Con hư vì cha mẹ quá khắt khe

Tình cờ lướt mạng, chúng tôi đọc được tâm sự của một cô gái và nghĩ rằng đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý giá cho các bậc phụ huynh và thế hệ trẻ mai sau. Xin mời các bạn cùng đọc tâm sự của Hoàng Lan và những lời góp ý hữu ích của Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Ánh Hồng và các bạn từ khắp các miền đất nước.

                                    *************

Hai lần đi chơi về muộn, cha đóng cửa không cho vào nhà, Hoàng Lan, 17 tuổi, bị bạn xấu rủ rê đi cướp giật, hút chích để cuối cùng mang lấy căn bệnh thế kỷ AIDS.

Trong gia đình Lan có một nguyên tắc bất di bất dịch mà người cha đưa ra là bắt buộc mọi người phải có mặt ở nhà trước 21h, hễ ai về trễ dù chỉ vài phút ông cũng không mở cửa cho vào. Hoàng Lan, vốn là đứa con gái ngoan, chỉ vì ham chơi nên về nhà trễ năm ba phút trước giờ quy định đã bị cha nhốt ngoài đường hai lần.

Lan kể : “Lần đó tôi bị nhốt ngoài đường, cảm giác thật kinh khủng. Trời về đêm lạnh buốt xương mà tôi thì sợ bọn nghiện hút trấn lột”. Những lần ngủ ngoài đường, Lan đều gặp một nhóm thanh niên nam nữ xưng là “Gia đình đêm” đến trêu ghẹo và rủ rê “theo tụi tao đi, sướng như tiên”.

Ban đầu Lan rất sợ nhưng đến lần thứ hai, cô quyết định nhập bọn với “Gia đình đêm” mà không hề biết đó là một nhóm xã hội đen sống quan hệ tình dục chung chạ với nhau, chuyên tổ chức đua xe trái phép và trấn lột khách qua đường.

Không bao lâu sau hoạt động của “Gia đình đêm” bị lộ do sự tố giác của những nạn nhân bị trấn lột. Riêng Lan phải lãnh án tù hai năm, nhưng được trả tự do chỉ một năm sau đó vì có biểu hiện tốt trong thời gian thi hành án.

Được ra tù, Lan trở về nhà làm công nhân cho một công ty giày da Hàn Quốc với mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên chỉ làm được vài tháng, cô chuyển sang đi khách theo một đường dây mại dâm chuyên nghiệp bởi số tiền làm công ăn lương kiếm được quá ít ỏi.

Một thời gian ngắn sau, cả nhà Lan hốt hoảng khi nghe tin cô con gái cả nhiễm HIV. Bị cú sốc nặng, cha mẹ cô lần lượt qua đời. Còn Lan vẫn tiếp tục “đi khách” với thái độ bất cần đời để trả thù những gã đàn ông đã hại đời cô. Lan quan hệ với hàng trăm người khác nhau, có người đàn ông còn độc thân ham mê dục tình, người khác vợ con đủ đầy vẫn mong tìm món phở lạ …

Khi đến giai đoạn cuối của căn bệnh AIDS, Lan được một trung tâm từ thiện nhận về nuôi dưỡng. Tại đây, cô kể lại câu chuyện đời mình với VnExpress.net kèm với tiếng thở dài ngậm ngùi : "Lỗi là do tôi, nhưng tất cả cũng chỉ vì hồi ấy cha tôi quá khắt khe, đẩy tôi vào tay kẻ xấu".

Một câu chuyện khác xảy ra tại vùng quê huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Em Thắng, 14 tuổi, là học sinh giỏi và ngoan ngoãn, sinh ra trong một gia đình có nề nếp gia giáo, cha làm vườn, mẹ là bác sĩ.

Vì muốn con học giỏi để thi vào trường Y mà bà Hương, mẹ của Thắng đặt mục tiêu cho con là phải học giỏi nhất lớp, hễ rớt hạng sẽ bị trừng phạt nặng. Bà Hương quy định ngoài việc học hai buổi trên lớp, cậu bé phải tự học ít nhất ba giờ mỗi ngày trong sự kiểm soát khắt khe của mẹ.

Từ nhỏ, Thắng có thái độ học hành rất nghiêm túc và hết mực nghe lời cha mẹ. Học lớp càng cao thì lịch học của Thắng càng dày đặc. Mỗi ngày, ngoài hai buổi học trên trường, đến tối em còn học thêm tiếng Anh ở nhà thầy giáo. Chính nhờ vậy, năm nào điểm tổng kết của Thắng cũng xếp hạng cao nhất lớp làm cho cha mẹ rất đỗi tự hào.

Tuy nhiên từ khi bắt đầu vào lớp 7, sức học của Thắng sa sút hẳn. Mặc dù vẫn duy trì lịch học dày đặc, kính cận ngày càng dày lên nhưng thứ hạng trong lớp của em lại càng tuột dốc. Khi biết được con chỉ đứng hạng ba trong lớp, bà Hương đã la mắng xối xả và dùng cán chổi đánh đập em dữ dội. Từ đó Thắng rơi vào trạng thái trầm cảm, không nói chuyện với ai mà tự nhốt mình trong phòng sau những giờ đến lớp.

Rồi Thắng bỏ nhà ra đi trong sự lo lắng mất ăn mất ngủ của cả gia đình. Cha mẹ em đã nhờ cảnh sát vào cuộc để tìm con nhưng vẫn bặt vô âm tín. Gần một năm sau, gia đình ngỡ ngàng khi nhận được giấy báo của cảnh sát Đồng Nai gửi về thông báo việc Thắng bị bắt về tội cướp giật tài sản, yêu cầu gia đình lên làm giấy bảo lãnh.

Cả khu xóm yên bình vùng quê nghèo rúng động. Mọi người không thể tin cậu bé Thắng ngoan ngoãn, học giỏi ngày nào lại trở thành thành viên của một băng cướp khét tiếng chuyên trấn lột khách đi đường tại ngã tư Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai.

Thắng được bảo lãnh về nhà trong trạng thái thất thểu, thân hình chỉ còn da bọc xương, quần áo rách rưới, toàn thân bốc mùi hôi thối. Nhìn Thắng, vợ chồng bà Hương không tin vào mắt mình, chỉ biết ôm con và khóc nức nở.

Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Giáo Dục, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói : “Hãy để trẻ cảm nhận được sự tôn trọng và tình yêu thương thực sự của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ cần giải thích để trẻ hiểu và thực hiện nề nếp gia giáo bằng thái độ tự giác chứ không nên chỉ vì sợ hãi”.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Hồng, việc nề nếp gia đình cũng cần phải linh hoạt. Cha mẹ không nên quá cứng nhắc khi căn cứ vào giờ giấc hay số lần thực hiện mà trừng phạt con cái, bởi trên thực tiễn có nhiều nguyên nhân khách quan tác động khiến sự việc xảy ra ngoài ý muốn.

Đặc biệt đối với trẻ ở tuổi vị thành niên, lứa tuổi ngang bướng do nhiều biến đổi phức tạp về tâm sinh lý, cha mẹ càng phải khéo léo hơn khi áp dụng các biện pháp giáo dục. "Bất kỳ hành vi tiêu cực nào của trẻ cũng là kết quả của một quá trình dồn nén từ lâu, tạo nên những phản ứng ngầm rồi sau đó mới thể hiện thành hành động bồng bột dại dột”, bà Hồng nói.

Tiến sĩ Ánh Hồng cũng cho biết thêm, những năm gần đây, Bộ Giáo dục đang xúc tiến việc xây dựng phòng tâm lý tại các trường học, để giúp đỡ, tư vấn cho những học sinh đang gặp vấn đề về tâm sinh lý, nhằm hạn chế những suy nghĩ và hành động bồng bột. Một số trường học tại TP HCM đã có phòng tâm lý riêng, tuy nhiên Bộ vẫn chưa có cơ chế quy định cụ thể về việc này.

Cũng theo bà Hồng, điều quan trọng và cần thiết nhất hiện nay là cha mẹ nên gần gũi để lắng nghe con cái. Thay vì áp đặt thành tích, cha mẹ nên tạo cho trẻ động lực tích cực để vươn lên trong học hành, bởi nếu không, sẽ khiến các em dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng khi không đạt được mục tiêu mà cha mẹ đặt ra.

"Hãy để cho trẻ phát triển hài hòa về cả tinh thần, thể chất và trí tuệ bằng việc tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, văn hóa. Như thế sẽ tránh được những suy nghĩ tiêu cực nơi trẻ khi đối diện các khó khăn trong cuộc sống", bà Hồng nhấn mạnh.


Ngoan Ngoan  (VnExpress)

* Tên nhân vật đã được thay đổi

                                 ===========================

Thật buồn

Cuộc đời vẫn đúng là như thế, đời mình không làm được thì cứ ép đời con cháu phải có được. Đúng là cuộc sống thì phải có cái nhìn lên, phải cố gắng để thăng tiến, nhưng đừng để "cái gì đời trước không làm được mà ép đời sau làm". Thật khổ tâm đối vớ những bậc cha mẹ không hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống.

(Lê Hoàng Hiệp)
**************************

Lỗi không hoàn toàn vì cha mẹ

Tôi cũng được sinh ra trong gia đình có cha mẹ phải nói là rất khó tính, còn khó hơn những phụ huynh trong bài báo đã đề cập đến. Cha mẹ tôi cũng áp dụng cách nhốt con ngoài cửa nếu đi chơi về trễ hơn 9h15 tối, nhưng chỉ để tôi đứng ngoài kêu cửa chừng 10 phút là người nhà ra mở cửa và cứ trễ một phút là một roi vô mông.

Chị em tôi mỗi đứa vi phạm một lần là đã thấy sợ rồi, không dám tái phạm lần sau. Lan thì hết lần này tới lần khác vi pham vậy chứng tỏ cô ấy đã biết là cha mẹ khắt khe mà vẫn còn như vậy. Rõ ràng là lỗi thuộc về cô ấy nhiều hơn, cha mẹ nào mà chẳng muốn con được nên người, ngoan ngoãn.

(Lê Thị Phương Anh)
****************************

Sai lầm đôi khi từ cha mẹ

Người ta thường nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhưng phần nhiều là do giáo dục mà nên thôi. Tình trạng thể chất, tinh thần của con trẻ thể hiện sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình, trường học đã đầy đủ và đúng phương pháp chưa. Không ai hiểu con mình bằng cha mẹ, nhưng chỉ là với những bậc làm cha mẹ có sự quan tâm, để mắt đến con mà thôi.

( Mr Bean )


VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét