Bước sang năm mới, bạn cần đánh giá lại chiến lược tìm việc của mình. Cách làm nào mang lại hiệu quả tốt? Những trở ngại gì bạn gặp phải?
Có thể bạn đang làm nhiều điều tốt và chỉ cần nỗ lực hơn một chút nữa thôi để đạt được mục tiêu của mình.
Giới thiệu bản thân một cách ấn tượng rất quan trọng trong thuở ban đầu khi gặp nhà tuyển dụng.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn kiếm việc thành công trong những tháng tới:
Xác định thương hiệu bản thân
Thương hiệu bản thân nên là phần mở đầu CV, tài khoản LinkedIn, Twitter, Facebook của bạn. Nó là câu trả lời đơn giản cho câu hỏi “Hãy giới thiệu về bạn” trong không quá 2 - 3 câu. Thương hiệu của bạn nên miêu tả điều bạn làm một cách chuyên nghiệp và thể hiện bạn khác biệt so với những người làm cùng công việc tương tự như thế nào.
Làm nổi bật CV bằng những thành tích
Nếu trong phần Thành tích hay Mô tả kinh nghiệm, bạn gạch đầu dòng bằng cụm từ “Chịu trách nhiệm về…”, hãy thay đổi. Những kiểu câu này chỉ gây ấn tượng với những người có nền tảng trình độ như bạn. Chúng không nói lên bạn đã làm tốt ra sao để hoàn thành trách nhiệm của mình.
Mỗi gạch đầu dòng nên nói về những thách thức bạn đối mặt, kỹ năng hoặc công cụ bạn tận dụng để giải quyết vấn đề, điều bạn đã làm và kết quả bạn đạt được. Những câu như vậy thực sự chứng tỏ giá trị của bạn tới bất cứ nhà tuyển dụng nào.
Hoàn thiện hồ sơ trên LinkedIn và cập nhật thường xuyên
Hãy sử dụng những từ khóa chỉ hành động, kỹ năng, lĩnh vực và trình độ dễ được tìm thấy trong các bản mô tả công việc mà bạn muốn ứng tuyển. Bạn nên điền tất cả các thông tin trong lý lịch. Bạn có thể khiến hồ sơ của mình thu hút hơn bằng cách tải lên video, ghi âm, hình ảnh, tài liệu thể hiện những thành tích của mình. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, hãy đảm bảo có người tham khảo đáng giá đối với từng vị trí bạn đã đảm nhận.
Xác định và duy trì liên lạc với người tham khảo
Dù trong hầu hết trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ không liên lạc với người tham khảo cho tới bước cuối cùng của quá trình tuyển dụng, bạn sẽ không bao giờ biết khi nào mình sẽ được hỏi để cung cấp thông tin. Bạn có thể đối mặt với nguy cơ bị coi là thiếu chuẩn bị, thậm chí hờ hững với công việc nếu trì hoãn cung cấp tên của ít nhất một người quản lý và những đồng nghiệp có thể nói về thành tích, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, tính cách cụ thể của bạn.
Bạn cần duy trì liên lạc với những người ủng hộ mình, cập nhật thông tin, hoạt động, cảm hứng của bạn cho họ. Đồng thời bạn cũng nên cho người tham khảo biết trước những thách thức bạn phải đối mặt trong việc chinh phục công việc mới, bản chất công việc bạn sẽ làm hoặc tại sao bạn cảm thấy công việc mới phù hợp với bạn. Khi người tham khảo biết điều này, anh/cô ấy có thể thay bạn đưa ra những luận điểm chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có giá trị mà họ tìm kiếm.
Tùy chỉnh CV với từng công việc/ nhà tuyển dụng
Thậm chí khi bạn không biết tên chính xác người đọc CV của mình, hãy khiến người đó nhớ tới tên của mình. Thay vì đặt tên file đơn điệu là “CV.doc”, hãy đặt một cái tên riêng biệt trong tài liệu gửi cho từng công ty, chẳng hạn “Nguyen Van A_Ung tuyen vi tri nhan vien kinh doanh_Cong ty ABC.doc”.
Cả thư xin việc cũng vậy, thậm chí chỉ cần “Kính gửi bộ phận HR công ty ABC” và chứng tỏ bạn biết điều gì đó về công ty cũng sẽ mang lại hiệu quả hơn là những lời khẳng định chung chung bạn muốn công việc ra sao.
Xây dựng mạng lưới quan hệ cả online và offline
Hãy ra khỏi vỏ bọc của bạn và tham gia vào cuộc gặp mặt ở trường cũ, hội thảo nghề nghiệp, cuộc gặp gỡ xây dựng mạng lưới quan hệ, hội chợ thương mại và những sự kiện khác. Đừng phớt lờ những cơ hội xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp hoặc những người khác trong lĩnh vực của bạn thông qua mạng xã hội.
Nhớ rằng xây dựng mạng lưới quan hệ không có nghĩa là hỏi người nào đó “Anh có thể tìm giúp tôi một công việc hay không”. Sẽ tốt hơn nếu bạn nói “Tôi có thể giúp gì cho anh?” trước khi hỏi ai đó có thể giúp mình.
VŨ HUYỀN (Theo Usnews)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét