Đôi xe lăn hạnh phúc

Bà là một phụ nữ tật nguyền, lặn lội từ Nghệ An vào TP.HCM kiếm sống. Ông bị mất một chân, bệnh tật và không nơi nương tựa. Họ tìm đến nhau trong niềm hạnh phúc muộn mằn, cùng nhau xây dựng mái ấm yêu thương. Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng Vũ Văn Tỵ và Lê Thị Thế.

4g sáng, ông bà lục tục dậy chuẩn bị đồ đạc rồi dìu nhau xuống cầu thang gỗ, mỗi người một xe lăn đi bán vé số tới tối mịt mới về. Khi TP chìm vào giấc ngủ cũng là lúc ông bà trở về nhà sau một ngày rong ruổi trên khắp các con đường. Đó cũng là lúc căn gác nhỏ nằm trên con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Chiến Thắng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại sáng ánh đèn, rộn rã tiếng cười.

Bảy tháng tuổi, sau lần bị sốt nóng, bà Thế liệt nửa người. Đôi chân ngày càng teo tóp rồi liệt hẳn. Lớn lên, ý thức được mình là người khuyết tật, bà buồn lắm nhưng cũng ráng vượt lên số phận. Từ đó bà cố gắng lết đi bằng nửa mình còn lại để mưu sinh, cùng với người mẹ già cày xới mảnh đất trong vườn để kiếm ăn đắp đổi qua ngày.

30 tuổi, không một người đàn ông nào tìm đến với bà, bà tự mình xin một đứa con để căn nhà bớt phần lạnh lẽo.

Niềm vui chưa trọn thì kinh tế gia đình lại càng khó khăn khi mẹ bà ngày càng già yếu và con trai đến tuổi đi học. Năm Thạch lên 7 tuổi, bà gửi con lại cho bà ngoại để vào miền Nam kiếm sống. Bà bắt đầu lại từ đầu bằng công việc đi bán vé số. Rồi bà gặp ông Tỵ và nên duyên từ đó.

Ông mất chân trái trong một lần chạy bom trong chiến tranh năm 1974. Trước khi gặp bà Thế, ông đã lập gia đình. Cuộc sống khuyết tật khó khăn, rồi vợ ông đâm đơn li dị. Ông chán nản bỏ quê đến Sài Gòn kiếm sống. Khi trở về thì căn nhà lá ở Tân Uyên, Bình Dương cũng bị vợ con bán mất. Từ đó ông trở thành người không nhà cửa, không gia đình. Một mình ông chống gậy khập khiễng qua các con đường bán vé số mưu sinh.

Rồi ông gặp bà, hai con người tật nguyền, bất hạnh, cảm thông trước hoàn cảnh của nhau và muốn nương tựa nhau lúc ốm đau.

Căn gác vỏn vẹn 8m2 nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Chiến Thắng nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương.

Hỏi sao không thuê căn nhà dưới đất cho đỡ phải lên xuống khổ cực, bà cười mãn nguyện: “Không đủ tiền để thuê, nhưng ở thế này là tốt lắm rồi, đã có ông Tỵ làm chân cho tôi, tôi không còn mong gì hơn nữa”.

Ông Tỵ tâm sự: “Trải qua bao nhiêu mất mát, giờ đây tôi mới thật sự trân trọng hạnh phúc mình đang có’’.

Gần đây ông phát hiện mình bị bệnh gan. Những ngày phát bệnh bụng ông căng phồng, da vàng rực, nửa đêm đau dữ dội... Bà bỏ hết công việc lo vay mượn đưa ông đi viện. Ông nằm viện ở tầng hai, hàng xóm thương bà khuyết tật, nói bà ở nhà nghỉ ngơi để còn mưu sinh, để họ chăm sóc giúp nhưng bà nhất định không chịu. Hằng ngày bà cứ lết lên xuống qua mấy chục bậc cầu thang mua cho ông viên thuốc, lo cho ông chén cháo cho tới ngày ông ra viện.

Gần đây, khi sức khỏe vừa khá hơn, ông Tỵ đi làm lại ngay. Ông bảo muốn san sẻ với bà gánh nặng gia đình, đó là niềm hạnh phúc của ông.

Trên con đường Chiến Thắng ngay cạnh đường tàu lửa, người ta vẫn thấy hai chiếc xe lăn đặt sát nhau được khóa vào thanh sắt của hàng rào bằng một sợi dây xích. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi xe lăn ấy vẫn được khóa ở đó, bên cạnh nhau vào mỗi trưa, mỗi tối.

Sáng sáng, ông bà lại cùng nhau đi trên đôi xe lăn ấy, phân chia nhau qua các nẻo đường, tối tối căn nhà nhỏ lại sáng đèn, rộn ràng tiếng nói cười.

Tâm Lụa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét