Nhà nào cũng có vấn đề mẹ chồng - nàng dâu.
Mẹ chồng, nàng dâu là hai người đàn bà xa lạ, không có quan hệ máu mủ,
cũng không có cơ sở tình cảm đồng điệu, mà lại khác nhau rất nhiều, lớn
là môi trường sinh trưởng, tính nết và chuẩn mực hành xử); nhỏ là thói
quen ăn-mặc-ở, đi lại, vệ sinh...
Vì cùng yêu một người đàn ông, hai
người không hẹn mà ở chung một mái nhà, nên sự thích ứng với nhau không
khỏi gặp nhiều khó khãn và cần có thời gian. Trong đời sống thực tế,
quan hệ mẹ chồng - nàng dâu có thể trở thành mối đe dọa hạnh phúc gia
đình nhỏ, cũng như đe dọa bầu không khí đầm ấm hòa mục của gia đinh lớn.
Có người ví quan hệ mẹ chồng - nàng dâu như "khối u ác tính" trên cơ
thể hôn nhân và gia đình, coi đó là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn
đến mâu thuẫn gia đình. Nó là "bài học" khó nhất đối với những người
phụ nữ khi bước vào hôn nhân.
Mẹ chồng yêu con, thương cháu
Thông thường, con trai và cháu nội luôn là những người mẹ chồng rất yêu
quý và quan tâm. Và phần lớn, căng thẳng giữa mẹ chồng nàng dâu cũng
chỉ xoay quanh 2 người quan trọng này. Một người mẹ yêu con trai, thương
cháu của mình nên luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con trai và
cháu. Vì vậy các bà mẹ chồng cũng muốn khi con trai lấy vợ, người vợ ấy
phải biết lo lắng và chăm sóc cho con cháu của họ. Đó là lý do mà các bà
mẹ chồng thường có những đòi hỏi, kì vọng nhất định ở các nàng dâu về
nữ công gia chánh nói riêng và sự hiểu biết về cuộc sống nói chung.
Họ sẽ không bằng lòng nếu như các nàng chỉ biết chăm sóc bản thân, dồn
việc nhà cho chồng (hoặc cho họ). Và bạn cũng đừng thắc mắc khi mẹ chồng
tỏ ra khó chịu vì bạn không biết cho em bé ăn lại bắt gặp cái nhìn
không mấy “thân thương” của mẹ chồng.
Chính vì thế, để giảm căng thẳng và lấy lòng mẹ chồng, cách đơn giản
nhất là bạn hãy chủ động hỏi bà về cách chăm sóc chồng, con để được mẹ
chồng chỉ dạy và hướng dẫn. Trong những lúc trò chuyện với mẹ chồng, hãy
gợi lại về những kỷ niệm, kinh nghiệm mà mẹ chồng đã chăm sóc chồng bạn
hồi nhỏ để học hỏi và áp dụng cho việc chăm sóc con bạn hiện nay. Chắc
chắn mẹ chồng bạn sẽ rất hào hứng kể và vui vẻ khi thấy mình học hỏi
theo để nuôi dạy con. Bạn cũng có thể hỏi về các món ăn mà chồng mình
thích, cách sắp xếp tủ đồ, thói quen, sở thích của chồng từ mẹ chồng.
Điều đó không chỉ làm cho mẹ chồng cảm thấy vui hơn mà còn là cách hay
để bạn có thể làm đúng ý và hòa nhập với cuộc sống mới với gia đình
chồng.
Để giảm căng thẳng và lấy lòng mẹ chồng, cách đơn giản nhất là bạn hãy chủ động hỏi bà về cách chăm sóc chồng, con để được mẹ chồng chỉ dạy và hướng dẫn. Ảnh minh họa
Mẹ chồng cũng "ghen" với con dâu
Bạn tự hỏi vì sao mình đã làm tốt mọi việc trong nhà, mình cũng không
chây lỳ, lười biếng gì, vậy mà mẹ chồng dường như vẫn chưa thực sự bằng
lòng?
Trong đời sống hôn nhân luôn tồn tại hai phía của tình yêu, nhưng
thường chúng ta chỉ nhìn thấy một phía. Vợ chồng yêu nhau, đó mới chỉ là
một phía. Còn một phía khác của tình yêu mà các cặp vợ chồng ít nhìn
thấy, đó là mẹ yêu con trai. Trong tình yêu luôn có yếu tố sở hữu: Anh
là của em, con là của mẹ. Người mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con
suốt hai ba chục năm trời nên tình yêu dành cho con lớn như biển cả,
không thể lấy tình yêu của người con gái dành cho người con trai mà so
sánh được. Vậy mà chỉ sau một lễ cưới, tình yêu của con trai lại nghiêng
hẳn về phía một người con gái trước đây rất xa lạ. Đó là sự mất mát lớn
lao đầu tiên của người mẹ khi con trai họ lấy vợ.
Đã là tình yêu ắt sẽ có ghen tuông. Tấm lòng người mẹ dành cho con trai
cũng là một phía tình yêu và cũng có ghen tuông. Đây là nguyên nhân
quan trọng nhất dẫn tới những xung đột gay gắt giữa mẹ chồng và nàng
dâu. Có những người mẹ rất hiền từ nhưng khi có con dâu thì trở nên đáo
để, xét nét, bắt lỗi con dâu đủ điều. Đó không phải là bản tính quá quắt
của các bà mẹ chồng, cũng không phải do “khác máu tanh lòng” mà do họ
bị sự ghen tuông thúc đẩy.
Xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu diễn ra gay gắt nhất trong thời gian
đầu con trai lấy vợ. Trai yêu vợ mới, đó là những ngày nồng nàn nhất.
Anh ta nói với vợ những lời ngọt ngào nhất, luôn mua quà cho vợ, luôn
tranh thủ đỡ đần vợ. Tất cả những hành động đó không lọt qua mắt của một
phía tình yêu khác, đó là người mẹ.
“Tại sao nó mua quà cho vợ nó mà không mua quà cho mình, vì một đứa con
gái mà nó có thể quên mình được ư? Cả đời nó chưa hề giặt quần áo hộ
mẹ, vậy mà bây giờ nó giặt cả quần con cho vợ nó”. Những ý nghĩ âm thầm
đó nung nấu tâm can của một người phụ nữ tự nhận rằng mình đã bị bỏ rơi.
Và ngứa ghẻ hờn ghen, người chịu đòn là cô con dâu. Tình trạng “ghen ăn
tức ở” này sẽ giảm dần theo thời gian nếu nàng dâu biết nhịn và biết
quan tâm đến mẹ chồng. Nếu không, sự ghen tuông sẽ ngày càng nặng nề
hơn, mâu thuẫn nàng dâu mẹ chồng cũng ngày một quyết liệt hơn. Do vậy,
các nàng dâu cần biết đến đặc điểm tâm lý này của mẹ chồng, ứng xử phải ý
tứ, không âu yếm nhau trước mặt mẹ chồng, đặc biệt không nhờ chồng làm
những việc vặt khi có mặt bà để mâu thuẫn nhiều khi rất căng thẳng.
Chỉ sau một lễ cưới, tình yêu của con trai lại nghiêng hẳn về phía một người con gái trước đây rất xa lạ. Đó là sự mất mát lớn lao đầu tiên của người mẹ khi con trai họ lấy vợ. Ảnh minh họa
Mẹ chồng thường muốn chỉ bảo con dâu
“Dâu con, rể khách” là quan niệm phổ biến của người Việt khi nhắc tới
vấn đề dâu - rể trong các gia đình. Bất cứ người mẹ chồng nào, dù có khó
tính đến mấy, khi đã chấp nhận cho con trai lấy vợ thì đều coi người vợ
của con là con dâu mình, và là “con”.
Tâm lý là vậy nhưng đôi khi vì một số yếu tố mâu thuẫn hoặc xích mích…
mẹ chồng thường tỏ ra không bằng lòng hoặc “hắt hủi” con dâu. Khi con
dâu làm sai điều gì, mẹ chồng thường khiển trách hoặc mắng mỏ, dạy
bảo…nhiều nàng dâu lấy thế làm ấm ức, thấy buồn, tủi thân hoặc ghét mẹ
chồng, nghĩ rằng “chỉ có mẹ đẻ mới thương ta”. Chẳng mấy người hiểu được
con đường đến với trái tim mẹ chồng là đi qua bản năng làm mẹ của bà.
Tâm lý mẹ chồng thường thích dạy dỗ, khuyên bảo nàng dâu. Cách khôn
ngoan là đừng chờ đến lúc bị mẹ chồng “lên lớp”, mà tốt nhất nên tự
nguyện đăng ký học hỏi ở bà. Không biết được điều này điều kia, bạn cũng
được tiếng là có ý thức tiếp thu.
Dù là ý kiến của mẹ chồng lúc đó đúng hay sai, bạn cũng nên lắng nghe
với thái độ tích cực. Nếu cảm thấy chưa hài lòng với ý kiến của mẹ
chồng, hãy chọn thời điểm phù hợp và bày tỏ quan điểm của mình bằng cách
thủ thỉ tâm sự. Thái độ “bật” ngay tức khắc lúc mẹ chồng nói sẽ khiến
bà đưa bạn vào “tầm ngắm” và lúc đó thì mối quan hệ của hai người sẽ
ngày càng xấu đi.
Người già thường nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm và luôn muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau. Bà sẽ rất hạnh phúc khi thấy con dâu biết nghe những lời răn dạy đó. Ảnh minh họa
Mẹ chồng rất cần được lắng nghe và tôn trọng
Với một người già không gì vui bằng thấy con cháu nghe lời mình. Người
già thường nghĩ mình có nhiều kinh nghiệm và luôn muốn truyền đạt lại
cho thế hệ sau. Bà sẽ rất hạnh phúc khi thấy con dâu biết nghe những lời
răn dạy đó. Có thể, một vài kinh nghiệm đó đã lạc hậu nhưng bạn cũng
đừng phản bác ngay. Vào lúc thuận tiện và vui vẻ, bạn nhẹ nhàng giải
thích cho bà nghe một cách đơn giản và dễ hiểu nhất vấn đề đó. Tốt hơn
hết là đừng bảo điều bà nói sai mà như bạn đang cập nhật một thông tin
mới.
Tránh kể quá nhiều về những điều riêng tư giữa bạn và chồng. Bạn đã và
đang tranh vị trí độc tôn trong lòng con trai bà. Do vậy, mẹ chồng cũng
thường có chút ganh tị và xét nét với bạn. Bạn đừng vội cho đó là ích kỷ
bởi có người mẹ nào lại muốn con cái bớt yêu thương mình.
Vì thế bạn nên thật tế nhị: Không nên kể lại những lời nói yêu thương
của chồng dành cho mình hoặc khoe những món quà anh ấy mua tặng. Điều đó
ít nhiều sẽ làm bà cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Bạn và chồng cũng tránh
thân mật quá trước mặt mẹ chồng. Thỉnh thoảng bạn nên nhắc chồng mua quà
rồi công khai tặng cho cả mẹ và bạn. Như thế mẹ chồng bạn sẽ cảm thấy
rất ấm áp và được an ủi.
Thủy Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét