Trong cuộc sống có quá nhiều chuyện để bạn suy nghĩ và ghi nhớ,
bạn cảm thấy mình rất hay quên và không có khả năng ghi nhớ những việc
đơn giản hay phức tạp hơn là số điện thoại, địa chỉ email…Chúng tôi sẽ
đưa ra một số bí quyết giúp bạn ghi nhớ thông tin nhanh và lâu hơn.
I. Quên các dữ kiện khô khan – các dữ liệu về ngày tháng, con số…
Rắc rối nằm ở chỗ: Bạn có khuynh hướng quên hẹn, địa chỉ, mã số PIN lẫn mật khẩu. Hăng hái lên nào, bộ não không được thiết kế để lưu trữ những dữ liệu thuộc loại quy nạp như thế trong một thời gian dài trừ khi bạn có chủ ý ghi nhớ. Dạng thông tin vốn không đặc biệt hay gây thích thú này có cuộc sống ngắn ngủi. Các ký ức quy nạp còn bao gồm ngày tháng lịch sử và sinh nhật.
Giải pháp: Cách duy nhất để biến loại dữ liệu vốn tẻ nhạt thành một phần của trí nhớ dài hạn là lưu giữ nó một cách thích hợp để bạn có thể tìm lại sau đó. “Nếu bạn không cố gắng học thuộc số PIN, trí nhớ ngắn hạn của bạn sẽ thổi bay nó ngay lập tức”, Zaldy S. Tan, tác giả của cuốn Age-Proof Your Mind, cho biết: “Bạn nên gắn thêm ý nghĩa cho thông tin cần nhớ. Với một dịp quan trọng, chẳng hạn như sinh nhật của cháu gái, bạn hãy tạo sự liên kết với ngày lễ lớn của cả nước (8 ngày sau lễ Quốc khánh). Với thông tin ít quan trọng hơn, như ngày/giờ hẹn với nha sĩ, bạn không cần cố nhớ vì đã có sổ tay, điện thoại hoặc máy tính nhắc nhở“.
II. Bị gây sao lãng – không thể tập trung vào vấn đề và công việc
Rắc rối nằm ở chỗ: Bạn quên mất lý do mình bước vào một căn phòng khác. Có thể bạn bị sao lãng trên đường đi hoặc điều bạn muốn nhớ không đủ gây chú ý để lưu lại nó trọn vẹn trong não bộ.
Giải pháp: “Hãy hình dung những gì bạn muốn hoặc cần trước lúc bắt đầu bước vào một căn phòng”, tác giả Zaldy S. Tan nói. Ông còn đề nghị kết nối điều bạn muốn nhớ với chuyện gì đó quen thuộc. Cách này khiến mọi thứ sống động hơn và do đó đáng nhớ hơn. Khi bạn quên mường tượng ra điều bạn muốn và nhận thấy bản thân đang ngẫm nghĩ “Sao mình lại ở trong phòng này?”, hãy nhẩm lại các bước trong óc và nếu điều đó vẫn không hiệu quả, tự hỏi xem bạn cần gì trước khi rời đi, bạn đang đứng chung phòng với ai hay bạn cảm thấy thế nào.
III. Đặt vật dụng nhầm chỗ – Bạn không thể nhớ được các thứ tự của vật dụng
Rắc rối nằm ở chỗ: Bạn không thể nhớ mình cất chìa khóa, ví tiền hay thẻ xe ở đâu. Đây là một rắc rối điển hình liên quan đến sự chú ý. Bạn thường ném lung tung chìa khóa khi vừa đẩy cửa bước vào nhà trong lúc đang bận tâm đến chuyện khác. Vài tiếng sau, bạn không tài nào nhớ ra mình để chìa khóa ở chỗ nào. Hành động buông chúng xuống cũng bị bỏ qua vì chìa khóa thuộc dạng đồ vật tủn mủn, nhưng nếu đó là tờ 500.000 nghìn đồng, có lẽ bạn sẽ không dễ quên như thế. Nếu không nhận thấy sự việc ấy quan trọng, trí nhớ sẽ nhanh chóng loại bỏ nó.
Giải pháp: Chú ý thời điểm bạn đặt các thứ xuống và tự bảo mình về điều đang làm (trong yên lặng hoặc nói lớn tiếng), chẳng hạn như “Mình đang cất chìa khóa vào túi áo khóa”. Sự kiên định là một bí quyết hiệu quả. Nếu ngày nào cũng đặt chùm chìa khóa vào cùng một chiếc khay, bạn sẽ luôn biết rõ nó nằm ở đâu. Việc sở hữu trí nhớ tốt thường phải đi liền với chuyện phát triển những thói quen tốt.
IV. Ghi nhớ từ ngữ – bạn thường không nhớ về từ ngữ để diễn đạt một việc gì đó hoặc từ điển
Rắc rối nằm ở chỗ: Sắp nhớ ra một từ ngữ, tên phim/sách hoặc tên của một người bạn lâu ngày không gặp, nhưng bạn lại không thể thốt nên lời. Điều này rất phổ biến và nó xảy ra nhiều hơn khi chúng ta già đi. Bạn càng khó nhớ lại những thông tin cơ bản khi cảm thấy căng thẳng hoặc đang cùng lúc bận tâm đến nhiều thứ trong đầu.
Giải pháp: Đầu tiên, nên thư giãn một chút. Sau đó, hít thở sâu để giúp đầu óc thông thoáng. “Kẻ thù của trí nhớ chính là cùng lúc gồng gánh nhiều việc”, bác sĩ Gary Small, giám đốc Trung tâm Lão hóa thuộc Đại học California tại Los Angeles, Mỹ đồng thời là tác giả của cuốn The Memory Prescription, cho biết. Tiếp theo, bạn nói ra gợi ý mà bạn nghĩ có thể là tên của cuốn sách hay bộ phim đó, chẳng hạn như “Nó liên quan đến nước” hoặc “Nó bắt đầu bằng chữ S”. Nêu tên các diễn viên đóng phim hay nhân vật trong sách cũng có thể giúp bạn nhớ lại. Nếu vẫn còn vướng mắc, bạn nên thay thế một từ thích hợp trong thời điểm hiện tại và có khả năng từ/cụm từ chính xác sẽ xuất hiện sau đó.
V. Quên tên của người khác
Rắc rối nằm ở chỗ: Bạn rất chật vật trong việc nhớ tên ai đó. Đừng lo lắng, vì không chỉ một mình bạn rơi vào tình trạng này! Vấn đề có thể nằm ở khả năng lưu ý (bạn không chú tâm khi gặp người này), thu hồi (bạn không thể gọi tên) hoặc kết hợp cả hai.
Giải pháp: Hầu hết mọi người đều tiếp thu sự việc, con người qua thị giác, điều này giải thích lý do bạn hiếm khi quên mặt nhưng lại thường không nhớ tên. Vì vậy, khi gặp ai đó lần đầu tiên, bạn nên nhìn người ấy, tự nhắc lại tên ít nhất 3 lần rồi nêu tên trong khi trò chuyện. Chẳng hạn, nếu bạn gặp một cô nàng tên Linh, bạn có thể hỏi: “À, Linh nè, em đang làm việc cho công ty nào vậy?”. Ngoài ra, bạn có thể thử gắn tên của người đối diện với một đặc điểm nổi bật. Nếu bạn được giới thiệu để làm quen với cô gái tên Linh có gò má cao, hãy thầm đặt cho cô ấy biệt danh “Linh gò má cao”.
VI. Thực hiện những hành động máy móc
Rắc rối nằm ở chỗ: Bạn không tài nhớ ra mình đã khóa gas, rút điện bàn ủi hay tắt bình đun nước chưa. Khi bạn thực hiện một việc trong vô thức, như rút điện bàn ủi, bạn đang dùng đến trí nhớ mang tính thủ tục. Loại trí nhớ dài hạn này được sử dụng cho những hoạt động như lái xe, đánh máy hoặc tra chìa vào ổ khóa. Vì hành động này mang tính máy móc hơn là nhận thức, bạn không hoàn toàn quan tâm đến điều mình đang làm.
Giải pháp: Với những hành động lặp đi lặp lại hằng ngày, khi nhận ra mình thường xuyên tự hỏi hoặc thỉnh thoảng thật sự quên, cần cố gắng để tâm vào thời điểm then chốt khi bạn chạm vào công tắc. Bạn hãy nói lớn “Khóa bình gas rồi” hoặc “Rút điện bàn ủi rồi”. Nếu thấy mình vẫn còn quên, bạn nên mua những thiết bị có nút tắt tự động và dán giấy ghi chú lên cửa hay tủ lạnh.
Theo womenshealthvn.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét