Vui chơi giúp phát triển kỹ năng sống

Các bậc cha mẹ thường đề cao tầm quan trọng của việc học tập đối với sự khôn lớn của trẻ. Với trẻ em, học tập có ý nghĩa to lớn trong việc trang bị những kiến thức và hiểu biết căn bản. Nhưng bên cạnh hoạt động học tập, hoạt động vui chơi cũng đóng một vai trò không nhỏ trong sự phát triển nhân cách và các kỹ năng sống của trẻ em.


Các kỹ năng có được thông qua các trò chơi
Trò chơi của trẻ em có nhiều dạng, chẳng hạn như: Trò chơi vận động - trò chơi trí tuệ; trò chơi cá nhân - trò chơi tập thể; trò chơi rèn luyện nhân cách - trò chơi hỗ trợ hoạt động học tập... Mỗi dạng có những tác dụng riêng thúc đẩy sự phát triển nhân cách. Chính vì thế, một đứa trẻ được tham gia vào nhiều loại hình vui chơi càng có khả năng phát triển đa dạng hơn. Tác dụng của một số loại trò chơi như sau:

+ Trò chơi vận động như đá banh, nhảy dây, lò cò, kéo co, banh đũa...: Giúp cho trẻ phát triển thể chất, cơ thể khỏe mạnh và luyện tập sự khéo léo trong các thao tác vận động.

+ Trò chơi trí tuệ như đánh cờ, lắp ráp,...: giúp rèn luyện trí nhớ, kích thích khả năng tư duy và trí tưởng tượng, khơi dậy hứng thú tìm tòi tích cực và giúp trẻ em phát triển trí thông minh, tăng cường khả năng giải quyết vấn đề.

+ Trò chơi hỗ trợ hoạt động học tập như các trò ghép chữ, đố vui...: Học tập bằng hình thức vui chơi thường có sức lôi cuốn cao, tạo nhiều hứng thú và nâng cao hiệu quả nhận thức cho người học. Chơi giúp trẻ em được giải trí, khuây khỏa, giúp cho việc học tập, tiếp thu tri thức của các em trở nên nhẹ nhàng, thuận lợi hơn.

+ Trò chơi rèn luyện nhân cách: Mỗi loại trò chơi còn giúp rèn luyện nhân cách cho trẻ em qua việc hình thành và phát triển nhiều phẩm chất và kỹ năng sống cho trẻ. Thông thường, trẻ em không chỉ vui chơi một mình (trò chơi cá nhân) mà thường thích chơi cùng với bạn, với người khác (trò chơi tập thể). Việc vui chơi theo nhóm giúp cho trẻ em hình thành và phát triển nhiều kỹ năng xã hội như: Giao tiếp, lãnh đạo (tổ chức, hoạch định), hợp tác làm việc theo nhóm, thể hiện tinh thần đồng đội, biết chia sẻ, hợp tác, cư xử với nhau một cách thiện chí, biết giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột... và phát triển những phẩm chất tốt đẹp như: Tính kiên trì, tính trung thực, biết nhường nhịn, biết cư xử đẹp khi thắng thua, "Thắng không kiêu, bại không nản".

Việc chơi đùa ngoài trời, chơi ở sân chơi thiết kế thích hợp, chơi thể thao (bóng đá), ngoài việc phát triển thể chất còn giúp hình thành những phẩm chất tốt đẹp khác như tính phóng khoáng, cởi mở, lòng nhân ái, yêu thiên nhiên, thích tìm tòi, khám phá...

Vui chơi là một hoạt động sống không thể thiếu đối với trẻ em
Có thể nói, trò chơi giúp cho trẻ em thu thập những kinh nghiệm đáng giá, những hiểu biết về thế giới chung quanh nói chung, về các hoạt động của người lớn nói riêng. Trò chơi là một bài tập bước đầu, qua đó đứa trẻ làm quen với hoạt động tương lai của người lớn. Trò chơi giúp trẻ bộc lộ năng khiếu, sở trường của mình và là một phương tiện lý tưởng để tạo lòng tự tin cho trẻ em.

Thật vậy, nếu chúng ta tạo điều kiện cho trẻ tự do lựa chọn, được thoải mái tưởng tượng để cải tiến hay sáng chế trong trò chơi thì trẻ sẽ thấy rằng chúng đang được người lớn thừa nhận và tin tưởng vào khả năng của chúng. Trẻ sẽ nhận ra giá trị của bản thân và tự tin khi nhận lãnh các trách nhiệm trong cuộc sống sau này. Trò chơi là một phương tiện giúp trẻ bộc lộ, thể hiện tâm trạng, cảm xúc thật sự của mình. Nhìn trẻ chơi người lớn có thể cảm nhận được suy nghĩ bên trong hoặc phát hiện được những đặc điểm riêng của trẻ.

Điều quan trọng là thông qua trò chơi đứa trẻ tự rèn luyện những đức tính và kỹ năng sống một cách tự nhiên và đầy hứng thú. Nhờ vậy hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn so với những phương thức giáo dục khác.

Như vậy trò chơi có vai trò rất quan trọng đối với trẻ em. Nếu không chú trọng cho trẻ được vui chơi sẽ làm hạn chế sự tiến bộ của trẻ. Nhà giáo dục người Nga A.X. Makarenkô đã cho rằng: "Trẻ em trong vui chơi như thế nào thì phần lớn nó sẽ như vậy trong công việc khi lớn lên. Vui chơi là một hoạt động sống không thể thiếu được đối với mỗi đứa trẻ".



Nguyễn Thị Bích Hồng  (Thạc sĩ Giáo dục học - ĐHSP TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét