Có thể nói việc nuôi dạy con ngày nay thuận lợi hơn trước do có rất
nhiều tài liệu nuôi dạy trẻ. Song, chính sự đa dạng thông tin khiến một
số bà mẹ hoang mang nên dạy con theo kiểu nào: Mỹ, Nhật, Do Thái... hay
thuần Việt?
Từ việc chuẩn bị cho con trẻ ra đời như thế nào, cách chăm sóc, chế độ
dinh dưỡng cho trẻ, hướng dẫn thực đơn cụ thể cho từng độ tuổi, đến việc
phát triển IQ cho trẻ, làm thế nào để trẻ chịu nghe lời..., các bà mẹ
trẻ đều có thể tìm thấy các hướng dẫn này trên kệ sách hoặc trên
Internet!
Lạc giữa biển thông tin
Ngày Ngọc Thảo (ngụ TP.HCM) chuẩn bị sinh con đầu lòng, một chị bạn thân cùng cơ quan chia sẻ bí quyết: “Em đừng nghe lời mấy bà già lạc hậu, có nhiều cái không tốt cho con mình đâu, mai mốt nuôi em bé có gì hổng biết cứ hỏi chị, chị nghiên cứu nhiều tài liệu và ứng dụng cho con chị thấy hiệu quả lắm đó...”. Kèm theo là chị ấy đưa cho Thảo một quyển sách hướng dẫn chăm sóc con những năm đầu đời. Nghĩ rằng kinh nghiệm của mẹ mình từng nuôi sáu đứa con chắc dư sức giúp mình chăm con nên Thảo đã để qua một bên quyển sách và lời khuyên kia.
Cho đến khi nghỉ sinh con, mấy tháng nằm nhà buồn tay buồn mắt, Thảo lôi quyển sách ra đọc mới phát hiện “Thì ra nó hay ghê, có nhiều thông tin bổ ích, có cái mình chưa từng biết, và hình như cũng có những điều hơi ngược với những gì mẹ đang hướng dẫn cho mình!”. Quá hứng khởi với nó, Thảo tò mò lên thử trang web được giới thiệu ở cuối sách, kết quả là bà mẹ trẻ hoàn toàn hoa mắt! Có hàng trăm đầu sách giới thiệu, hướng dẫn cách nuôi dạy con trẻ dưới rất nhiều góc độ khác nhau... Đặc biệt, những sách nói về độ tuổi từ 0 đến 6 nhiều vô kể. Có cả những quyển sách gần như giống nhau khi nói về cùng một chủ đề, với những nội dung na ná nhưng tên các tác giả khác nhau.
Thực tế không chỉ có vậy. Chỉ cần gõ cụm từ “Nuôi dạy con” hoặc “Nuôi dạy trẻ” thì có thể tìm thấy hàng triệu kết quả trên các trang mạng. Nuôi dạy con kiểu Mỹ, kiểu Nhật hay kiểu Trung Quốc... tất cả đều có thể được tìm thấy trong những tài liệu viết rất dễ hiểu cũng có, mà “đọc xong chẳng hiểu gì” cũng có! Ngoài ra, trên khắp các diễn đàn của cộng đồng mạng, của các tạp chí có liên quan đến bà mẹ, trẻ em, liên quan đến giáo dục gia đình cũng đầy những kinh nghiệm thực tiễn được truyền nhau giữa các bậc phụ huynh. Phát thanh truyền hình cũng không kém cạnh. Hằng ngày chỉ cần ngẫu nhiên bật tivi vẫn có thể được thấy, được nghe các chuyên gia về tâm lý, giáo dục, y tế tư vấn, chia sẻ, hướng dẫn cách nuôi dạy và chăm sóc trẻ.
Không thể phủ nhận việc ngày càng có nhiều sách báo, tài liệu hướng dẫn chăm sóc, nuôi dạy trẻ đã góp phần định hướng cho các bậc phụ huynh, nhất là những ông bố bà mẹ trẻ, không còn lo lắng, không còn chăm con một cách bản năng, mà ngày càng có kiến thức hơn, chủ động nuôi dạy con một cách khoa học và hiệu quả hơn. Người thụ hưởng điều này trước hết là những đứa trẻ. Vì vậy, việc trang bị kiến thức, mua sách, tài liệu về nghiên cứu, lắng nghe và tham gia các diễn đàn... là điều nên khuyến khích trong việc học làm cha mẹ. Tuy nhiên khi có tài liệu trong tay, để phát huy được chúng, mọi người cần lưu ý “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”!
Hoang mang với “Đông - Tây” khác biệt
Từ hàng trăm tựa sách của nhiều nhà xuất bản khác nhau với nguồn tác giả hết sức phong phú từ Việt Nam, Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật, Trung Quốc đã cho ra những quan điểm và phương pháp đa dạng, khác biệt trong việc nuôi dạy con trẻ.
Các tác giả Mỹ với quan điểm dạy con tích cực, chủ động trong cuộc sống, làm chủ bản thân và không lệ thuộc vào cha mẹ, cho con một cái điện thoại iPhone cũng “ký hợp đồng”. Trung Quốc có bài học từ “Mẹ Hổ”, định hướng và giám sát con đi theo khuôn mẫu của mình. Kiểu này được cho là gần giống với Việt Nam. Mẹ Việt Nam nhiều người thích bồng bế ôm ấp và làm cho con nghe lời mình theo nguyên tắc “lệ thuộc”. Người Pháp có tỉ lệ cho con bú sữa mẹ thấp vì quan niệm sữa công thức sẽ giúp mẹ chủ động, con không lệ thuộc, và phân biệt con khóc do bệnh lý hay do vòi vĩnh để quyết định có dỗ con hay không. Người Nhật đang thịnh hành rèn luyện kỹ năng, nhận thức cho trẻ trên nền tảng phương pháp giáo dục Montessori - dựa trên nghiên cứu của một bác sĩ đồng thời là nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, với tiến trình giáo dục dựa vào việc học qua cảm giác...
Đứng trước sự lựa chọn mênh mông này, hàng loạt cuộc tranh luận đã bùng nổ trên các diễn đàn: Bú mẹ hay bú bình? Ru con ngủ hay để con tự ngủ? Khi con khóc có nên dỗ không? Đánh con là giáo dục hay phản giáo dục? Để con ngủ riêng hay ngủ chung?.... Nhiều phụ huynh ví von tình hình này là “lắm thầy nhiều ma”, càng đọc, càng hỏi, càng tìm hiểu thì càng cảm thấy hoang mang.
Làm sao để có phương án phù hợp?
Bất kể là cha mẹ chọn con đường và cách thức nào nuôi dạy con cái thì cũng cần hiểu rằng mọi sự tác động của chúng ta đều ảnh hưởng đến đứa trẻ trong việc phát triển thể chất và hoàn thiện nhân cách, không chỉ ở hiện tại mà cho cả tương lai của trẻ. Vì vậy cần cân nhắc trong việc tìm kiếm và lựa chọn phương án tối ưu cho bé yêu của mình.
- Trước hết hãy xác định rõ ràng quan điểm của cá nhân trong việc nuôi dạy con cái ngay từ đầu, từ đó mới có thể có chính kiến trong việc này, để sau này không nửa vời.
- Tiếp theo hãy xác định mục tiêu của mình trong việc này là gì, cha mẹ mong muốn đạt được điều gì trong tiến trình nuôi dạy con? Càng có mục tiêu cụ thể sẽ càng định hướng rõ trong việc tìm kiếm phương pháp và có điểm tựa để đánh giá hiệu quả của nó.
- Cần đứng trên quan điểm: không có cái nào là tối ưu, là duy nhất. Đừng tuyệt đối hóa một quan điểm hay một cách thức nuôi dạy con nào đó, điều này chỉ gây thiệt thòi cho con trẻ. Thay vào đó, phụ huynh nên tìm ra điểm mạnh, điểm hạn chế của từng kiểu nuôi dạy con, thấy cái nào có lợi nhất, dễ làm nhất trong điều kiện của mình, phù hợp nhất với con mình thì lựa chọn. Đừng lựa chọn một kiểu nào đó chỉ vì trào lưu xã hội, cũng như đừng máy móc cứng nhắc trong khi con mình đang phát triển từng ngày.
"Tận dụng mọi cơ hội tốt nhất cho con mình bằng việc phối hợp những giá trị truyền thống vốn có cùng với những kỹ năng làm cha mẹ hiện đại một cách khôn ngoan, đó là việc bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể làm được để đem lại những điều hữu ích nhất cho con trẻ" - TS Lê Thị Linh Trang.
TS Lê Thị Linh Trang
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa