Lên kế hoạch tìm việc sau khi bị sa thải

Sau khi bị sa thải, bạn cần cố gắng nhiều hơn để lấy lại sự tự tin và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những kỹ năng của mình.


Damian Birkel - người sáng lập một tổ chức phi chính phủ chuyên trợ giúp cả những người thất nghiệp và đang làm việc, đã có kinh nghiệm bị sa thải và cắt giảm nhân sự trong quá khứ và hiện giờ là một chuyên gia tư vấn uy tín. Ông đưa ra một số lời khuyên giúp người tìm việc tự tin phỏng vấn sau khi bị sa thải.
Tận dụng thời gian sau khi bị sa thải để nghiên cứu và chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn
Có thể bạn không thích công việc trước kia của mình và bị sa thải là một cái cớ buộc bạn phải tìm một công việc khác. Lúc này, hãy dành thời gian để tìm ra những bước tiếp theo cho sự nghiệp của mình và đi học nếu bạn muốn thử sức ở một lĩnh vực mới. Một khi tìm ra điều cần làm và biết kỹ năng mà nhà tuyển dụng tiềm năng tìm kiếm ở ứng viên, bạn có thể luyện tập giải thích tại sao bạn lại là sự lựa chọn phù hợp nhất.

“Nghiên cứu là một phần tất yếu của quá trình ứng tuyển và phỏng vấn”, Birkel nói. Hãy đọc tất cả các tin tức gần đây về công ty để hiểu truyền thông đánh giá ra sao về họ. Ngoài ra, hãy nói chuyện bằng những từ ngữ chuyên ngành của công ty. Khi sử dụng những từ ngữ của công ty để trả lời các câu hỏi phỏng vấn, bạn sẽ nổi bật hơn trong cuộc cạnh tranh.

Bạn cũng nên đọc báo cáo thường niên để tìm hiểu về tình hình gần đây của công ty. “Nó là một kho thông tin quý giá mà hầu hết ứng viên không bao giờ đọc”, Birkel nói.

Tập trung vào mặt tích cực của cuộc sống sau khi bị sa thải
Bạn nên nói một cách trung lập, không cảm xúc những điều bạn đã làm sau khi nghỉ việc, những điều thể hiện bạn là một ứng viên tiềm năng. Ví dụ: “Sau khi nghỉ việc, tôi đã tham gia hoạt động tình nguyện, tranh thủ thời gian để xây dựng các kỹ năng mới, tham gia một số khóa học, hội thảo, tìm kiếm các cơ hội, nghiên cứu thị trường và mở rộng mối quan hệ”. Hãy tập trung vào những điểm tích cực thể hiện một tinh thần hăng hái, không gục ngã trước bất cứ hoàn cảnh nào.

Chuẩn bị tinh thần trước cuộc phỏng vấn
Tất cả mọi người đều cảm thấy căng thẳng trước cuộc phỏng vấn, nhất là khi họ từng bị sa thải. Một cách nên thử để vượt qua những nỗi sợ này là tập trung vào những kỹ năng của bạn mang đến giải pháp cho khó khăn của công ty. Bạn không cần phải tỏ ra đáng thương. “Thay vào đó, hãy tập trung vào câu trả lời về nhu cầu của công ty, về kỹ năng của bạn có thể lấp đầy lỗ hổng của công ty ra sao. Họ tìm kiếm những người có thể hiểu vấn đề từ hoàn cảnh của họ, năng nổ và trở thành một thành viên nhóm mà không cần đào tạo nhiều”, Birkel nói.

Coi mỗi lần phỏng vấn là một lần thực hành
Nếu có bất cứ công việc nào bạn cảm thấy hứng thú, hãy chấp nhận buổi phỏng vấn mà không chần chừ. Thậm chí nếu bạn không thực sự phù hợp, bạn có thể luyện tập kỹ năng phỏng vấn và trở thành một ứng viên tốt hơn vào lần sau. Trong một số trường hợp may mắn, nhà tuyển dụng sẽ coi bạn là người phù hợp với một công việc khác, không được quảng cáo tuyển dụng và như vậy bạn đã tiến gần hơn tới một công việc mới.

Bạn có quyền thương lượng
Khi tới thời điểm thảo luận mức lương/khi bạn nhận được lời đề nghị công việc, tức là công ty muốn thuê bạn, vấn đề nghỉ việc từ công việc trước không được coi là một yếu tố quyết định trong cuộc thương lượng. Birkel khuyên bạn nên mạnh mẽ, tự tin thể hiện giá trị bản thân và mạnh dạn thương lượng lương.


VŨ HUYỀN (Theo Usnews)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét