Vượt qua chính mình để thành công

Trong nhịp sống hối hả này, thay đổi chính là để tồn tại. Vì nếu không, bạn cũng như chiếc điện thoại đang dùng...

Rất nhiều người trẻ được đào tạo và chịu khó học hỏi. Và thực tế là họ trưởng thành, sẵn sàng nắm lấy những cơ hội để vươn lên thành một biểu tượng mới của tuổi trẻ.



 Trong khi đó, có rất nhiều người trẻ khác lại gia nhập vào chiều ngược lại: không biết ngoại ngữ, sử dụng các phương tiện hiện đại chỉ để khoe mẽ, tối ngày tìm niềm vui ở những thứ vô bổ... Không phải chuyện lạ khi mà ngày nay, tuổi trẻ của các nước phát triển không chỉ lo học chuyên môn, nâng cao ngoại ngữ mà còn tìm mọi cách nâng cao giá trị bản thân, tham gia cống hiến cho xã hội, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong các vấn đề môi trường nóng bỏng... 

Rất dễ nhận thấy sự khác biệt lớn lao giữa sinh viên toàn cầu hóa và sinh viên không - toàn - cầu - hóa: giữa một người đi lên bằng việc không ngừng gia tăng giá trị bản thân, nắm luật chơi thời đại và một người an phận với suy nghĩ: nhà mình giàu, quan hệ rộng thì lo gì không có việc làm. Chừng nào lợi ích vật chất và vị thế xã hội của một cá nhân chưa được hình thành trên giá trị bản thân và sự phát triển của một người còn nằm trong mối quan hệ hoặc nâng đỡ từ sự quen biết thì rất khó để thay đổi một số người trẻ.

Khi tự thấy mình là một sinh viên toàn cầu hóa, anh ta sẽ học qua mạng, xin học bổng qua mạng, trao đổi với bạn bè trên thế giới qua mạng, trong khi một sinh viên không - toàn - cầu hóa lại trung thành và nhai lại những kiến thức cũ rích và vô dụng từ thế kỷ trước. Khoảng cách giữa hai con người đó là khoảng cách của thế kỷ chứ không phải khoảng cách tính bằng cây số.

Như vậy, không cần dùng một thước đo cũng có thể hình dung khoảng cách giữa những người trẻ chúng ta chứ chưa cần nói tới khoảng cách với những người trẻ thế giới. Thanh niên Việt năng động, sáng tạo và cần cù thông minh thì ai cũng thừa nhận. Song, các thói quen, sự trì trệ và thiếu hiểu biết cũng như khả năng tự phát triển là những cản trở không nhỏ. Thách thức lớn nhất là thách thức từ chính mình, không tự vượt qua được các trói buộc mà mình tự buộc vào. Cho nên đổi mới tư duy vẫn là điều quan trọng nhất. Biết đón nhận cái mới, biến kiến thức học được thành trí tuệ, kỹ năng của mình, đó là điều chúng ta cần làm.

Chiến đấu với chính mình, vượt lên chính mình là yếu tố then chốt để đi đến thành công!

Nguyễn Tử Anh  (Thanh Niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét