Con
người không có đôi mắt sáng như mắt của đại bàng, cũng không có nhiều
con mắt như loài ruồi, loài nhện. Con người không có đôi tai thính như
loài dơi, loài cú, không có chiếc mũi tốt như mũi của chó săn. Con người
không có một cơ thể mạnh mẽ của loài gấu, không có những cánh tay khỏe
khoắn của tinh tinh, không có sức bật của loài ngựa, không có sự dẻo dai
của loài báo, không có bộ não lớn của loài voi. Con người, tưởng như sẽ
thua thiệt toàn diện trong cuộc đua tranh sinh tồn và tiến hóa …
Nhưng may mắn thay, con người có một khả
năng kỳ diệu, đó là khả năng sử dụng bộ não của mình. Với 5 giác quan
không lấy gì làm xuất sắc, với một cơ thể không lấy gì làm tự hào, con
người cặm cụi tương tác với thiên nhiên, cặm cụi gom nhặt từng âm thanh,
hình ảnh của cuộc sống, cặm cụi phân tích và tổng hợp chúng, cặm cụi
tìm ra những công cụ mới để tăng cường từng chút từng chút khả năng ít
ỏi của mình.
Con người đã nghĩ ra các con số để cảm
nhận chính xác hơn các đại lượng của tự nhiên. Con người đã nghĩ ra các
ký hiệu để đơn giản hóa các khái niệm. Con người đã nghĩ ra ngôn ngữ để
thuận tiện trong việc truyền tải và tương tác. Con người đã nghĩ ra việc
dạy dỗ để tích lũy sự tiến hóa xã hội của mình … Quá trình ấy diễn ra
trong từng đời người, qua từng thế hệ, qua từng giai đoạn lịch sử, qua
nhiều ngàn năm để định hình nền văn minh như ngày nay, để từ đó, con
người cải tạo được tự nhiên, con người thống trị được muôn loài.
Chúng ta, sống trong một nền văn minh mà
kiến thức, tri thức và vật thể gần như đã bão hòa. Chúng ta cảm nhận
rằng tất cả những gì chúng ta đang có, từ quần áo chúng ta mặc, cơm canh
chúng ta ăn, bàn ghế chúng ta ngồi, xe cộ chúng ta đi lại, sách vở
chúng ta đọc, ca từ chúng ta nghe … tưởng như là sẵn có cho chúng ta thụ
hưởng. Nhưng tất cả chúng đều là thành tựu sự sáng tạo của con người
thông qua lao động. Nếu không có quá trình ấy, chúng ta chỉ có duy nhất
những tín hiệu thu được bởi các giác quan yếu đuối của mình … Chúng ngày
càng trở nên vô dụng.
Đâu đó trên thế giới này, vẫn có những
con người cảm nhận được đà tiến hóa của nhân loại, họ đang đi tiên phong
trong công cuộc sáng tạo của loài người. Đâu đó trên thế giới này, vẫn
có những dân tộc lạc hậu, những con người lạc hậu, những nền giáo dục
lạc hậu mà ở đó, con người chỉ quen tiếp nhận những gì người khác đã tạo
ra, họ tự làm thui chột sự sáng tạo của mình, họ để hoen rỉ thứ vũ khí
duy nhất giúp họ tiến hóa và vượt trội. Và vì thế, họ mãi là những kẻ đi
sau.
Những thế hệ thanh niên của chúng ta hôm
nay đã quen với những gì xã hội sắp đặt cho mình, quen với những giá trị
mà cha ông đã cảm nhận và xây dựng, quen với những sắc thái cảm xúc mà
người khác đã viết ra, quen với những ý tưởng mà người khác đã tìm thấy …
Tất cả, tất cả những giá trị ấy là không đủ để làm nên ý nghĩa cuộc
sống cho một con người, khiến họ cảm thấy bế tắc, tù túng và chật trội.
Họ học những gì người ta dạy, đọc những gì người ta viết, cảm nhận những
gì người ta đã cảm nhận, yêu theo cách người ta đã yêu, sống theo cách
người ta đã sống … họ chìm đắm trong những quan niệm, định kiến, lối mòn
gò bó và hạn hẹp. Và rồi, đôi khi những khao khát sáng tạo vẫn tiềm ẩn
trong con người họ từ ngàn xưa chợt bùng lên, khiến họ muốn nổi loạn,
khiến họ muốn phá vỡ tất cả …
Đúng thế, hỡi những người trẻ. Hãy đánh
thức cái tôi tư duy của các bạn, hãy đánh thức khả năng sáng tạo của các
bạn, hãy đánh thức phần con người giá trị nhất của bạn, hãy đánh thức
nguồn sức mạnh lớn lao bị kìm hãm bởi sự lạc hậu và trì trệ của xã hội
này. Hãy giải phóng nó, hãy thổi bùng nó lên để cảm nhận một nguồn năng
lượng dồi dào, để cảm nhận một niềm đam mê mới mẻ, để tỏa sáng như những
con người xuất sắc nhất, để hạnh phúc như những gì chúng ta từng ước
mơ.
- Thế Công -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét