Bước vào tuổi 50, 60, nhiều người sợ hãi khi nghĩ
mình đã già và cố gắng giữ nếp sinh hoạt, ăn uống như trước. Tuy nhiên,
đó là điều không nên.
BS Bùi Yên Trình (khoa Khám bệnh BV Chợ
Rẫy, TP.HCM) cảnh báo: Bắt đầu từ tuổi 50, cần thay đổi một số thói quen
ăn uống, thiết lập lại biểu đồ ăn uống và xem đây như bài thuốc cho một
tuổi già dẻo dai, thông tuệ.
<!-- more -->
Triệu chứng của người có tuổi là suy giảm thể lực, trí nhớ kém, dẫn
đến ăn kém, ăn không ngon miệng. Các hiện tượng thường xảy ra như đau
nhức xương khớp, người mau mệt, thở gấp, nhức đầu và choáng váng, khó
ngủ hay giấc ngủ không sâu... cũng bắt đầu gõ cửa.
Nhiều người đối phó với “bệnh già” bằng việc dùng thuốc bổ trợ tiêu hóa, thần kinh và các thuốc bổ tổng hợp để kích thích cảm giác ăn ngon và duy trì “phong độ”, chế độ ăn như trước kia, nhưng đó là điều sai lầm. Vì, sau một hành trình “chạy đường trường” cả nửa thế kỷ, các cơ quan, bộ phận cơ thể con người bắt đầu “lỏng lẻo”, suy giảm chức năng. Khả năng hấp thu dinh dưỡng và nhu cầu nạp năng lượng cho các hoạt động thể chất đã giảm đến 30% nên người già thường bị các bệnh về tuổi tác như loãng xương, thiếu máu hay thiếu dinh dưỡng nếu chế độ ăn uống không phù hợp.
Việc cần chú ý đầu tiên trong chế độ ăn của người cao tuổi là giảm liều lượng và áp lực cho bao tử cũng như các cơ quan khác trong quá trình hấp thu thức ăn. Giảm khối lượng thức ăn cũng như giảm thức ăn nhiều đạm hàng ngày, thay vào đó là những thức ăn dễ tiêu hóa, giảm lượng tinh bột, thịt, các chất béo và đường, muối, các chất kích thích. Để làm nhẹ bao tử, người cao tuổi không dùng các bữa ăn về đêm. Sau 19g chỉ nên ăn nhẹ, các thức ăn cần chế biến mềm, tăng cường rau củ và hoa quả tươi.
Vì người cao tuổi kém ăn nên từ tuổi 50, bạn cần bổ sung canxi bằng cách uống sữa chống loãng xương, bổ sung các chất khoáng và vitamin. Không để tình trạng quá gầy hay dư thừa cân, dễ dẫn đến các bệnh tim mạch, cao huyết áp hay tiểu đường. Dấu hiệu suy dinh dưỡng ở tuổi già là đờ đẫn, lơ là với mọi việc, da xanh nhợt, dễ buồn phiền, nóng nảy thất thường, dễ đổ bệnh khi thời tiết thay đổi. Việc người cao tuổi và người thân ý thức vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn sẽ tránh được rất nhiều bệnh có nguy cơ cao như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, cholesterol. Thực phẩm tốt và có lợi cho người cao tuổi là thức ăn bổ máu, chất sắt, chống lão hóa trong trứng, sữa, đậu tương, giá đậu, rau củ có màu đỏ. Trái cây tươi giàu khoáng chất và vitamin như cam, quýt, bưởi, táo hay nước lá trà tươi, nước đậu xanh, đậu đen và gạo lứt rang rất tốt cho sức khỏe. Trong thói quen ăn uống, người cao tuổi nên chia nhỏ các bữa ăn để giảm tải cho bao tử.
Bệnh tim mạch và thiếu máu não thường khiến người cao tuổi nhanh mệt
mỏi, mất tập trung, giảm trí lực. Thêm vào đó, người cao tuổi hay chán
ăn nên bỏ bữa và ít vận động nên càng “cộng dồn” những nguy cơ béo phì,
dư cân, thiếu dưỡng chất hay rối loạn tiêu hóa. Mất cân đối dinh dưỡng ở
người cao tuổi sẽ ảnh hưởng nhanh chóng tới sức khỏe, dẫn tới nguy cơ
nhiễm bệnh, rối loạn chuyển hóa sẽ dễ mắc các bệnh nguy hiểm cùng nguy
cơ tử vong cao. Vì thế, người cao tuổi nên thường xuyên khám bệnh, tư
vấn ở các bác sĩ lão khoa, có chuyên viên tư vấn thường xuyên về dinh
dưỡng để điều chỉnh các bữa ăn phù hợp.
Song Khê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét