Hai trái tim, một đôi mắt và mái ấm hạnh phúc

Một tay phụng dưỡng cha mẹ chồng già yếu, chăm sóc chồng khiếm thị và hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, suốt 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Loan (46 tuổi) luôn là chỗ dựa, là nguồn hạnh phúc cho ông Hồ Thanh Tùng (48 tuổi) và cả mái ấm bé nhỏ.

                                            Vợ chồng ông Tùng bà Loan cùng chuẩn bị bữa cơm trưa

Tổ ấm của họ nằm nép sâu trong vườn măng cụt ở phường Thạnh Quý, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Những tưởng ngày mai đã khép

Mỗi sáng, sau khi chở đứa con trai năm nay lên lớp 8 đến trường, bà Loan lại chở chồng đến Hội Người mù thị xã Thuận An làm việc. Chiều, chăm đàn heo, đàn gà ở nhà xong, bà lại tất tả đi đón con đón chồng. Hôm nào chồng có cuộc họp ở Tỉnh hội người mù Bình Dương (cách nhà hơn 10km), bà cũng bươn bả chở ông đi. Vất vả nhưng bà Loan vẫn nói nhẹ như không: “Để con tự đi một mình tôi lo xe cộ đông đúc. Chồng khiếm thị vẫn đi làm, còn vui vẻ lạc quan là tôi mừng lắm rồi!”.

Họ yêu nhau từ khi ông là sinh viên Học viện An ninh, bà đang làm thư ký đánh máy tại Xí nghiệp xây dựng Công ty cao su Bình Long (tỉnh Bình Phước). Tốt nghiệp đại học, ông được phân công về làm công an kinh tế tại Sở Công an tỉnh Bình Dương. Chưa được bao lâu, đầu năm 1990, trên đường đi làm ông bị tai nạn giao thông, hôn mê sâu và tỉnh dậy với chẩn đoán “tổn thương dây thần kinh thị giác”, không còn nhìn thấy gì. 25 tuổi, cánh cửa tương lai bỗng chốc đóng sập. “Lúc đó tôi thấy ngày sao mà dài, ngủ rồi lại thức, chỉ thấy toàn màu đen xung quanh, không biết ngày mai sẽ phải làm gì, sống ra sao” - ông Tùng nhớ lại.

Gặp ai ông cũng cáu gắt, ngay cả với người nhà. Tuy nhiên, có một người ông chưa bao giờ nổi giận, đó là vợ ông bây giờ. “Mỗi lần tôi đến thăm, các em trong nhà lại nói ngay “bác sĩ đến rồi kìa”, vì lúc đó anh dịu hẳn xuống, không bao giờ lớn tiếng” - bà Loan kể. Quê ở Bình Long (Bình Phước), cách nhà ông Tùng đến hơn 80km, vậy mà cứ thu xếp được chút thời gian nào, bà lại bắt xe đò xuống thăm nom, động viên - dắt ông đi từng bước, đút từng muỗng cơm.

Cứ thế, đến cuối năm 1990, khi những hi vọng chữa trị cho ông dần tắt ngúm thì mong muốn được trở thành vợ, thành đôi tay, cây gậy dìu người mình yêu đi trong suốt cuộc đời của bà càng chắc chắn. Họ cưới nhau...

“Chưa bao giờ hối tiếc”

Lấy chồng, bà Loan về sống giữa bốn bề cây trái, bỏ hẳn nghề đánh máy, bắt đầu một cuộc sống tất bật với nghề nông, từ nuôi heo gà đến trèo cây hái măng cụt khắp vườn. Giờ bà kiêm luôn nghề “bác sĩ thú y”, đỡ đẻ cho heo, dù là lúc nửa đêm về sáng bà cũng làm “ngon lành”. Con cái đã lớn (người con lớn vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) nhưng bà chưa một lần dám đi đâu xa, vì còn cơm nước cho chồng con và thấp thỏm với vườn cây, đàn heo đàn gà.

Tuy nhiên, “tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định ngày đó của mình vì anh Tùng hiền lành, thương vợ con lắm”, bà xúc động. Bao nhiêu năm qua, người chồng luôn cùng bà chia bùi sẻ ngọt. 5g, ông mò mẫm thức dậy, vò giặt rồi mang phơi từng cái áo, cái quần của con, của vợ. Sau đó, ông tỉ mẩn vào nhà lau dọn bàn ghế, rồi quét nhà sạch như li như lau từ trong ra ngoài. Đi làm về, ông vào bếp lặt giúp vợ ngọn rau cọng hành, phụ vợ cho heo gà ăn rất thành thạo. Mùa lá rụng ngập mương nước trong vườn, ông giành hẳn việc lội xuống mương vớt lá, khai thông dòng chảy. “Việc gì phụ được là tôi làm, không câu nệ chuyện của đàn ông hay đàn bà. Nếu vợ là cây cột cái chống cho cả nhà thì tôi cũng phải là cây cột con, đỡ đần được phần nào hay phần đó chứ!” - ông vui vẻ nói.

Cứ thế, mỗi sáng mỗi chiều, bất chấp mưa gió hay nắng rát mặt, những người dân trong phường Thạnh Quý, thị xã Thuận An đã rất quen thuộc với hình ảnh người vợ chở người chồng mù trên chiếc xe máy cà tàng, đôi tay ông lúc nào cũng đặt lên đôi vai mảnh dẻ của vợ, đầy tin tưởng và yêu thương.

ĐOÀN BẢO CHÂU - NHƯ HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét