Trẻ gãy xương đòn, đừng quá lo lắng

Con tôi được 2 tuổi, cháu bị ngã gãy xương đòn. Tôi đã cho cháu đi khám và điều trị tại bệnh viện nhi thành phố, kết quả khám cháu bị gãy 1/3 xương đòn, di lệch ít. BS đã bó bột đai thun số 8.

Tôi xin chương  trình tư vấn cách chăm sóc cũng như kiêng cho cháu như thế nào để cháu mau khỏi. Rất mong được hồi đáp. 


(Hoang09)

                                  ****************

Trả lời của TH.S, BS TĂNG HÀ NAM ANH (giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, trưởng khoa CTCH BV Nguyễn Tri Phương):

- Gãy xương đòn hay gặp ở trẻ em. Xương gãy hay bị di lệch nên thông thường bố mẹ cháu rất sợ. Thật ra bộ xương trẻ em có khả năng tự liền rất cao, đồng thời khả năng tự sửa chữa rất tốt.

Trẻ càng nhỏ khả năng tự sửa chữa càng lớn. Do vậy có nhiều khi bố mẹ thấy con bị gãy xương mà bác sĩ chỉ nắn sơ sơ rồi cho về. Các di lệch gần như bộ xương trẻ em đều tự chỉnh sửa được, ngoại trừ di lệch xoay. Do đó các bác sĩ sẽ tập trung vào chỉnh di lệch xoay để tránh di chứng về sau, các di lệch khác tự bộ xương sẽ sửa chữa.

Trở lại xương đòn. Đây là loại gãy xương mà hay bị di lệch. Tuy nhiên là loại gãy rất dễ lành nhất là khi được điều trị bảo tồn. Các di lệch xương đòn rất khó nắn và rất khó giữ sau khi nắn, do đó thông thường các bác sĩ chỉ cố định tạm thời chờ xương lành.

Bản thân việc cố định xương đòn cũng rất khó khăn do vị trí của nó. Con bạn còn bé nên xương đòn sẽ tự lành và tự sửa chữa. Bạn không nên lo lắng về nó. Sau một tháng xương sẽ lành, sau 1-2 năm xương sẽ về bình thường. Chế độ chăm sóc không có gì đặc biệt, bạn cho cháu ăn uống bình thường. Hạn chế chạy nhảy để tránh té lần nữa gây đau cho cháu. Khi xương lành cháu sẽ trở về bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét