Của cho không bằng cách cho....

Ông thầy là một giáo viên (GV) giỏi nổi tiếng ở TP.HCM. Thế nên nhiều HS ở các trường chuyên, trường điểm tìm đến nhà ông xin được học thêm mong tìm được một chỗ trong giảng đường đại học sau này. Ông dạy và chỉ chú tâm cho chuyện "làm sao mấy đứa hiểu được bài". Việc thu học phí hằng tháng là nhiệm vụ của bà xã ông.


Vậy mà ông vẫn biết và biết rất rõ trong số HS tứ xứ ấy có bao nhiêu em thuộc diện gia đình khó khăn. Một tuần thầy và trò chỉ gặp nhau ba buổi, mỗi buổi 90 phút nhưng ông bảo: "Nếu muốn tìm hiểu về HS thì thiếu gì cách".

Và cứ mỗi tháng, trước kỳ đóng học phí vài ngày, ông lại kêu từng HS khó khăn ra chỗ khuất gặp riêng thầy, rút tiền ra đếm: "Con lấy tiền này để đóng học phí cho cô nhá. Cứ cầm lấy không có gì phải ngại, không ai biết chuyện này ngoại trừ thầy và con".

Nhiều người biết chuyện hỏi ông: "Nếu anh thấy tội nghiệp HS nghèo thì cứ miễn học phí cho các em, việc gì phải làm cầu kỳ vậy". Ông cười khà khà: "Làm thế để mấy đứa không mặc cảm với bạn bè học chung lớp, với người thu tiền là bà xã tôi. Đi học thêm đóng tiền như nhau thì quyền lợi như nhau. Có thế mấy đứa mới thoải mái mà học cho tốt chứ".

Lòng từ thiện, sự yêu thương học trò của ông thầy làm tôi cảm phục. Nhưng cảm phục hơn cả chính là cách ông giúp học trò, giúp không chỉ để cho học trò được tiếp tục học hành, giúp không chỉ để cho học trò bớt khó khăn. Ông đã dạy học trò một bài học về cách đối nhân xử thế, về lòng tự trọng của con người, rằng giúp đỡ người khác không phải theo kiểu ban ơn mà mang lại cho người ta nhiều giá trị khác về tinh thần.

                                 Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét