Rất nhiều bệnh nhân béo phì đến gặp bác sĩ phẫu
thuật thẩm mỹ, yêu cầu giải quyết các vấn đề do quá cân gây ra, tuy
nhiên, cần hiểu cho đúng mục đích của việc hút mỡ thẩm mỹ.
<!-- more -->
Nhu cầu thường gặp nhất ở những bệnh nhân
này là: hút mỡ ở các vùng cơ thể để giảm cân; hút hoặc cắt các vùng da -
mỡ thừa gây vướng víu, cản trở sinh hoạt; thu gọn da thừa, làm căng lại
các vùng da bị chùng, nhão sau quá trình giảm cân.
Vậy các phẫu thuật này có nguy hiểm và có nên thực hiện hay không?
Giới chuyên môn cho rằng, hút mỡ không phải là phương pháp để giảm cân. Hút mỡ chỉ đạt kết quả tốt nhất khi bệnh nhân có cân nặng ổn định gần với mức cân nặng lý tưởng và được thực hiện với mục đích chỉnh sửa các đường cong cơ thể.
Số lượng tế bào mỡ trong cơ thể người trưởng thành là cố định. Hút mỡ là phương pháp bỏ lượng mỡ dư thừa, làm giảm thiểu số lượng tế bào mỡ của cơ thể. Tuy nhiên, các tế bào mỡ khi tích trữ tối đa có khả năng phồng to gấp 50 lần so với thể tích tế bào ở trạng thái bình thường. Do vậy, sau khi hút mỡ, nếu bệnh nhân tăng cân thì các tế bào mỡ còn lại sẽ phồng lên, làm chiều dày lớp mỡ tăng trở lại. Lúc này, trong vùng hút mỡ lại có các tổ chức xơ sẹo gây ra sau quá trình hút mỡ, làm cho tính đàn hồi vùng da đó kém đi, dễ gây nên hiện tượng lồi lõm, da sần vỏ cam, kết quả thẩm mỹ kém.
Một người ở trạng thái dư cân hay béo phì, thường mắc các bệnh do hậu
quả của béo phì như: tăng mỡ máu, tăng huyết áp, suy tim, suy hô hấp,
giãn và tắc tĩnh mạch chân... Do vậy, nếu thực hiện phẫu thuật hút mỡ
hay cắt mỡ thừa, nguy cơ mắc các biến chứng nặng của các loại phẫu thuật
này tăng cao gấp nhiều lần. Các biến chứng nguy hiểm có thể đến là:
chảy máu, tắc mạch phổi, suy hô hấp sau mổ...
Dù vậy, không phải bệnh nhân nào cũng đủ điều kiện và quyết tâm để giảm cân. Nhu cầu phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ đôi khi vẫn phải đặt ra ngay cả khi bệnh nhân đang ở trạng thái thừa cân nặng. Trong một số trường hợp, dư cân tạo ra tạp dề da-mỡ lớn ở thành bụng, hay khối mỡ tụ quá nhiều ở mặt trong đùi, hông, làm bệnh nhân đi lại khó khăn, sinh hoạt hàng ngày bị cản trở. Phẫu thuật trong trường hợp này với mục đích chính là cải thiện chức năng, mục đích thẩm mỹ là phụ.
Tóm lại, không nên nghĩ tới việc cắt mỡ hay hút mỡ để giảm cân. Khi đã dư cân, hãy giảm cân với chế độ dinh dưỡng hợp lý và luyện tập tích cực.
ThS-BS Trần Thị Nga (Giảng viên Bộ môn Tạo hình thẩm mỹ ĐHYD TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét