Tất cả mọi người, ai sinh ra trên cõi đời này đều phải chịu sự chi phối của nghiệp. Người
Phật tử mà không hiểu rõ ràng, cặn kẽ về nghiệp báo, thì sự tu hành khó
mà đạt đến chỗ an lạc, giác ngộ và giải thoát. Vậy nghiệp là gì mà Phật
tử chúng ta cần phải hiểu để áp dụng trong đời sống hằng ngày?
Nghiệp rất đa dạng, phức tạp và phong phú, bởi nghiệp là sự kết tụ của
những năng lực, những hành động được lặp đi, lặp lại nhiều lần qua
thân-miệng-ý, lâu ngày trở thành thói quen; rồi thói quen đó có sức mạnh
chi phối, dẫn dắt thần thức chúng ta đi vào trong luân hồi sanh tử.
Tuy nghiệp rất đa dạng và phức tạp, không cố định như ta lầm tưởng, do
đó mình có thể thay đổi thông qua sự tinh cần tu tập, hành trì những lời
Phật dạy, chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Nghiệp gồm có cộng nghiệp
và biệt nghiệp. Cộng nghiệp là nghiệp chung của nhiều người, biệt
nghiệp là nghiệp riêng của từng người.
Nghiệp là thói quen huân tập lâu ngày thuần thục, tạo thành sức mạnh,
có khả năng chi phối mọi người sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Ngay
từ khi mở mắt chào đời, con người đã chịu nghiệp nhân của quá khứ, dần
dần khôn lớn, con người tiếp tục tạo tác và huân tập thêm những nghiệp
nhân mới.
Ai biết sống gần gũi những người hiền thiện, đạo đức, có nhân cách và
phẩm chất cao đẹp, hay làm những điều hay lẽ phải, nhờ sống gần người
hiền thiện nên mình cũng bắt chước làm người tốt theo, và có thể giúp
ích cho gia đình, xã hội, không vì quyền lợi cá nhân.
Còn người hay sống gần gũi những kẻ xấu ác, bất lương, bất thiện, lâu
ngày sẽ bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu, tự làm khổ mình, hại người, và
sẽ bị mọi người khinh chê, xa lánh.
Cũng vậy, chúng ta sanh ra trong cuộc đời này, mỗi người đều phải mang
theo nghiệp riêng của mình. Vì thế, trong một gia đình, nhiều người cùng
sống chung với nhau, nhưng mỗi người chấp giữ và làm theo nghiệp riêng
của mình, nên không ai chịu thừa nhận nghiệp riêng của người khác. Do
đó, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em trong nhà không có sự hòa hợp với
nhau là vậy đó, vì ta không biết tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau.
Chính vì thế, trong một cộng đồng xã hội mới có sự tranh chấp, cãi vã,
xung đột, không chịu nhường nhịn, gây đau khổ, bất hạnh cho nhau.Trong
gia đình, người chồng huân tập nghiệp của người nam, người vợ huân tập
nghiệp của người nữ, hai nghiệp này không giống nhau, đôi khi nghiệp của
hai vợ chồng có nhiều điểm sai biệt và tương đồng với nhau. Cho nên, có
nhiều cặp vợ chồng gây cãi, đánh đập với nhau hoài, chỉ vì người nào
cũng chấp cái lý lẽ, cái hành động của mình là đúng, không chịu thông
cảm, tha thứ cho nhau, để tạo nên bầu không khí gia đình ấm êm, an lành,
hạnh phúc.
Xưa có một gia đình nọ, người vợ biết lo làm ăn, tiết kiệm, luôn tròn
bổn phận người vợ đối với chồng, biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho
con cái đàng hoàng. Ngược lại, người chồng thì bê tha, biếng nhác, rượu
chè, cờ bạc. Mỗi lần ông cờ bạc bị thua, về nhà kiếm chuyện gây gỗ với
bà, nếu vợ không đáp ứng đủ các thứ cho ông, thì bị ông chửi mắng, đánh
đập tàn nhẫn. Người trong nhà và hàng xóm ai thấy cũng thương tâm, không
biết bà đã gieo tạo nghiệp nhân gì mà phải chịu quả báo như thế. Mọi
người thắc mắc tại sao bà lại không chịu ly dị, bà nói vì bà vẫn còn
thương chồng, nên bà không ly dị.
Bởi do mỗi người đều có nghiệp riêng của mình, không ai giống ai. Kết
nghĩa vợ chồng với nhau mà sống bất hạnh, khổ đau như vậy là do hai
người đã có tạo nghiệp ngang trái, nợ nần với nhau, nên dù bị đánh đập,
chửi mắng, đối xử với nhau thậm tệ, mà người ta vẫn cứ thương nhau,
không thể rời xa nhau được.
Ai thấu hiểu được vấn đề nghiệp riêng này, họ sẽ dễ dàng thông cảm và
tha thứ cho nhau. Chỉ vì ta không thường xuyên quán chiếu, hoặc thiếu tu
hành, nên mới xảy ra nhiều điều bất hạnh như thế. Do vậy, chúng ta
thấy, nhiều người sinh ra trong một gia đình, cùng cha, cùng mẹ, cùng
ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng học hành, thế mà mỗi người mang một tính
khí khác nhau. Sự sai biệt ấy là do nghiệp riêng của mỗi người tạo nên,
còn việc họ được sinh ra và chung sống trong một gia đình là do họ cũng
có một số nghiệp chung với nhau.
Những người có nghiệp duyên với nhau là do họ đã có cộng nghiệp với
nhau từ kiếp trước, nên đời này họ mới phải chịu chung một hoàn cảnh
nhất định nào đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét