Vẻ đẹp của nghị lực sống

Nguyễn Công Hùng – Hiệp sỹ CNTT
Bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh, rất nhiều người khuyết tật đã nỗ lực, vươn lên để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn có ích đối với cộng đồng. Những tấm gương vượt khó để thành công có ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội


Nhà chính trị khiếm thị 

Tháng 3-2008, ông David Paterson, 53 tuổi, đã ghi tên mình vào lịch sử nước Mỹ khi trở thành thống đốc khiếm thị đầu tiên ở Mỹ và là thống đốc người Mỹ gốc Phi đầu tiên của New York.

Có ý kiến cho rằng ông David Paterson đã may mắn trở thành thống đốc bang sau sự ra đi của ông Eliot Spitzer do dính vào bê bối tình dục. Tuy nhiên, nếu xét những nỗ lực của David Paterson trong quá khứ, rõ ràng ông xứng đáng với vị trí đó.

Bệnh nhiễm trùng ở tai khi mới 3 tháng tuổi đã ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, khiến mắt trái của David Paterson bị mù hẳn, còn mắt phải nhìn rất hạn chế. Tuy nhiên, ông từ chối học chữ Braille, không sử dụng gậy hay chó dẫn đường mà cố gắng sống, học tập và làm việc như một người bình thường. Paterson đã tốt nghiệp loại ưu Đại học Columbia và Trường luật của Đại học Hofstra.

Lời phát biểu năm 2002 khi được bầu làm lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại thượng viện của bang New York đã cho thấy nghị lực của ông Paterson lớn như thế nào: “Mọi người thích nói với những người khuyết tật rằng họ cũng giống như mọi người. Nhưng câu nói đó chỉ nhằm động viên bạn mà thôi. Khi bạn là người khuyết tật, bạn mới hiểu bạn chẳng giống mọi người chút nào!”.

Siêu người mẫu khuyết tật 

Ngày 29-7-2008, cô gái 24 tuổi của xứ sở sương mù Kelly Knox đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Người mẫu khuyết tật Anh do BBC tổ chức. Do khiếm khuyết trong thời kỳ thai nhi, Kelly Knox bị mất cẳng tay trái ngay từ khi mới sinh. Mặc dù không được trời phú cho một thân hình hoàn thiện nhưng Kelly Knox luôn tự tin, lạc quan và chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người kém may mắn.

Cho tới năm 23 tuổi, Knox mới quyết định tham dự cuộc thi Người mẫu khuyết tật bởi trước đó cô chưa từng nghĩ mình là người khuyết tật. Với thành công mới này, Knox trở thành gương mặt người mẫu khuyết tật đầu tiên trên thế giới. Kelly Knox đã ký hợp đồng với công ty người mẫu hàng đầu Take 2 và làm người mẫu cho tạp chí Marie Claire. 

Thần đồng âm nhạc khiếm thị của Hàn Quốc

Mới 5 tuổi, bị khiếm thị từ khi chào đời và bị cha mẹ bỏ rơi nhưng bé Yoo Ye-eun đang được coi là thần đồng âm nhạc của Hàn Quốc. Yoo Ye-eun biết chơi piano ngay từ khi lên 3 tuổi và hiện cô bé có thể chơi lại bất kỳ bản nhạc nào chỉ sau đúng một lần nghe.

Bé Yoo Ye-eun đã làm cho hàng triệu người Hàn Quốc phải kinh ngạc và thán phục khi biểu diễn tại cuộc thi Star King trên truyền hình. Sau màn trình diễn xuất sắc, em đã giành được giải thưởng trị giá gần 4.000 USD.

Những hình ảnh của em sau đó đã được đưa lên trang web chia sẻ video trực tuyến Youtube và thu hút sự chú ý của gần 30 triệu cư dân mạng. Người Hàn Quốc gắn cho em biệt danh “Mozart của Hàn Quốc”. Rất nhiều nơi trên thế giới đã gửi lời mời em đến biểu diễn. Một tương lai tươi sáng đã mở ra phía trước em.

Phóng viên ảnh… không chân

Nghề phóng viên, nhất là phóng viên ảnh, đòi hỏi những người trót lỡ theo nó phải vận động rất nhiều. Rất khó có thể tưởng tượng được một phóng viên ảnh lại… không có chân. Vậy mà, Kevin Connolly – 22 tuổi, không có chân từ khi mới sinh – lại làm công việc đó. Kevin Connolly di chuyển bằng cách giữ thăng bằng thân người trên một ván trượt. Với tấm ván trượt này, Connolly đã đi qua 31 thành phố thuộc 15 quốc gia trên thế giới và chụp được hơn 32.000 bức ảnh.

Những bức ảnh anh chụp chủ yếu ghi lại những ánh mắt của những người xung quanh nhìn anh với các trạng thái tâm lý khác nhau. Hiện tại, Connolly đang theo học ngành nhiếp ảnh và phim ở trường đại học bang Montana. Chứng kiến những nỗ lực của anh trong cuộc sống, những người xung quanh anh đều tin rằng anh sẽ đạt được thành công trong tương lai. 

Những “kình ngư” phi thường

Trong những ngày tháng 9 vừa qua, cả thế giới hướng mắt về thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để theo dõi Đại hội thể thao Paralympic 2008 dành cho người khuyết tật. Ở đó, có rất nhiều tấm gương người khuyết tật vượt qua số phận để làm nên những điều phi thường. Các kình ngư Matt Cowdrey và Christopher Tronco Sanchez là 2 trong số đó.

Matt Cowdrey, 19 tuổi, người Australia, bị khuyết tật bẩm sinh với tay trái chỉ có nửa. Nhưng không phó mặc cho số phận, Matt Cowdrey đã tập luyện chăm chỉ và ngay từ khi 13 tuổi, Cowdrey đã phá kỷ lục thế giới dành cho vận động viên khuyết tật. Năm 15 tuổi tại Paralympic Athens 2004, Cowdrey giành được 6 huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng nội dung 100m tự do và 200m hỗn hợp cá nhân. Tại Paralympic 2008, kình ngư người Australia được so sánh như một “Michael Phelps của làng bơi khuyết tật”.

Không nhiều thành tích quốc tế như Matt Cowdrey nhưng Christopher Tronco Sanchez được coi là vận động viên bơi lội kỳ lạ nhất ở Paralympic 2008. Vận động viên 22 tuổi, người Mexico, ngay từ khi sinh ra đã không có tay và chỉ có một chân. Khi nhìn cơ thể anh, nhiều người lắc đầu ngán ngẩm và tự đặt câu hỏi: Không hiểu anh ấy bơi bằng cách nào?!

Có lẽ, mỗi chuyên gia về bơi lội sẽ đưa ra một lời giải thích khác nhau về kỹ thuật bơi của anh nhưng họ sẽ đều có chung một nhận định rằng anh còn bơi bằng cả nghị lực phi thường. Thật đáng kinh ngạc, kình ngư đặc biệt này từng giành 130 huy chương các loại ở các giải trong và ngoài nước.
Như các bạn đã thấy, vốn dĩ khi sinh ra mỗi người đều mắc những khiếm khuyết khác, có người thì ở vẻ bề ngoài, có người trong tâm hồn.

Chỉ có một thứ có thể khắc phục được những khiếm khuyết đó, Chính là bạn. Phải có sự bền bỉ, tin tưởng bản thân thì bạn mới có thể vượt qua được những thử thách, sóng gió của cuộc đời. Hãy sống tốt (Make it count). Chúc các bạn thành công!

Nguồn: SGGP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét