Thi trượt, đừng tuyệt vọng​

Kết thúc mùa thi, nhiều sĩ tử hân hoan ăn mừng với kết quả thi cao nhưng không ít sĩ tử thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Nếu hỏng thi, bạn nên làm gì để vượt qua thất bại đầu đời?

Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Kim Quý.

<!-- more -->

Không tạo thêm áp lực

Theo diễn biến tâm sinh lý, sĩ tử ở trong giai đoạn sôi nổi và phức tạp nhất trong cuộc đời con người. Đó là thời điểm mà các bạn đảm nhận trách nhiệm mới, tự học hỏi, thử nghiệm và khám phá.

Các bạn luôn tràn trề khí thế, nhiệt tình, sáng tạo lòng hiếu thắng thôi thúc. Các bạn có những ước mơ hoài bão không dễ bị dập tắt, khó chấp nhận thất bại nên thường có xu hướng đánh giá cao bản thân, cảm xúc tình cảm lấn át lý trí.

Những đặc điểm này dễ khiến suy sụp khi thất bại trong thi cử.

Các bạn biết không, hầu hết chúng ta có ước mơ thi đỗ vào trường đại học mà mình yêu thích, vì thế ai cũng ra sức phấn đấu, dành nhiều tâm trí sức lực cho kỳ thi. Đây chính là lúc chúng ta tạo nên áp lực về tâm lý cho chính mình.

Một số bạn hổng kiến thức các lớp dưới, chưa có phương pháp học tập đúng, chỉ dựa vào sự gắng sức học gạo ngày đêm đã dẫn tới sự căng thẳng, lo lắng, mất cân bằng về tâm lý, suy nhược thần kinh kéo dài trước, trong và sau khi thi.

Đa số cha mẹ bị ảnh hưởng, chi phối bởi quan niệm học tập là con đường duy nhất để thoát nghèo, có vị thế xã hội, mang lại vinh hạnh cho gia đình, dòng họ. Chính sự kỳ vọng quá lớn ấy mà không tính đến năng lực, sở trường, hứng thú của con tạo ra áp lực rất lớn buộc các teen phải thi đỗ.

Vì vậy, khi thi trượt các sĩ tử mang tâm lý xấu hổ, bế tắc, chán nản dẫn tới những hành vi lệch lạc tự xâm kích hủy hoại bản thân.

Sao cứ phải vào đại học?

Ở nước ta, hiện tượng tự tử trong dịp thi cử năm nào cũng xảy ra.

Trung tâm Tư vấn Gia đình & Trẻ em của Hội Tâm lý Giáo dục, vào thời gian trước và sau khi thi tốt nghiệp, thi đại học, thường tư vấn cho nhiều sĩ tử với các triệu chứng suy sụp tinh thần trong quá trình ôn tập, nhờ giải tỏa những căng thẳng lo âu.

Trượt tốt nghiệp hay chưa đỗ đại học có đáng phải trả giá bằng cả tính mạng mà gia đình và những người thương yêu chăm sóc, quan tâm đến bạn trong suốt mười mấy năm trời không?

Bạn hãy nghĩ rộng hơn một chút : Vào đại học không phải là con đường duy nhất mà còn vô vàn các con đường khác vào đời nếu bạn biết nỗ lực phấn đấu. Bạn có thể thi lại, hoặc chọn con đường vòng học một trường nghề hay cao đẳng có chương trình liên thông lên đại học phù hợp với khả năng, hứng thú sở thích của bạn.

Bạn đừng bao giờ giải quyết bế tắc trong cuộc sống bằng cách hủy hoại cuộc đời mình, đó là cách giải quyết tồi tệ nhất không đáng có ở tuổi các bạn.

Khi bạn gặp khó khăn trong mùa thi, hãy gọi đến đường dây nóng 18001567, bạn sẽ được các nhân viên tư vấn tháo gỡ vướng mắc. Bạn yên tâm mọi thông tin bạn chia sẻ được giữ bí mật tuyệt đối.

Lời khuyên của các chuyên gia với cha mẹ

Kỳ vọng của cha mẹ phải dựa trên năng lực sở trường, hứng thú của con cái. Cha mẹ chú ý không nên bộc lộ cảm xúc, lo lắng, suy nghĩ có ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý và gây thêm áp lực cho con. Hãy quan tâm tới chế độ ăn uống đủ chất trong thời gian thi cử cho con.

Khi con thi trượt, cha mẹ không nên thể hiện sự thất vọng, mất lòng tin vào con, tránh nói lại việc thi cử, tạo cho con một thời gian để quên đi những thất bại tạm thời.

Cha mẹ cần chú ý tới những biểu hiện thất thường trong cuộc sống của các em trước, trong và sau kỳ thi như mất ngủ, đau đầu, lo lắng, hoảng loạn, thất vọng ủ rũ, thẫn thờ, không hào hứng tham gia các hoạt động mình yêu thích.

Khi thấy con có những biểu hiện nôn nóng, dễ bị kích động, không thích trò chuyện, than thở chán đời, muốn đi xa hay có ý định từ biệt các bạn, ... cần lưu ý ngay đấy, có thể chính là tiếng kêu cứu của các em.

Cách giải toả sự cố đầu đời

Khi thất vọng trong tình yêu, thất vọng trong công việc, trong ứng xử của bố mẹ, trong thi cử, nhiều bạn không biết phải làm gì để giải thoát. Ở tuổi này các bạn luôn nghĩ đến thành công, không muốn thất bại nên khi gặp thất bại đầu đời các bạn lựa chọn hành động tiêu cực để trốn tránh.

Các bạn có thể tự giải thoát mình bằng một số cách :

Thứ nhất, hãy nhìn nhận lại bản thân, tự tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại đó, có phải do năng lực, yếu tố khách quan, sự bất cẩn.

Thứ hai, đặt tình huống giả sử nếu được làm lại, bạn sẽ sửa sai và hoàn thiện như thế nào.

Thứ ba, khi thất bại, hãy tìm đến người bạn cho là thân thiết và có thể là chỗ dựa cho bạn để tìm sự trợ giúp. Có thể họ chỉ lắng nghe bạn tâm sự, chia sẻ được tức là bạn có thể làm lại được. Điều tối kỵ là ôm thất bại và lặng lẽ giải quyết thất bại bằng hành động tiêu cực.

Không có con đường nào cụt mà chỉ có các ngõ rẽ. Điều quan trọng là bạn biết chọn ngõ nào để đi mà thôi. Hảy bình tĩnh trong mọi tình huống và chọn một người tin cậy để chia sẻ.

Khi bạn đã nhận thức đúng, bạn sẽ thay đổi thái độ, hành vi và vươn lên để đạt tới mục tiêu đề ra. Điều quan trọng là bạn vạch ra mục tiêu phải phù hợp với năng lực của bản thân.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý (Tiền Phong)     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét