“Khi tôi đã làm việc vất vả, tại sao cuộc sống vẫn khó khăn?”, người
nông dân Jon Jandai ở một vùng quê Thái Lan tự hỏi, rồi đi tìm câu trả
lời.
Hành trình nhìn nhận cuộc sống
Jon Jandai kể về hành trình nhìn nhận cuộc sống của mình: “Khi tôi
còn nhỏ, mọi thứ rất vui vẻ và dễ dàng. Nhưng khi có tivi và nhiều người
đến làng tôi hơn, họ nói rằng chúng tôi nghèo quá, các bạn phải theo
đuổi sự thành công. Các bạn phải đến Bangkok để theo đuổi thành công.
Nhưng khi tôi ở Bangkok, tôi cảm thấy cuộc sống dường như rất khó khăn,
phức tạp. Bạn phải học và làm việc rất nhiều mới có thể thành công”.
Trong 7 năm, Jon Jandai làm việc ít nhất 8 tiếng mỗi ngày nhưng chỉ
có thể ăn mì hay cơm chiên cho mỗi bữa và ở cùng với rất nhiều người
trong một căn phòng nhỏ xíu, nóng nực. Câu hỏi “Khi tôi đã làm việc vất
vả, tại sao cuộc sống vẫn khó khăn vậy?” đến với Jon Jandai.
Jon Jandai quyết định vào ĐH nhưng rồi nhận ra “không kiến thức nào ở
ĐH có ích với tôi”. Thậm chí Jon Jandai còn cho rằng học càng nhiều
càng làm mọi thứ bị hủy hoại nhiều hơn mà thôi!
Anh trở về vùng quê hiền hòa của mình và bắt đầu sống như ngày bé
thơ: làm việc 2 tiếng/ngày và 2 tháng/năm. 10 tháng còn lại dành cho bản
thân, cho sự thấu hiểu chính mình và những người xung quanh. “Tôi dành 1
tháng trồng lúa và 1 tháng thu hoạch, đào hai ao cá, chăm một mảnh vườn
với 30 loại rau, củ… và nhận ra rằng thật dễ sống, tại sao tôi phải đi
Bangkok?”.
Jon Jandai làm phép so sánh: 2 tháng mỗi năm, có thể nuôi bản thân và
6 người trong gia đình mình với 8 tiếng/ngày, 12 tháng/năm và không đủ
sống. “Thật dễ dàng!” - Jon Jandai kết luận.
Để minh chứng thêm cho sự dễ dàng trong cuộc sống của mình, Jon
Jandai cho biết ban đầu anh cảm thấy vô vọng trong việc có một chốn dung
thân cho “những người ít học như tôi” khi mà “những người đứng đầu lớp,
có việc làm ổn định phải mất 30 năm để có một căn nhà”.
Nhưng khi bắt đầu xây dựng công trình bằng đất, Jon Jandai đã nhận ra mọi thứ không khó khăn đến vậy.
“Tôi dành 2 tiếng mỗi ngày, từ 5g-7g sáng để làm. Ba tháng sau, tôi
có một căn nhà. Một người bạn của tôi cũng dành ra ba tháng để có một
căn nhà, nhưng anh ta mắc nợ 30 năm. Anh ta là người học giỏi nhất lớp”.
Từ trường hợp của mình, Jon Jandai đưa ra triết lý: “Vậy, “làm sao”
không phải là vấn đề, mọi người đều có thể xây nhà. Bọn trẻ 13 tuổi tự
làm gạch với nhau, chúng làm một căn nhà, sau một tháng, chúng có thư
viện”.
Mua vì thích hay vì cần?
Xong chuyện lớn là nhà thì đến chuyện nhỏ hơn là quần áo. “Tôi để
dành cả tháng để mua 2 cái quần jean. Mặc vào rồi xoay trái xoay phải
trước gương, tôi đều thấy một người. Quần áo đắt tiền không thể thay đổi
đời tôi. Tôi bắt đầu suy nghĩ, tại sao phải chạy theo thời trang? Bởi
vì chạy cũng không bao giờ theo kịp. Vậy thì đừng chạy, cứ ở yên đây
thôi. Dùng những thứ bạn có”.
Jon Jandai cho biết đã 20 năm nay anh không mua quần áo mà chỉ mặc đồ
người khác để lại khi đến thăm làng hoặc khi thấy anh mặc quần áo cũ,
họ cho anh. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là quần áo mà “là điều gì đó
về cuộc đời tôi”.
Điều Jon Jandai học được là khi mua thứ gì đó, anh sẽ nghĩ xem mình
mua vì thích hay vì cần. Nếu chỉ vì thích là sai. Chính điều này đã làm
anh thấy tự do hơn với bản thân mình.
Điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, đó là sức khỏe. Có dễ dàng
chăng? Ban đầu khi không có tiền, Jon Jandai rất lo lắng với ý nghĩ
mình bị bệnh thì sao. Nhưng sau anh nhận ra bệnh tật là điều bình
thường. Bệnh chính là thứ nhắc rằng ta đã làm gì đó sai lầm trong cuộc
đời mình.
"Nên khi tôi bị bệnh, tôi phải dừng lại và trở lại là chính mình rồi
nghĩ xem mình sai điều gì”. Và “người đàn ông dễ dàng” đã tự học những
kiến thức cơ bản để tự chữa bệnh.
Tự kiếm tiền và có đủ thức ăn mỗi ngày, tự xây nhà, không tốn tiền
mua quần áo và tự chữa bệnh chính là bốn điều làm Jon Jandai cảm thấy
mình tự do, ít sợ hãi hơn và có thể làm điều mình muốn. Và “tôi không
cần ép mình giống người khác, cũng không ai giống tôi. Tôi là số 1. Mọi
thứ thật dễ dàng!”.
Nhận ra có nhiều người từng rơi vào bi kịch giống mình khi ở Bangkok,
Jon Jandai đã bắt đầu một thứ gọi là “Pun Pun” ở Chiang Mai.
Mục đích chính là cất trữ hạt giống, vì “hạt giống là thức ăn, thức
ăn là cuộc sống”. Đó còn là một trung tâm học tập, học cách để cuộc sống
trở nên dễ dàng hơn như cách Jon Jandai đã làm với cuộc đời mình.
Jon Jandai cho rằng nhiều người đã học cách phức tạp hóa cuộc sống và
giờ là lúc học để sống với nhau. “Bởi vì chúng ta được dạy để độc lập,
để phụ thuộc duy nhất vào tiền bạc, không cần dựa vào nhau”.
Với Jon Jandai, để hạnh phúc thì phải trở lại kết nối với chính bản
thân mình, gắn kết cùng người khác, gắn kết thể chất và tâm linh một lần
nữa. Và “chúng ta có thể hạnh phúc. Cuộc sống thật dễ dàng!”.
Cần sự can đảm lớn
“Nếu bây giờ con người thay đổi, ai cũng suy nghĩ được sâu rộng như
bác ấy thì sẽ không còn chiến tranh, không còn tranh cướp, giành giật,
lừa lọc nhau để mà sống” - một người xem viết.
Bên cạnh đó cũng có những bình luận ngược lại. Một người xem cho biết
không phủ nhận quan điểm của Jon Jandai nhưng “nếu dễ như anh này nói
thật sự thì y tế, giáo dục, tư duy của con người cũng đâu thể phát triển
như bây giờ được. Nếu chúng ta dùng ít thời gian để xây nhà thì
căn nhà chất lượng thấp hơn 1 căn nhà chúng ta dùng kiến thức
và sự tư duy, thời gian để xây. Anh này nói không sai, nhưng cũng
không hoàn toàn đúng. Nó chỉ là 1 góc nhìn. Mà cuộc sống
không phải chỉ nhìn được ở 1 chiều”.
Một người khác cũng đầy trăn trở sau khi nghe những quan điểm của một anh nông dân sống cuộc đời dễ dàng.
Người này bình luận: “Cuộc sống vốn dễ dàng nhưng để lựa chọn nó lại
khó khăn, bởi tôi chưa đủ can đảm vượt qua mọi cám dỗ, tôi chưa đủ can
đảm để sống khác với đa số ngoài kia. Số đông không phải bao giờ cũng
đúng, nhưng khác số đông cần một sự can đảm rất lớn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét