‘Các bạn nên tự ý thức được trong lòng để vươn lên thành công bằng chính năng lực của mình’ – GS.Nguyễn Lân Dũng nhắn nhủ với các bạn sinh viên.
Nhà giáo dục tài ba Booker T. Washington đã từng nói: ‘Thành công của
một đời người không được đo nhiều bằng những vị trí mà anh ta đạt được
so với những thử thách và nghịch cảnh anh ta trải qua’. Thành công không
phải là một vị trí mà đó là cả một cuộc hành trình đầy rẫy những thất
bại, trải qua những tổn thương trên con đường dài đầy khó khăn mà không
bị lu mờ đi nhiệt huyết.
Giao lưu với gần 1.000 sinh viên kinh tế của các trường Đại học ở Hà
Nội trong buổi gặp gỡ và trò chuyện 'bước đệm thành công', GS Nguyễn Lân
Dũng đã chia sẻ: ‘Đánh giá về thế hệ sinh viên hiện nay, tôi thấy nhiều
bạn rất ngại học, ngại suy nghĩ... Các bạn nên nghĩ học cho mình chứ
không phải học vì lấy cái bằng'.
‘Được học và có kiến thức thì cơ hội thành công sẽ mang đến cho chúng
ta nhiều tiềm năng. Từ đó, lấy những khó khăn làm niềm vui và động lực
để chúng ta vươn lên. Các bạn nên tự ý thức được trong lòng để vươn lên
thành công bằng chính năng lực của mình’ - GS Dũng nhắn nhủ.
Khác với những chia sẻ của GS.Nguyễn Lân Dũng, nhà sử học Dương Trung
Quốc lại đưa ra quan niệm khá đơn giản ‘hạnh phúc là một phân số mà mẫu
số là ước mơ, tử số là những gì chúng ta có thể làm được. Nói như vậy
không có nghĩa là chúng ta cứ bóp nhỏ mẫu số lại theo tâm trí mà phải
biết chọn con đường cho phù hợp để tránh bị thất vọng’.
GS.Nguyễn Lân Dũng nhắn nhủ: 'Các bạn nên nghĩ học cho mình chứ không phải học vì lấy cái bằng'
Theo ông Dương Trung Quốc, các bạn sinh viên nên cân nhắc đầy đủ kiến
thức, tránh sa đà vào những giá trị phù phiếm, tạo cho mình một kỹ năng,
một giá trị thực mà xã hội cần – ‘Đó là tiêu chí các bạn nên áp dụng
vào trong cuộc sống thì các bạn sẽ thành công’ – nhà sử học trên nhấn
mạnh.
Nỗ lực hay cố gắng đều là những điều không thể thiếu trên con đường
đến với thành công, nhưng nỗ lực bao nhiêu mới là đủ nếu như chúng ta
không có một hướng đi chính xác? Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc
đã đưa ra ba dẫn chứng khiến thế hệ sinh viên ngày nay chưa thể thành
công:
Thứ nhất, ‘khi thất bại, các bạn trẻ chứng tỏ mình bằng cách đi phượt.
Tôi cho rằng, vốn kiến thức sống còn rất hạn hẹp, các bạn phải học thật
kỹ những kỹ năng trong cuộc sống và trước khi chúng ta làm việc gì đó
chúng ta nên tìm hiểu rõ nguyên nhân của nó. Hiện tại các bạn đang ngồi
trên ghế giảng đường, các bạn phải xác định ‘học vì mục đích gì?’.
Thứ hai, vấn đề liên quan đến du học ‘các bạn có quá nhiều cơ hội từ
bố mẹ tạo điều kiện cho con đi học. Nhưng cũng có không ít trường hợp
các bạn phải bỏ tiền túi ra để đi du học, họ đang chứng tỏ là họ hơn mọi
người. Trong khi đó, internet là một kho tiềm tàng để khai thác nhưng
sinh viên chưa tận dụng được hết sức có thể cho riêng mình’.
Thứ ba, về chuyện học hành ‘chúng ta hãy bớt than phiền khi chưa xin
việc, chúng ta biết rằng, có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và không
được bằng chúng ta. Chúng ta nên nhìn cuộc sống bằng cách tích cực hơn.
Hãy nghĩ tốt về bản thân mình và hãy nghĩ tốt về những người khác’.
Nbáo Anh Ngọc nhấn mạnh: ‘Bắt buộc chúng ta phải học, nếu chúng ta
không học sẽ không va chạm được với cuộc sống bên ngoài xã hội. Chính
chúng ta là người tụt lùi và đang bị loại dần ra khỏi cuộc sống’.
‘Thành công, một từ mà chúng ta vẫn thường được nghe nhắc đến hàng
ngày, hàng giờ, những chữ cái xếp vần thân thuộc nhưng lại có vẻ xa xôi’
- Đó là thông điệp của 3 vị khách mời muốn truyền đạt cho mỗi sinh viên
thông qua chương trình ‘Tôi 2.0- Bước đệm tới thành công’ này.
Kiều Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét