Khủng hoảng kinh tế, nên chọn ngành nào?

Nền kinh tế đang khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp cắt giảm bớt nhân viên, sinh viên ra trường gặp khó khăn trong xin việc... nhưng theo các chuyên gia vẫn có một số ngành nghề cần nhiều nhân lực.
Công nghệ thông tin: Công ty nước ngoài săn đón
Khảo sát về xu hướng nhu cầu nhân lực của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) tại 27.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong các năm 2010-2012, ngành công nghệ thông tin có nhu cầu nhân lực lớn nhất. Dự báo đến năm 2015 tổng số nhân lực ngành công nghệ thông tin là khoảng 556.000 người, năm 2020 là 758.000. Trong khi đó, số nhân lực đã qua đào tạo của ngành này đến năm 2010 mới chỉ đạt 337.200 người. Cơ hội việc làm của nhân lực ngành này vẫn rộng mở trong nhiều năm tới.

Ông Tăng Trị Trọng - giám đốc kinh doanh toàn quốc của trang web việc làm VietnamWorks.com - cho biết tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển phần mềm trong suốt mấy năm qua luôn được các công ty nước ngoài săn đón. Vì theo nhận xét của họ, khả năng lập trình của kỹ sư Việt Nam khá tốt, làm việc cần cù và chịu khó học hỏi. Ngoài ra sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin ở Việt Nam trong thời gian gần đây như thanh toán điện tử, thị trường điện thoại di động, dịch vụ Internet không dây, dẫn đến việc tăng trưởng không ngừng về nhu cầu nhân lực trong ngành nghề này.

Sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin đòi hỏi sức khỏe tốt, thông minh và kiên trì. Thông thạo ngoại ngữ sẽ là một trong những lợi thế quan trọng nhất giúp các chuyên viên công nghệ thông tin tìm được công việc tốt.

Marketing: Chưa bao giờ lớn như hiện nay
Nhu cầu nhân lực về marketing chưa bao giờ lớn như hiện nay. Ngành marketing đứng đầu trong những ngành được doanh nghiệp mời gọi sinh viên về thực tập tại trang web giới thiệu công việc thực tập internship.edu.vn. Ngành này cũng là một trong những ngành cung cấp việc làm nhiều nhất ở các trang web tìm việc làm hàng đầu như VietnamWorks.com, careerbuilder.vn. Tháng 2-2013, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM công bố 12 nhóm ngành nghề “hấp dẫn” nhiều lao động năm 2013. Theo đó, marketing - kinh doanh - bán hàng là ngành đứng đầu trong bảng công bố này.

Nghề marketing đòi hỏi lòng đam mê, nhiệt huyết dành cho khách hàng. Các chuyên viên marketing còn phải rất năng động, sáng tạo, tư duy độc lập và nhạy bén với sự thay đổi. Chuyên viên marketing là những người hiểu hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng để mang lại nguồn khách hàng tiềm năng cho công ty. Họ là người có khả năng tìm ra thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho công ty. Khi nền kinh tế khủng hoảng, rất cần một lực lượng marketing chuyên nghiệp và hùng hậu để tìm ra nhiều khách hàng hơn nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, đưa công ty thoát khỏi khó khăn. Thị trường nhân lực cũng theo đó mà thay đổi. Những nghề nghiệp đã từng rất “hot” như tài chính, ngân hàng, chứng khoán... hiện đã bão hòa và ngành marketing đang lên ngôi.

Nhân viên tư vấn bán hàng: Nhu cầu tăng
Cũng như ngành marketing, càng khó khăn công ty lại càng cần những nhân viên tư vấn bán hàng giỏi. Họ chính là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, là khâu cuối cùng trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Một trong những bí quyết để doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng và hoạt động thu lợi chính là có được đội ngũ tư vấn bán hàng chuyên nghiệp.

Trong thời khủng hoảng kinh tế nhưng bán hàng vẫn là ngành đứng đầu về nhu cầu nhân lực trong rất nhiều trang web việc làm lớn nhỏ. Theo báo cáo tuyển dụng trực tuyến của trang web VietnamWorks.com, nhu cầu lao động trong quý 2-2013 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh nhất là ngành bán sỉ và lẻ (tăng 85%). Tùy vào hình thức bán hàng và quy mô kinh doanh, nhân viên tư vấn bán hàng có thể không cần bằng cấp cho đến đòi hỏi trình độ cao đẳng, đại học. Hiện nay, cũng không có trường nào đào tạo về ngành bán hàng. Những người học về kinh tế hoặc học các ngành khác nhưng có kỹ năng bán hàng đều có thể làm công việc này.

Ông Tăng Trị Trọng cho biết nhân viên bán hàng giỏi là người luôn duy trì thái độ tích cực trong công việc, có tham vọng, can đảm vượt qua nỗi sợ thất bại và bị từ chối. Ngoài ra họ cũng phải hết lòng tận tâm và nhiệt tình với khách hàng của mình, có tinh thần học hỏi không ngừng. Ông cho rằng bằng cấp không có nhiều ý nghĩa lắm đối với nghề này, bởi tất cả kỹ năng liên quan đến công việc đều có thể học được.


Thu Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét