Có nên chơi với bạn nhà nghèo?

Gửi cô Yên Tâm, 

Lớp con chia thành hai phe rõ rệt. Một bên là nhà giàu học giỏi, còn bên kia là nhà nghèo học dở. Các bạn bên phe nhà nghèo luôn bị các bạn phe nhà giàu chọc ghẹo, kỳ thị. Con thuộc diện nhà giàu, nhưng lại thích chơi với bên nhà nghèo, nhiều lần con muốn gắn kết hai phe lại nhưng đều vô vọng.
<!-- more -->
Lúc trước, có lần con mở lớp dạy thêm miễn phí cho các bạn nhà nghèo. Từ đó trở đi, các bạn nhà giàu trong lớp tẩy chay, không chơi với con nữa. Phe nhà giàu không cho con tham gia học nhóm, trao đổi bài với nhau nữa. Mà học nhóm với phe nhà nghèo thì mấy bạn toàn nghe con nói, không có ý kiến, không tranh luận gì cả làm việc học nhóm không có hiệu quả. Các bạn nhà giàu tuyên bố: “Đã chơi với tụi nó (nhà nghèo) thì đừng chơi với tụi này”. Cô ơi, con khó xử quá! Nghỉ chơi với các bạn nghèo thì con thấy mình không đúng. Mà tiếp tục chơi thì lại làm con tuột dốc trong học tập. Con phải làm sao hả cô?


Boon
                                     ***********

Trả lời tư vấn của Chuyên Viên Yên Tâm :

Boon thân mến,

Cô rất vui khi thấy con biết tự giác giúp đỡ các bạn học kém, biết tìm cách đoàn kết hai phe “cánh tả” và “cánh hữu” trong lớp, biết lo lắng cho kết quả học tập của mình… Đây là một điều hiếm có và con rất đáng được khen ngợi.

Những rắc rối, khó xử mà con đang gặp phải thật ra cũng không khó giải quyết. Cô cháu mình sẽ cùng giải quyết lần lượt nhé:

1. Có nên tiếp tục chơi với nhóm bạn nghèo?

- Nên tiếp tục, mình làm đúng thì không có gì phải đắn đo cả, tình bạn chân chính không phân biệt giàu nghèo.

2. Vậy bị nhóm bạn giàu tẩy chay thì sao?

- Chẳng có gì phải sợ. Con cứ giải thích với nhóm bạn giàu một lần nữa, rằng con chỉ muốn giúp đỡ các bạn nghèo, đoàn kết cả lớp, không còn cảnh “phe phái” nữa. Giải thích xong, nếu bạn giàu nào hiểu chuyện, tiếp tục chơi với con thì quá tốt. Còn nếu vẫn tẩy chay con thì con cũng đừng nên tiếc những người bạn như vậy.

3. Không chơi với nhóm bạn giàu, lấy ai trao đổi bài và học nhóm, giúp đỡ con học tập?

- Ngoài nhóm bạn giàu đó, con còn rất nhiều cách để trao đổi thông tin, nhờ giúp đỡ trong việc học tập như: thầy cô, các bạn ở lớp khác, người thân, đọc sách, tìm kiếm thông tin trên internet…

Ngoài ra, còn một điều cô muốn nói với con: Trong thư, con nói “nhà giàu học giỏi” và “nhà nghèo học dở”. Theo cô, kết quả học hành chưa chắc đã bị ảnh hưởng bởi kinh tế gia đình. Rất nhiều trường hợp “nghèo nhưng vẫn học giỏi” và “giàu mà lại học dở”. Con hãy xem lại nguyên nhân nào mà nhóm bạn nghèo lại học dở, vì gia đình quá khó khăn hay vì không có ý chí phấn đấu, không có phương pháp học tập tốt… Từ đó, con mới có cách phù hợp để giúp các bạn.

Chúc con vui!

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét