau của cuộc đời.
Giới hạn cái nhìn bằng một khung cảnh
nhỏ hẹp như gia đình chẳng hạn, nếu trong một mái nhà, chồng vợ biết
thương nhau, luôn luôn tha thứ cho nhau, sẵn sàng thông cảm lẫn nhau và
lúc nào cũng nhường nhịn nhau tôi tin rằng gia đình ấy là một gia đình
lý tưởng nhất.
Lý tưởng là gì?
- Là sự hoàn hảo, sự tốt lành, an vui
sung sướng, mà đã là một gia đình biết nhường nhịn lẫn nhau, tha thứ cho
nhau tất nhiên gia đình ấy đã có được nguồn hạnh phúc và chính nguồn
hạnh phúc ấy là lý tưởng vậy.
Đặt một cái nhìn bao quát hơn như quốc
gia, xã hội chẳng hạn. Nếu trong một đời sống tập thể, mọi người cùng
nhau chung sống trong một xã hội mà người nọ biết nhường người kia thì
làm gì có chuyện bất đồng, làm gì có chuyện lôi thôi tranh chấp và làm
gì có chuyện giết hại lẫn nhau? Nếu là đời sống quốc gia mà dân tộc này
biết tha thứ, nhường nhịn dân tộc kia thì làm gì có chuyện binh biến
thương đau, chiến tranh tàn phá?
Đấy là một định nghĩa chung của hai tiếng nhường nhịn là như thế.
Trở lại vấn đề nhường nhịn. Tôi xin xác
nhận là nhường nhịn không có nghĩa là đầu hàng, là thua thiệt mà trái
lại nhường nhịn có nghĩa là sự thông cảm và tha thứ cho nhau, chỉ có thế
thôi. Nếu ai có mặc cảm cho rằng sự nhường nhịn có nghĩa là nhục nhã
thì đó là một hành động thiếu thiện chí của những con người ngoan cố,
thiếu giáo dục.
Trước khi con người muốn tạo được sự
thành công trọn vẹn trên trường đời là phải hiểu biết ý nghĩa thực sự
của hai tiếng là nhường nhịn trước đã, có hiểu biết được nó mới có thế
thành công mà nhất là trong lãnh vực xử thế.
Trên đời này có biết bao nhiêu người đã
phải trả một giá quá đắt có khi đánh đổi lấy sinh mạng để học lấy một
kinh nghiệm của hai từ nhường nhịn. Trường hợp đó không thiếu và những
kẻ ấy cũng nào phải là ít.
Vậy điều kiện mà con người cần phải biết
cho những ai muốn tạo lập cuộc đời mình có ý nghĩa cần phải ghi nhớ và
chấp nhận là nhường nhịn cùng nhau.
Những ngày còn nhỏ tôi còn ham đọc
truyện cổ, có một câu chuyện mà trọn đời tôi không sao quên được đó là
câu chuyện Hàn Tín chịu lòn trôn một gã bán thịt khi Tín chưa gặp thời
ngay giữa chợ. Sau này Tín làm nên danh phận lại trả ân cho gã bán thịt
kia chỉ vì gã bán thịt nọ giúp Tín nuôi chí lớn. Câu chuyện đó tôi còn
nhớ mãi và tôi thầm phục Tín; bởi lẽ Tín nhường nhịn đúng lúc, ngược lại
nếu Tín không nhường nhịn được, tôi tin là câu chuyện đã đổi khác và
người đời sau sẽ chê Tín cũng nên.
Bằng bao nhiêu lập luận với một câu chuyện Hàn Tín lòn trôn tôi tin là các bạn sẽ suy nghĩ nhiều về hai tiếng nhường nhịn vậy.
Trích "TINH HOA XỬ THẾ" - Lâm Ngữ Đường