Làm sao để cha mẹ có thể hiểu con cái ?

Tôi có cảm giác con cái bây giờ sớm tách rời cha mẹ, chuyện trao đổi tâm tình không hoàn toàn cởi mở, nói là nói vậy thôi, chứ vẫn còn giấu giếm. Cha mẹ ngày trước cũng không luôn luôn gần gũi, tâm tình với con cái, nhưng gần như ít thấy sai phạm nghiêm trọng xảy ra từ phía con mình.


Còn bây giờ xảy ra đủ thứ, yêu sớm dẫn đến có thai phải đi “kế hoạch”, bạn bè băng nhóm rủ nhau đi bụi khi bị cha mẹ rầy, đâm chém nhau khi có chuyện không vừa ý, mỗi chút là dọa tự tử.... Rất mong các chị cho biết thêm về vấn đề tâm lý truyền thông, cách nào để cha mẹ và con cái gần gũi nhau hơn? Tôi đang là mẹ của hai cô con gái đều ở tuổi mới lớn: 12 và 15. Hai cháu rất ngoan, nhưng bạn bè của các cháu mới là điều làm tôi lo âu. Nói những suy nghĩ này với các cháu thật không dễ.

*********​

- Trả lời tư vấn của Thạc Sỉ xả hội học Nguyển Thị Oanh :

Xin cám ơn câu hỏi rất có ý nghĩa của chị. Các khoảng cách giữa các thế hệ không chỉ là khoảng cách về tuổi tác mà là khoảng cách văn hóa xã hội, nghĩa là khoảng cách trong cách suy nghĩ và hành động.

Trẻ ngày nay tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng mà trước kia ta không có. Đặc điểm của tuổi mới lớn là muốn thành người lớn, có nghĩa là muốn một khoảng riêng bất khả xâm phạm. Điều này tự nhiên và chính đáng. Các bậc cha mẹ am hiểu sẽ tôn trọng cái khoảng riêng ấy.

Không phải nhờ biết hết ý nghĩ của con mà giáo dục được con. Nhưng tình thương và tấm gương của ta mới là điều gợi hứng cho trẻ làm tốt . Trẻ giấu giếm một phần vì sợ nói ra bị rầy, hay thậm chí làm cho cha mẹ lo. Và đúng là ngày nay có nhiều điều trong môi trường của trẻ làm ta lo.

Nhưng môi trường sống trong gia đình hạnh phúc chính là yếu tố tạo nên sức đề kháng cho trẻ đối với những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài.

Về truyền thông, trước kia ta nghĩ: “Phải nói sao cho người ta nghe”, nhưng ngày nay thì khác: “Phải nghe sao cho người ta nói”.

Thật vậy, khi người ta chịu nói mình mới biết họ muốn gì, nghĩ gì và từ đó mới giúp họ được.

Lắng nghe rất khó vì không phải nghe bằng lỗ tai mà phải đặt mình vào vị trí của người kia để thực sự thấu cảm và hiểu tại sao họ suy nghĩ và hành động như vậy. Chấp nhận và không vội đánh giá hay cho lời khuyên. Thái độ lắng nghe tích cực của ta, sự tôn trọng và vô tư của ta sẽ giúp cho người kia bình tĩnh và trở nên khách quan.

Nên đặt câu hỏi gợi ý cho người kia tự đào sâu vấn đề và tự tìm ra giải pháp. Không nên áp đặt. Không phải ngày một ngày hai mà vấn đề được giải quyết, cha mẹ như nhà giáo dục rất cần sự kiên nhẫn và khoan dung.

Nếu các cháu nhà chị ngoan là điều đáng mừng. Chị cũng đừng quá lo về bạn của cháu. Sau này vào đời, các cháu sẽ phải tiếp xúc với mọi thành phần tốt và xấu. Nếu cháu hạnh phúc trong gia đình và gắn bó với cha mẹ thì cháu sẽ biết lựa chọn. Trẻ theo bạn xấu khi cảm thấy cô đơn trong gia đình. Ví như ở vùng sông nước, lúc nào ta cũng giữ gìn trẻ không cho xuống nước thì trẻ có thể gặp nguy hiểm khi lỡ rơi xuống nước. Còn nếu ta cứ thả trẻ xuống nước, tập cho trẻ bơi thì sẽ tự bảo vệ được mình. Nghĩa là gia đình và học đường ngày nay phải dạy cho trẻ kỹ năng sống thay vì chỉ dạy đạo đức suông.

Anh chị có chơi đùa, tham gia các trò chơi, ca hát với các cháu không? Đây là dịp gần gũi trẻ một cách tự nhiên, giúp trẻ thật thoải mái và cảm thấy mình được quan tâm. Có gần gũi nhau một cách tự nhiên thì trong các dịp nói chuyện nghiêm túc mới thấy dễ gần gũi nhau.


Nguồn : Phụ Nử Online 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét