Vua Trường Thọ là một người nhân từ đạo đức, không bao giờ dùng uy
quyền thế lực để trị nước, ông ta dùng tâm từ bi kêu gọi mọi người hãy
sống đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, nhờ vậy người dân của nước
ông luôn sống trong ấm no và hạnh phúc. Vua Phên một nước láng giềng
biết được nhược điểm đó, nên muốn xua quân tìm cách xâm lăng mở mang bờ
cõi. Quần thần trong nước biết được hung tin nên đề nghị nhà vua cho
xuất binh để bảo vệ nước nhà.
Vua Trường Thọ nghĩ đến thảm cảnh
con người máu đổ xương rơi, kẻ mất cha người mất mẹ, vợ trẻ chờ chồng
mòn mõi, con côi buồn tủi khóc cô đơn, gia đình ly tán. Kẻ sống và thắng
cuộc thì đắc ý kiêu hãnh, kẻ chiến bại thì máu đổ đầu rơi gây nên nỗi
oán hận vô cùng, chiến tranh loạn lạc, kẻ khóc người cười. Trong cuộc
binh biến mấy ai dám đảm bảo an toàn mạng sống, vua nghĩ vậy liền cảm
thấy tâm cang héo sầu và lắc đầu chán ngán con người sao quá tham tàn?
Không
còn con đường nào khác, nhà vua quyết định từ bỏ ngai vàng và dẫn thái
tử Trường Sanh vào núi tu hành, bỏ mặc cho thế sự đến đâu thì đến. Hai
cha con bây giờ trở nên người bần hàn ở nơi rừng sâu nước độc, vui thú
tu hành nơi hang sâu núi thẳm. Hằng ngày thái tử đi tìm hoa quả rừng để
phụng dưỡng cho cha. Một hôm đang ngồi tịnh tọa trong hang động, bổng từ
xa có một người đang tiến gần chỗ nhà vua, thốt lên tiếng vui mừng, a
nhà vua đây rồi. Người đó nói, hiện nay kinh thành đã bị vua Phên chiếm
rồi và còn dán thông báo tầm nã quân vương. Dân tình bây giờ đang sống
trong phiền muộn khổ đau, họ đang oán trách nhà vua vì bỏ trốn, mà dân
chúng phải chịu lầm than cơ cực.
Vua nghe vậy trong lòng cảm thấy
xót xa thương cảm, không lẽ chỉ vì ta mà dân chúng phải chịu đau khổ lầm
than? Ta đã nguyện hy sinh bản thân này để mọi người sống trong an lạc
thái bình, ta phải trở về nạp mạng để muôn dân được ấm no hạnh phúc. Nói
rồi, vua liền viết mấy chữ vào thân cây để cho thái tử biết. Thôi chúng
ta đi ngay bây giờ. Trường Sanh trở về cầm giỏ trái cây đầy ắp trên
tay, nhưng không còn thấy cha mình đâu nữa. Chàng cứ tưởng rằng cha mình
dạo quanh đâu đó. Nhưng, vô tình chàng đọc được dòng chữ trên cây biết
cha mình gặp nạn, nên theo đường cũ chàng trở về kinh thành. Từ xa chàng
đã thấy nhiều người nhốn nháo trước cổng thành, linh tính có điềm xấu
sắp sửa xảy ra. Lúc này vua Trường Thọ đã bị đưa lên giàn hỏa chuẩn bị
thiêu sống, dân chúng bao quanh lấy giàn hỏa khóc lóc rất thảm thương,
họ đang thương tiếc cho vị vua hiền từ đức độ phải chịu chết để dân
chúng không bị cảnh lầm than cơ cực.
Thái tử nhanh chân len lõi
đến tận giàn hỏa và chàng cố tìm cách để cho vua cha nhìn thấy mình. Lúc
này đã đến giờ châm lửa, vua Trường Thọ liền lớn tiếng nói rằng: “Này con trai! Hãy nên lấy tình thương để xóa bỏ hận thù, đó là lời cuối cùng của cha mong con ghi nhớ để cha yên lòng ra đi…”
Giàn lửa bốc cháy lên hừng hực, như reo hò trong tiếng hát. Người con
buồn bã cố nuốt hận trong lòng, nghĩ rằng mình phải trả thù cho cha.
Hình ảnh nhà vua chết đau thương trên giàn hỏa, đã làm cho đứa con căm
thù lên tột độ.
Nhưng nhớ tới lời cha dặn dò lần sau cuối, thái tử cũng không cầm được nước mắt. Lời người cha cứ văng vẳng bên tai: “…Này con trai! Hãy nên lấy tình thương để xóa bỏ hận thù“,
nhưng không thể được con phải quyết chí trả thù. Vì nó đã giết cha ta,
đã cướp đất nước của ta, thù này quyết trả. Thái tử quyết tâm báo thù,
nên đã ở lại kinh thành tìm cách làm quen với các quan cận thần. Vốn
khỏe mạnh và thông minh nên thái tử đã xin vào phụ việc trong nhà một
quan đại thần. Nhờ siêng năng cần mẫn, lại có sức khỏe hơn người nên chỉ
trong thời gian ngắn chàng đã được lòng vị quan.
Một hôm hai
người đang trò chuyện với nhau rất là thân mật, vị quan mới hỏi ngươi
còn tài năng nào đặc biệt nữa không. Dạ thưa đại quan tôi có tài nấu ăn.
Ngày hôm sau thái tử được giao nhiệm vụ nấu ăn để thử tài nghệ của
chàng đầu bếp mới này. Không ngờ chàng quá tài giỏi, nấu ăn ngon hơn các
đầu bếp trong nhà. Vị quan vì muốn khoe tài với đức vua mình có người
đầu bếp giỏi, nên ông ta cung thỉnh nhà vua đến dự tiệc tại tư gia. Nhà
vua có dịp được thưởng thức những món ăn tuyệt hảo, nên rất thích người
đầu bếp. Cuối cùng nhà vua ra lệnh, cho dời anh chàng đầu bếp giỏi về
nấu ăn cho ngài.
Nhờ tài nấu ăn ngon, nên chàng đã lấy được lòng
vua Phên và sau đó trở thành kẻ hộ vệ tâm phúc nhất, nên vua đi đâu
chàng cũng được đặt cách theo sau hầu cận. Một hôm trong lúc đi săn hai
người mải mê chạy theo con mồi, nên vô tình lạc vào rừng sâu. Trời đã
tối dần, mà đoàn tùy tùng cũng chẳng thấy đâu vua đành phải ngủ lại dưới
gốc cây cổ thụ. Thái tử lúc này đang đứng kế bên hầu cạnh nhà vua, giờ
thì mạng sống của vua nằm trong tay thái tử. Chàng định rút kiếm ra
nhưng nhớ lời cha dặn, chàng không nỡ xuống tay. Lúc này vua Phên vừa
giựt mình tỉnh giấc, vì đã trải qua một cơn ác mộng thật là kinh hoàng
trong lúc mơ màng, nhà vua thấy có người muốn giết mình.
“Khanh ơi, trẫm vừa chiêm bao thấy thái tử con vua Trường Thọ vừa tha tội chết cho ta, vậy đó là điềm lành hay điềm dữ.”
“Dạ thưa ngài, thần chính là thái tử đây!”
Vua
nghe nói lông tóc đều dựng đứng. Bàng hoàng sửng sốt một hồi lâu mới
lấy lại bình tỉnh, vua Phên nói đây là sự thật hay là chiêm bao. Trước
tấm lòng bao dung và độ lượng của thái tử làm vua Phên cảm động và ăn
năn hối lỗi vô cùng. Vua nói, ta vì tham tàn bạo ngược mà giết oan biết
bao người lương thiện, chiến tranh lúc nào cũng chết chóc tang thương
chất chứa hận thù ngất trời cao. Đều do lòng tham muốn quá đáng của con
người mà gây nên tội lỗi.
Ta bây giờ đã hiểu ra, không có gì cao
cả và quý hơn bằng tình thương yêu chân thật của con người. Trời dần
sáng vua cùng thái tử tìm cách trở ra bìa rừng gặp lại đoàn tùy tùng.
Vua hỏi, các ngươi biết người cùng đi với ta là ai không? Đó là thái tử
con vua Trường Thọ mà ta đã hỏa thiêu, người chính là vị ân nhân của ta
vì lòng nhân ái mà quên hận thù. Sau đó vua Phên ra lệnh cho toàn thể
quan quân hãy mau rút lui về, trả lại đất nước cho thái tử.
Câu
chuyện trên đã nói lên tấm lòng từ bi cao cả không thể nghĩ bàn của vua
Trường Thọ và tấm lòng cao thượng của thái tử. Vua Trường Thọ thà chịu
chết để cho muôn dân được sống còn, khỏi phải bị chiến tranh tàn sát
giết hại lẫn nhau gây đau thương tang tóc hận thù. Còn thái tử nhớ lời
cha dạy nên đã mở rộng tấm lòng, lấy tình thương để chuyển hóa hận thù.
Nhờ vậy hai nước kết tình láng giềng cùng đóng góp chia sẻ, trong tình
đoàn kết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Như chúng ta đã biết, không
có gì quý hơn khi mọi người sống thương yêu và hiểu biết, bao dung và độ
lượng, từ bi và tha thứ, dấn thân và phục vụ vì lợi ích tất cả chúng
sinh.
Nguồn: Hoa vô ưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét