9 bí quyết "cực chuẩn" để mua hàng sale-off

Vỡ mộng vì hàng "sale"
Học hành thi cử căng thẳng nên thường có chút thời gian rảnh là các teen đi mua đồ xả stress. Khi đó, những cửa hàng "sale off" trở thành lựa chọn tối ưu cho teens. Nếu là một teen có kinh nghiệm "già dặn" trong việc mua bán thì teens có thể rước về cho mình kha khá món đồ xinh với giá hấp dẫn. Nhưng nếu chẳng may thiếu kinh nghiệm thì vô khối nỗi khổ quanh chuyện "sale off".



Mỹ Dung, 17 tuổi đã từng tiếc ngùi ngụi khi ôm phải đống hàng "sale" về nhà mà không dùng được, đúng là khổ vì ham rẻ. Mỹ Dung chia sẻ : “Dạo này mình thấy nhiều cửa hàng cứ đua nhau treo bảng sale. Cứ tưởng mình sẽ ngốn được một số đồ cho kì du lịch hè sắp tới với gia đình. Ai dè tham thì thâm, mua ngay mấy đồ không mặc được. Thật ra, nói không mặc được cũng không đúng hoàn toàn, do mình ngay từ lúc mua thấy chúng cái thì to quá, cái thì nhỏ quá nhưng thấy rẻ nên cứ ôm về với hy vọng biết đâu sửa đi dùng được? Ai dè về nhà, cái to sửa nhỏ thì nó xấu xí chắp vá, cái nhỏ không vừa không thể sửa cho to. Thế là tiêu mất cả đống tiền vì cứ tiếc mong cứu vãn.

Không chỉ thế, nhiều teen đi mua đồ "sale" với tâm lý đó là giá thấp hết mức, do đó không thể kì kèo thêm được. Nhưng không hoàn toàn phải vậy đâu nhé, một số cửa hàng để bảng "sale" quanh năm nhưng thực sự chúng chẳng hề "sale", họ đẩy giá cả hàng hóa lên rồi treo "sale" để thu hút khách hàng.

Không chỉ thế, nhiều cửa hàng lại chuyên mua những hàng bị lỗi, hư hỏng từ các cơ sở sản xuất về bán và bảo đó là... hàng giảm giá. Thực tế, đó là những món hàng cũ, kém chất lượng tồn đọng lâu, hàng bị lỗi trong quá trình sản xuất mà các teen không hề hay biết. Như khi mua một cái áo, nếu chỉ nhìn qua mà không có kinh nghiệm, các teen khó có thể phát hiện những lỗi như may sai, may lệch vai, cổ áo bị xéo, cắt vải không đều, chất lượng vải kém... Được biết, những món hàng đó người ta làm hư nên bán theo... bao, chứ không bán theo cái, chất lượng thì tệ thôi rồi.

Đối với chuyện "sale off" của những nhãn hàng lớn cũng vậy. Nhiều cửa hàng danh tiếng để bảng "sale" quanh năm nhưng chỉ "sale" một số những món đồ... cũ rích, để bao năm chẳng ai thèm rước, còn lại thì vẫn bán bình thường. Cái bảng "sale off" to đùng treo trước cửa được xem là một hình thức chơi "chiêu" với các teen và... những người ham của rẻ.

9 Bí quyết hạ gục hàng "sale"
Tuy nhiên, những sự cố ấy chỉ xảy đến với những teen chưa có kinh nghiệm mua hàng "sale off". Chia sẻ với teen một số kinh nghiệm, khi mua hàng giảm giá.

1. Phải tuyệt đối quên đi khái niệm "tiếc"
Vì những món hàng dùng được là ngay ban đầu sẽ tốt rồi, còn những món hàng không dùng được thì dù có cố gắng sửa chữa cứu vãn cùng khó lòng mà dùng được. Không chỉ thế, một khi sửa chữa và thay đổi thì nó cũng... chẳng còn đẹp lung linh như ban đầu.

2. Khi vào cửa hàng "sale", tuyệt đối phải nhắc mình chuyện “mua được thì mua, không mua thì khi khác mua”
Teen đôi khi theo thói quen cứ thấy rẻ là mua, nhưng mua về lại không biết dùng làm gì để đó đến khi nó cũ kĩ và... không dùng được nữa.

3. Là hàng "sale" không có nghĩa là không trả giá
Thông thường, người bán hàng "sale" cũng muốn mau bán cho hết hàng (do hàng bị lỗi mà). Thế nên khi mua hàng, teen đừng quên thương lượng thêm về giá cả. Đó cũng là cách trừ hao cho tỉ lệ hư hỏng và... không xài được khi rước về.

4. Khi mua hàng "sale", cũng cần phải thử
Hạn chế mua những món hàng không thử được. Chỉ những món hàng khi thử vào nảy sinh vấn đề, thì người bán mới... ngán ngẩm khi teen đòi thử thôi.

5. Nên mặc đồ gọn nhẹ, đi dép lào và mặc quần ngắn đi... chen mua hàng "sale"
Đôi khi teen may mắn bắt gặp những món đồ tuyệt với giá hấp dẫn. Nhưng khi mình thấy, có nghĩa là người khác cũng thấy, mà hàng "sale" đôi khi chỉ có số lượng nhất định và chỉ bán đến khi hết hàng. Do đó, kĩ năng đi mua là điều quan trọng.

6. Hàng "sale" không phải là không thể đổi
Nhiều cửa hàng mua hàng "sale" không cho khách thử nhưng vẫn chấp nhận đổi trả nếu không đảm bảo đủ chất lượng (cái này chỉ áp dụng cho những nhãn hàng lớn thôi nhé). Teen nên chú ý xem có thông báo là “không cho đổi trả” không, hoặc tốt nhất là hỏi trực tiếp nhân viên cửa hàng.

7. Nên tranh thủ đến nghía hàng và lựa mua ngay khi phát hiện "sale"
Vì thường “ai đến trước lựa trước, mua trước”. Nếu quá chậm chân rất có thể chỉ còn những món hàng ẹ mà... chẳng ai muốn lấy.

8. Khi đang chen mua, cứ chộp hết những món mình thích trước
Quá kĩ để xem xét từng món hàng, khiến nhiều teen mất cơ hội chộp những món hàng rẻ, đẹp mà hiếm. Tốt nhất teen thấy món hàng nào ưng ưng là cứ chộp lấy trước, rồi nếu có muốn xem xét thì khi vào phòng thử, hay khi lựa cảm thấy vừa đủ thì bắt đầu... lượt bớt.

9. Nên thuộc lòng các kích cỡ và số đo của cơ thể

Nhiều teen đi mua hàng chen lấy chen để đến không kịp thở chứ đừng nói thử. Teen thường áng chừng số đo của mình rồi lúc rước về mới phát hiện không vừa. Do đó, hãy thuộc lòng số đo của mình để có thể “đánh nhanh rút gọn”.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét