Học giải quyết xung đột

“Xung đột” - hai từ nghe có vẻ ghê gớm, nhưng vẫn có cách để giải quyết, đó là : đặt quyền lợi san đều cho nhau và tạo sự kết nối cộng đồng.

Những người tuổi đời còn trẻ thì khả năng đánh giá mọi vấn đề còn chưa chín chắn, trong khi luôn muốn chứng tỏ bản thân và đề cao cái tôi cá nhân nên dễ dẫn đến xung đột. Xung đột xuất phát từ gia đình, trong trường học, trong cuộc sống và bất cứ nơi đâu. Do đó, việc trang bị kỹ năng sống giúp thanh niên giải quyết những xung đột, mâu thuẫn nhằm hạn chế chúng là điều rất cần thiết.

"Xung đột không tự nhiên đến mà hình thành từ thái độ sống của con người đối với nhau. Khi quan tâm giúp đỡ lẫn nhau thì sẽ ít xảy ra xung đột” - Huỳnh Khương - SV trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Văn hóa nhường nhịn ngày càng ít
Hiện nay văn hóa nhường nhịn trong xã hội ngày càng ít đi. Quan niệm thông thường là nếu mình nhịn mà người khác lấn tới thì thấy tức, nên muốn ăn thua đủ. Trên đường phố, khi lỡ va quệt nhau, có những người sẵn sàng đánh nhau là vậy. Chính điều này đã ảnh hưởng phong cách sống lên những người trẻ.

Theo tôi, để dạy cho con có tính nhường nhịn thì phải tập từ nhỏ và liên tục. Bản thân tôi cũng có con đang học đại học. Có lần, cháu đưa những bức xúc trong công việc làm thêm lên mạng. Và ở đó, cháu gặp một số ý kiến khích bác như đổ thêm dầu vào lửa. Trong tình huống đó, tôi càng phải theo sát con để giải thích, khuyên nhủ cháu kiềm chế... Như vậy, ngay cả khi con mình 18 - 19 tuổi, tưởng đã lớn nhưng thực ra vẫn có những khúc quanh cuộc đời cần chia sẻ, giải tỏa kịp thời.

TS Thạch Ngọc Yến - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và thanh thiếu niên TP.HCM

Chú trọng nội dung giải quyết xung đột
Chúng tôi cũng rất quan tâm và xem nội dung giải quyết xung đột là một trong những phần quan trọng khi tổ chức hai lớp học kỹ năng về tuyên truyền, giao tiếp và làm việc hiệu quả, diễn ra trong tháng 6 và tháng 8.2010. Theo đó, vấn đề xung đột khi làm việc nhóm và xung đột trong giao tiếp sẽ được xoáy vào. Bởi lẽ khi làm việc nhóm, nếu để xảy ra xung đột sẽ khó đạt hiệu quả cao. Và nếu như không ứng xử khéo léo thì có thể dễ gây hấn với nhau vì những chuyện không đâu...

Hà Tài Sáu - Phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng TP.HCM

Nên có cái nhìn tích cực
Xung đột xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, ngành nghề nhưng thường xảy ra nhiều nhất ở giới trẻ. Bởi không ít bạn trẻ còn bồng bột, muốn chứng tỏ mình và thường không kiểm soát được bản thân. Chúng tôi có dịp tiếp xúc, nói chuyện với trẻ em ở nhiều nơi thông qua các buổi tọa đàm, báo cáo chuyên đề. Điều chúng tôi muốn truyền đạt cho các em là phải luôn suy nghĩ và có cái nhìn tích cực trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Cho dù đang đối mặt với những tình huống xấu nhất đi chăng nữa thì đòi hỏi chúng ta cũng phải thật bình tĩnh và biết kiểm soát hành vi của mình.

Lê Quang Nguyên - Thành viên tổ chức Save The Children tại VN

Xuống nước” không phải là thua
Tôi từng là nạn nhân của một vụ xung đột xảy ra trên đường phố, xuất phát từ một chuyện cỏn con. Một lần đang chạy xe máy trên đường nhưng do người đi phía trước bất ngờ thắng gấp, trở tay không kịp nên xe của tôi đã đụng vào phần đuôi xe của người đó. Tôi đã chủ động xin lỗi trước nhưng anh ta cứ xông vào sừng sộ với tôi, mặc dù xe anh ta không bị hề hấn gì. Lần đó, nếu tôi không “xuống nước” thì chắc đã xảy ra đánh nhau. “Xuống nước” ở đây không phải mình thua họ mà là để giải quyết sự việc cho êm đẹp, vì nếu hơn thua cũng chẳng được gì, nhiều khi còn mang họa vào thân!

Lý Việt Luân - SV trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM

Đưa kỹ năng vào bài giảng
Theo tôi, nhà trường nên phối hợp với tổ chức Đoàn-Hội để truyền đạt thêm những kỹ năng cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, các thầy cô nên lồng ghép kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn vào những bài giảng về những môn học xã hội, nhất là môn đạo đức, giáo dục công dân...

Lê Văn Sâm - Giáo viên trường Tiểu học Ngãi Giao (Bà Rịa - Vũng Tàu)


Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét