Đường đi nằm ở chính mình

Lỗ hổng đầu tiên từ bậc trung học phổ thông, khi ở tuổi 18 bạn chưa hiểu hết sự đời rộng lớn, chưa trả lời xong câu hỏi “Mình sống để làm gì?”, chưa rõ tiềm năng ưu điểm và khuyết điểm ở đâu...nhưng bạn đã phải ra quyết định chọn nghề - một quyết định mang tính “sinh tử” đến vận mệnh của cả cuộc đời mà hầu như không có sự giúp đỡ từ người lớn. Công tác hướng nghiệp thì chỉ đơn thuần là dăm ba tiết học.


 


Lỗ hổng thứ hai đến từ môi trường giáo dục đại học. Không khó để bắt gặp những quyển giáo trình viết cách đây cả mấy chục năm, một số quyển khác thơm mùi giấy mới nhưng nội dung thì chỉ là được xào nấu lại, bình mới mà rượu cũ. Về phương pháp dạy học thì sinh viên vẫn hay đùa chua chát: giảng viên chuyển từ lối đọc - chép truyền thống sang chiếu - chép, thì cũng gọi là... hiện đại hơn! 


Lỗ hổng thứ ba nằm ngay chính trong người học - tức những bạn sinh viên. Một phần do nhà trường không trang bị cho các bạn phương pháp học đại học. Bước vào môi trường mới, mục đích học tập mới, nội dung mới, cách học mới, cách dạy mới, các bạn phải có phương pháp học mới. 


Sinh viên khác với học sinh, sinh viên phải ở tư thế chủ động, đừng có tâm lý chờ đợi những gì giảng viên mang đến lớp “mớm” cho mình. Mình phải tự “làm đầy” cái đầu của mình, giảng viên chỉ là chuyên gia giải đáp thắc mắc, định hướng thêm cho mình. 


Học đại học là lấy tự học làm chủ yếu. Giảng viên là người hướng dẫn cho sinh viên nên học cái gì, học bằng cách nào, học ở đâu và giải đáp trợ giúp khi cần. Sinh viên phải hiểu điều đó, phải biết chủ động khai thác thư viện, khai thác tài liệu, khai thác Internet, khai thác thực tiễn cuộc sống và khai thác cả giảng viên. Có rất nhiều sinh viên học giỏi, thành tài, bước lên những bậc thang cao trong xã hội dù cả lớp của họ học chương trình giống nhau, bài giảng giống nhau, giảng viên giống nhau, nhưng họ khác nhau ở sự chủ động. 


Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, họ đã tích cực tìm hiểu các môn khoa học bằng tiếng Việt, bằng tiếng Anh, bằng cách thâm nhập vào thực tế nghề nghiệp qua những việc làm thêm, bằng những cuộc tiếp xúc với những “người trong cuộc” đang hành nghề mà họ học. Họ còn trau dồi cả những kỹ năng mềm để trở thành người biết tự học suốt đời, biết tư duy sáng tạo, biết giao tiếp, biết khẳng định giá trị của bản thân mình, biết nuôi dưỡng đam mê của mình cho đến khi biến nó thành hiện thực.


22 tuổi, đi lạc, là tâm trạng chung của nhiều người. Nhưng đừng đổ lỗi hoàn toàn cho nền giáo dục, đừng thất vọng và cho rằng chẳng có điều gì để học trong nhà trường này. Dù quan trọng đến đâu đi nữa, tất cả những điều đó chỉ là yếu tố bên ngoài. Quyết định vẫn chính là ở bạn, bạn học bằng cách nào, với thái độ nào; bạn tự phát triển mình bằng con đường gì, tận dụng điều kiện hiện tại ra sao? 


Đừng quên rằng: “Nếu bạn không thay đổi được những quân bài đã chia, hãy thay đổi cách chơi chúng!”. Bạn không thể quyết định cách dạy của nhà trường thế nào, nhưng bạn hoàn toàn quyết định được cách học của mình!


Đi lạc thật đáng sợ, nhưng không có gì đáng sợ bằng đi lạc trong chính con người mình, trong chính lối suy nghĩ của mình. Khi không thay đổi được thực tế, hãy thay đổi cách nghĩ, thay đổi thái độ sống của mình, từ đó thay đổi hành động, để thực tế này không còn làm chủ số phận của bạn, mà bạn phải chủ động đứng lên vẽ ra con đường và làm chủ vận mệnh của mình!


THS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
(Khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

TTCT - Gần 20 năm làm giảng viên, chưa bao giờ sinh viên đến than thở với tôi về sự lầm lạc, mơ hồ, hoang mang của mình về ngành nghề nhiều như bây giờ. 


Sáng sớm hôm nay, một sinh viên rụt rè đến xin tôi cho em rút hồ sơ để em đi thi trường khác. Cô đang học năm thứ nhất và muốn “làm lại từ đầu” vì cảm thấy không hợp với ngành học hiện nay. Nhìn lá đơn viết rất nắn nót nhưng ngắn ngủn vài dòng chữ, tôi không thể ký. Thế là một cuộc nói chuyện bắt đầu. Em trút sang tôi rất nhiều hoang mang, nước mắt và nỗi niềm chất chứa. 


Em đỗ đại học khối C với điểm số khá cao (21,5), vượt qua hàng ngàn đối thủ để vào khoa của tôi. Vậy mà em lại muốn chối bỏ nó, sau bao nhiêu vất vả. “Sao em thi vào khoa này?”. Em đáp lại bằng sự im lặng. “Em có biết về ngành nghề trước khi đăng ký thi không?”. Lại im lặng. “Vậy thì em muốn làm gì hay là trở thành ai trong tương lai?”. Em ngẩng mặt lên với ánh mắt trống rỗng: “Em không biết”. Tôi đành bảo em về viết cụ thể cho tôi những suy nghĩ của em. Hai giờ sau, em quay lại với một lá thư. Lá thư, tất nhiên, dài hơn rất nhiều so với tờ đơn mà em gửi tôi ban đầu. 

Trích thư của một nữ sinh viên “lạc lối”
“...Trở thành sinh viên đại học, đó là ngã rẽ lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đang “tận hưởng” những năm tháng mọi người bảo là sung sướng nhất trong quãng đời sinh viên như thế này đây. 


Vào thời điểm này, khi tôi đã học sang đến tuần thứ 5 của học kỳ 2, nhưng tôi vẫn chưa định hướng được mình sẽ làm gì và trở thành ai trong tương lai sau này. Tôi đang ngổn ngang với những suy nghĩ và toan tính rối bời của một sinh viên năm nhất. 


Theo học ngành báo chí Trường ĐH KHXHNV, một trong những ngành học hết sức năng động hiện nay, nhưng môi trường ấy lại đối lập với con người tôi vốn trầm tính. Và thế là tôi nghĩ mình chọn sai nghề rồi phải không? Câu hỏi này đến giờ vẫn đau đáu trong đầu tôi mà chưa có lời đáp. 


Bạn bè tôi mỗi đứa học một trường khác nhau, và nếu hỏi rằng: “Tại sao cậu học ngành kinh tế?”, hay “Tại sao cậu lại chọn trường y?”, thì đa số các cậu ấy đều bảo rằng vì có bố đang làm giám đốc, hoặc vì “Bố mẹ tớ muốn tớ thành bác sĩ”. Thật buồn rằng tôi cũng như các cậu ấy, tôi chọn học báo chí không phải vì yêu nó, và cũng chưa có niềm đam mê với ngành học này. Niềm đam mê ấy, nếu có, thì tôi đang đi tìm nó trong tâm trạng phân vân “Liệu mình có đúng?”. 


Vì chưa tìm được nên tôi đến trường như một cái máy, không thấy được niềm yêu thích của mình, chán học rồi lười học, dẫn đến điểm kém. Tương lai của tôi trở nên mù mịt. Tôi sẽ là ai, sẽ làm gì trong tương lai, cuộc sống của tôi rồi sẽ thế nào... Tôi không thể đổ lỗi cho các giáo viên, hay chương trình đào tạo tín chỉ vốn cho tôi sự chủ động như ý muốn. Để tự bao biện cho bản thân, tôi nghĩ mình không đủ năng lực, mình “không hợp” với ngành học. Nhưng tôi vẫn không biết mình sẽ phải làm lại với cái gì...”.


Những nhà chuyên nghiệp không chuyên tâm?


“Em không phải là người không có năng lực đâu. Em viết rất tốt, rất chân thật và có thể khiến người đọc dễ dàng hiểu và cảm thông”. Tôi nói với em sau khi đọc lá thư. Tôi chia sẻ với em về cảm giác “lạc đường” của sinh viên, và cô trò tôi gặp nhau ở hai từ đó. 


“Em đã trút được gánh nặng rồi”. Đột nhiên em nói rất nhanh và ánh mắt vụt sáng. Có điều gì đó thay đổi trong em. Em cuống quýt xin lỗi đã làm mất thời gian của tôi và nhanh chóng rời khỏi phòng. Tôi hi vọng em cũng giống như các trường hợp tôi đã gặp, sẽ lấy lại được tinh thần sau khi được trút bỏ nỗi niềm, và đã thấy le lói một sự tự tin nào đó vào bản thân mình. 


H. là một trường hợp như thế. Em đỗ vào đại học ở một khoa lấy điểm rất cao, và cũng là ngành em thích. Nhưng trước con sóng du học như một phong trào, H. đăng ký học tiếng Nhật. Thời gian học đại học ở trường bị chia sẻ với các lớp học tiếng ở trung tâm khiến kết quả học tập của H. ngày càng sụt giảm, H. lọt vào danh sách cảnh báo buộc thôi học.

Đúng lúc đó, em lại mới nhận ra rằng việc đi du học ở Nhật không dễ dàng gì, chưa chắc em đã học được ngành mình yêu thích ở bậc đại học, mà có thể chỉ là học trung cấp, hoặc làm lao động phổ thông thôi. Em tức tưởi quay lại trường để xin một cơ hội làm lại từ đầu. 


“Chỉ đến khi cơ hội trong tay sắp vuột đi, em mới hiểu mình đang sai lầm và nông nổi thế nào” - em tâm sự với tôi, cũng với đầy nước mắt. Tất nhiên là không quá muộn. Học chế tín chỉ cho phép em được đăng ký học cải thiện điểm cho những môn kết quả kém. Em bảo sẽ quyết tâm học dù biết mình sẽ tốt nghiệp muộn hơn dự kiến. 


Có biết bao câu chuyện về những sinh viên “lạc đường” mà tôi đã chứng kiến suốt bao năm qua. Nỗ lực đưa các em về đúng hướng đi phù hợp trong sự tự tin và vui vẻ quả không đơn giản. Nhà trường, thầy cô cũng đã nhận ra để phần nào hỗ trợ các em. Nhưng còn bao rào cản khác khiến một bạn trẻ đầy tiềm năng có thể bị rơi vào hố đen tuyệt vọng, chẳng hạn sức ép của gia đình, hay sự “nhiễu” thông tin trên Internet. 


Báo chí, truyền thông... ai sẽ giúp bạn trẻ hóa giải nó? Câu hỏi nhức nhối còn đó, bởi nó rất gắn bó với chất lượng nguồn nhân lực tương lai gần của đất nước. Làm sao đào tạo được những nhà chuyên nghiệp khi mà họ không chuyên tâm ngay từ đầu?


               NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
(Khoa báo chí và truyền thông, ĐH KHXHNV, ĐHQG Hà Nội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét