Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học

Hầu như đứa trẻ nào cũng muốn khám phá, học hỏi về thế giới xung quanh. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng mạnh dạn, chủ động đặt ra các câu hỏi để diễn đạt ý muốn tìm hiểu.

Bởi trẻ sẽ có những khó khăn chủ quan lẫn khách quan như:

- Thời kỳ “khủng hoảng ở tuổi lên 3”: Đây là giai đoạn ý thức độc lập của trẻ phát triển mạnh mẽ, các giác quan cũng như quá trình nhận thức thế giới bên ngoài bước vào thời kỳ huy hoàng. Về ngôn ngữ, trẻ luôn đặt câu hỏi như “Mẹ ơi, sao cây này lại to?”, “Vì sao phải ăn cháo, phải uống sữa?”...

- Thời kỳ tiểu học: Nhận thức của trẻ khá tốt, nhất là vào giai đoạn đầu tiểu học, khi trẻ bắt đầu làm quen với con số và những kiến thức khoa học tự nhiên - xã hội, nhưng đây cũng là giai đoạn trẻ gặp nhiều khó khăn.

- Thời kỳ thiếu niên, với sự phát triển mạnh mẽ về tâm sinh lý nên lúc này trẻ thường xấu hổ, ngại hỏi khi gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp.

Bên cạnh đó trẻ còn gặp trở ngại từ chính người lớn. Thuở nhỏ nhiều người trong chúng ta hẳn đã gặp phải tình huống người mẹ (hay cha) càu nhàu: “Con hỏi gì mà hỏi lắm thế”, những kiểu ứng xử như thế có thể làm thui chột ý nghĩ khám phá thế giới của trẻ. Cũng như không ít giáo viên thừa nhận họ ngại việc học sinh đặt câu hỏi, nhất là những câu hỏi mang tính chất hóc búa, không thuộc kiến thức chuyên ngành của mình nên có thể trả lời qua loa. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến trẻ ngại hỏi là do trẻ nhút nhát không dám đưa ra câu hỏi hoặc lười hỏi...

Để giải quyết những e ngại này, phụ huynh cần nhận diện từng nguyên nhân một. Với lý do trẻ nhút nhát, lâu dần nảy sinh thói quen lười hỏi, cha mẹ nên trao đổi cùng trẻ để trẻ hiểu lợi ích của việc nêu ra câu hỏi. Giúp trẻ hiểu rằng muốn gặt hái thành công trong cuộc sống, con người phải biết trăn trở, băn khoăn và trả lời được những câu hỏi “vì sao?”. Còn với trẻ sợ bộc lộ cái chưa biết, lo sợ người khác chê kém cỏi thì cha mẹ cần khuyến khích trẻ học tập những bạn mạnh dạn nêu câu hỏi, khắc phục tính “giấu dốt”. Luôn động viên trẻ khi nào không biết thì chủ động hỏi, dám thể hiện tinh thần học hỏi của mình. Cần giúp trẻ hình thành thói quen quyết tâm tìm ra chân lý đến cùng. Không được buông xuôi, bỏ dở điều băn khoăn.

Một điều quan trọng nữa là cha mẹ, thầy cô cần lưu ý trẻ trước khi nêu câu hỏi phải suy nghĩ và tự tìm tòi thật kỹ càng, bởi nếu không trẻ có thể nảy sinh tính phụ thuộc, ngại tư duy.

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét