Tôi không muốn chỉ có mặt trong cuộc sống; tôi muốn là một
phần của cuộc sống. Tôi muốn lo lắng ít hơn về nơi mình sống, mà tôi
muốn nghĩ nhiều hơn đến việc sống cho tử tế ở bất kỳ nơi nào. Và như
thế, đến tận cuối cuộc đời mình, tôi muốn được nói rằng tôi đã luôn cố
gắng để hiện diện một cách trọn vẹn.
Bạn có biết câu chuyện về Jeremy Bentham ở London (Anh)? Ông ấy mất
vào năm 1832 và để lại toàn bộ tài sản cho trường đại học danh tiếng
University College London (UCL). Nhưng ông ấy cũng đặt điều kiện là ông
phải được ướp xác, phục trang đàng hoàng và được đưa tới “điều khiển”
cuộc họp thường niên của các nhà quản lý của trường. Cho đến giờ, xác
ông – tất nhiên được bảo quản nghiêm ngặt – vẫn được đặt trong một quan
tài bằng kính. Và ông vẫn được đẩy đến các buổi họp thường niên. Trong
nhiều năm liền, người thư ký của buổi họp luôn nói chính xác câu này:
“Jeremy Bentham, hiện diện nhưng không biểu quyết”.
Tôi có BIẾT nhiều người như thế – hiện diện nhưng không biểu quyết. Thậm chí, đôi khi tôi còn là một trong số họ. Những người này đang sống, nhưng họ không thực sự sống. Như kiểu Benjamin Franklin từng nói, tức là họ đã chết vào năm 25 tuổi nhưng chưa được chôn cho đến năm 75 tuổi! Họ sống mà không có đam mê. Họ dường như đã quên mất rằng cuộc sống có thể có những điều tuyệt diệu hay tươi đẹp thế nào. Họ đi qua mỗi ngày, nhưng hiếm khi trải qua thứ gì kiểu như vui sướng sâu sắc. Họ có đang sống, nhưng chỉ như vừa đủ sống sót vậy thôi.
Jeremy Bentham, người mà hằng năm đều “hiện diện nhưng không biểu quyết”, có nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện cười về bà góa nói với bạn bè về người chồng quá cố của mình: “Ông Sidney nhà tôi nghĩ về mọi thứ” – Bà ấy kể – “Ngay trước khi chết, ông ấy gọi tôi đến bên cạnh và đưa tôi 3 phong bì. Ông ấy bảo: “Tôi đã ghi 3 điều ước cuối cùng của mình trong mấy phong bì này. Sau khi tôi chết, bà hãy mở chúng ra và làm đúng những gì tôi hướng dẫn nhé. Như thế tôi mới có thể yên nghỉ được”.
Sau đó, bà góa giải thích về nội dung của các phong bì: “Phong bì thứ nhất có 5.000 đôla và mẩu giấy ghi: “Hãy dùng số tiền này mua một chiếc quan tài thật đẹp”. Nên tôi đã làm theo. Phong bì thứ hai có 10.000 đôla và mẩu giấy ghi: “Hãy dùng số tiền này tổ chức một đám tang long trọng”. Nên tôi đã làm theo; tôi mua rất nhiều hoa, thức ăn và thuê người chơi đàn. Tôi biết như thế ông ấy sẽ rất hài lòng. Còn phong bì thứ ba có 25.000 đôla với mẩu giấy ghi: “Hãy dùng số tiền này mua một phiến đá thật đẹp”.
Nghe đến đây, tất cả bạn bè của bà góa đều muốn biết bà ấy đã mua một phiến đá như thế nào (để làm tấm bia cho chồng). Nhưng bà góa giơ bàn tay lên và chỉ vào một ngón tay của mình, đang đeo chiếc nhẫn kim cương lộng lẫy: “Đây, các bà thấy phiến đá nho nhỏ này của tôi có đẹp không?”.
Viên kim cương thực sự là một viên đá rất đẹp. Người phụ nữ đó biết rõ rằng cuộc sống là để sống!
Thực ra, kim cương không hẳn là khái niệm của tôi về việc sống trọn
vẹn, nhưng câu chuyện này có một điểm rất thú vị: Cứ cố hết sức để tận
hưởng cuộc sống khi bạn còn đang được sống.
Tôi nghĩ diễn viên Maurice Chevalier hiểu rõ điều này. Ông ấy từng nói: “Tôi không bao giờ ăn khi tôi có thể thưởng thức”. Bạn có biết sự khác biệt không? Ăn là việc chúng ta làm khi cần. Làm cho xong. Tôi ăn vì tôi đói, rồi tôi có thể làm tiếp những gì tôi đang làm. Hoặc tôi ăn TRONG KHI tôi đang làm việc gì đó khác – như là đang viết hoặc lái xe hoặc xem TV. Nếu có chút niềm vui nào để tìm thấy trong bữa ăn, thì hẳn là tôi cũng chẳng để ý. Vì sự chú ý của tôi đang không tập trung vào bữa ăn.
Nhưng thưởng thức thì khác. Thưởng thức là NIỀM VUI của việc ăn. Khi tôi thưởng thức, tôi chú ý đến việc tôi đang làm. Tôi nếm thức ăn – thích thú với mùi vị của chúng. Tôi chú ý đến sự khác nhau giữa các hương vị và tôi ăn chậm hơn. Tôi cũng chú ý đến những người cùng ăn với tôi. Tôi giao tiếp với họ. Tôi hiện diện một cách trọn vẹn trong bữa ăn và tôi thậm chí còn nhớ đến nó vào một lúc nào đó khác. Tôi phải thừa nhận rằng trong thực tế thì ngày nào tôi cũng ăn nhưng hình như tôi chưa thưởng thức đủ.
Bây giờ tôi muốn ăn ít hơn và thưởng thức nhiều hơn. Tôi không muốn
chỉ có mặt trong cuộc sống; tôi muốn là một phần của cuộc sống. Tôi muốn
lo lắng ít hơn về nơi mình sống, mà tôi muốn nghĩ nhiều hơn đến việc
sống cho tử tế ở bất kỳ nơi nào. Và như thế, đến tận cuối cuộc đời mình,
tôi muốn được nói rằng tôi đã luôn cố gắng để hiện diện một cách trọn
vẹn.
Đặng Mỹ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét