Dù chúng ta có hết
lòng cầu mong những ngày bình an, thì cũng có lúc sẽ vấp phải khó khăn hay những
điều không được như ý muốn và có thể sẽ dẫn đến việc trầm uất hay sầu muộn.
Ngoảnh lại cuộc đời mình cho đến nay, mặc dù đại khái mọi sự đều trôi chảy bình thường, nhưng cũng đã mấy lần tôi bị vấp phải khó khăn.
Buổi đầu khởi nghiệp
Cũng có thể nhiều người trong số các bạn đã biết, năm 22 tuổi tôi bỏ Công ty sản xuất bóng đèn và đứng ra làm riêng. Tôi bắt tay vào sản xuất đui đèn theo thiết kế của riêng mình dựa trên số tiền vốn gần 100 yen.
Số tiền này có được là nhờ nhận được trợ cấp thôi việc sau bảy năm lao động và tiền tôi tiết kiệm được. 100 yen lúc bấy giờ nếu tính ra tiền hiện nay thì được khoảng một triệu yen.
Tất nhiên, đối với tôi đó là một khoản tiền lớn, nhưng nếu nói là vốn để khởi nghiệp thì lại quá ít. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình đã quá liều. Nhưng lúc đó tôi không mảy may nghĩ như vậy, mà trong lồng ngực luôn căng phồng những ước vọng về tương lai và ý chí thực hiện hoài bão của mình.
Thế nhưng, chúng tôi đã lao tâm khổ tứ mới sản xuất ra được đui đèn hoàn chỉnh, mà doanh thu trong suốt 4 tháng chỉ thu về được có 10 yen tiền bấy giờ. Và thế là chúng tôi bị đẩy đến tình trạng chưa biết sinh kế ngày mai ra sao, chứ không còn nghĩ được đến chuyện có tiếp tục công việc được hay không.
Khi đó, tôi không nghĩ được là phải làm sao sản xuất thành công đui đèn, mà định nhờ Công ty sản xuất bóng đèn trước kia cho quay trở lại. Cân nhắc mãi tôi mới đi đến quyết tâm sẽ không từ bỏ công việc của mình. Vì vậy, tôi thử đến thăm các cửa hàng bán đồ điện trong thành phố một lượt để lắng nghe ý kiến của họ. Nếu thấy có những điểm cần cải tiến thì sẽ cải tiến sao cho cuối cùng tạo ra được những đui đèn tốt hơn.
Từ đó tôi dốc sức thử nỗ lực thêm một lần nữa. Tiền bạc thì đã tiêu hết, không còn một đồng và đang phải sống trong cảnh đem áo Kimono và đồ trang sức của vợ đi cầm đồ. Nhưng tôi vẫn một mực quyết tâm như vậy.
Sau đó, tôi lấy lại tinh thần và nỗ lực hết sức, mà tình hình vẫn không tiến triển gì hơn. Gần đến những ngày cuối năm lại càng trở nên túng quẩn hơn. Nhưng lúc đó lại có một dịp may bất ngờ ập đến. Bỗng nhiên có người đặt chúng tôi làm đế quạt điện, trong đó có ứng dụng kỹ thuật sản xuất đui đèn. Nhờ đó mà tình trạng bế tắc của chúng được giải quyết, mở ra triển vọng cho sự nghiệp kinh doanh của tôi.
Những khó khăn sau chiến tranh
Bức tường của những khó khăn mà tôi vấp phải sau chiến tranh cũng khá lớn. Ở Công ty của tôi, trong suốt từ thời gian trước chiến tranh chỉ thống nhất sản xuất hàng điện tử dân dụng, nhưng trong chiến tranh quân đội lại yêu cầu sản xuất thuyền gỗ quân dụng và máy bay.
Việc này hoàn toàn xa vời với những gì chúng tôi làm từ trước tới nay. Vì vậy, dù họ có bảo làm đi thì chúng tôi cũng không có thiết bị hay kỹ thuật. Nhưng vì là thời chiến, nên không thể lấy đó làm lý do để từ chối được. Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ bắt tay vào sản xuất.
Mất những hai năm rưỡi chúng tôi mới hoàn thành được chiếc máy bay đầu tiên. Đến khi cho chiếc máy bay đó vận hành thử được thì chiến tranh đã đang dần lùi xa, cuối cùng chỉ nộp được 56 con thuyền gỗ và 3 chiếc máy bay là chiến tranh kết thúc.
Chúng tôi không được bên phía quân đội trả cho chi phí sản xuất, mà cũng không lấy lại được cả tiền đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng... Sau chiến tranh, còn lại với tôi chỉ là những khoản nợ.
Thế nhưng, dù có than vãn thì cũng không làm gì được. Tôi lại lấy tinh thần và ngay từ sau ngày chiến tranh kết thúc đã quyết tâm dồn sức vào sản xuất đồ điện dân dụng như trước đây....
Bỏ dở giữa chừng sẽ không thể thành công
Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy cuộc đời mình đã trải qua những khó khăn tưởng chừng không bao giờ có thể quên được. Có những điều xảy ra mà khi đối diện với chúng, tôi đã phải lấy hết sức bình sinh để đối mặt thử lại một lần nữa. Nếu không có quyết tâm đương đầu thêm một lần với thử thách như vậy, thì có lẽ sẽ không có tôi của ngày hôm nay.
Điều mà tôi ngẫm nghĩ và đúc rút ra được từ những kinh nghiệm là khi đã quyết chí làm một việc gì đó mà không trôi chảy hoặc chẳng may có thất bại, thì cũng không được nghĩ rằng: “Thế là hết!”, “Thế là hỏng hẳn rồi”, và từ bỏ quá dễ dàng.
Nếu tinh thần chúng ta mà yếu đuối như vậy sẽ không thể thành công trong bất cứ việc gì. Cuộc sống luôn biến đổi và chuyển vần. Một lúc nào đó, dù thiếu ý chí đi chăng nữa thì cũng cố gắng đừng để mình gục ngã! Hãy lấy lại tinh thần để thử bắt tay làm một lần nữa, hãy gắng sức chịu đựng và nỗ lực bền bỉ.
Nếu làm được như vậy, dần dần tình thế xung quanh sẽ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho chúng ta và đôi khi sẽ mở ra những triển vọng mới. Những thất bại thường được nhắc đến trong xã hội thì nguyên nhân chủ yếu là do con người không chịu đựng gian khó, không đợi được đến lúc thành công mà vội bỏ dở giữa chừng.
Tất nhiên, tôi nói như vậy không có nghĩa là từ đầu chí cuối chỉ một mực theo đuổi một điều gì đó. Nếu chỉ mê mải với một điều gì đó và cứ thế đi ngược với lý lẽ, thì dù có gian khó bao nhiêu cũng không đạt được thành quả gì.
Bởi vậy, cần phải xem xét kỹ xem liệu việc mình làm có thể thành công hay không. Một khi đã suy nghĩ thấu đáo và cho rằng việc mình làm là hợp lý, chúng ta sẽ không dễ dàng từ bỏ, hơn nữa còn có thể giúp chúng ta thử sức mình với những ý tưởng mới. Đây là điều hết sức quan trọng. Tôi nghĩ, lòng dũng cảm và khả năng đối phó với khó khăn sẽ có thể tạo ra một tình thế mới.
Trích từ "Mạn đàm nhân sinh" - Matsushita Konosuke (*)
(*) Người sáng lập và gây dựng tên tuổi cho tập đoàn điện tử lừng danh Panasonic (Nhật Bản)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét