“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây
tổ ấm” - câu tục ngữ này khá quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, để xây tổ ấm
sao cho thật đẹp thì đòi hỏi người phụ nữ phải biết cách tổ chức cuộc sống gia
đình thật khéo léo.
Để tổ ấm giữ chân người đàn ông
Trong gia đình, có thể người phụ nữ sẽ lo lắng từ việc nhỏ đến việc lớn với mong muốn gia đình mình tốt đẹp, nhưng điều này đôi khi cũng gây "tác dụng phụ". Chị N.H.H.(Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự : “Hiện nay tôi phải lo hết mọi vấn đề kinh tế trong gia đình. Khi có chuyện gì hỏi chồng tôi thì anh ấy lại cáu gắt mà nói : "em có quyền thì em quyết định cái gì mà không được”.
Người phụ nữ không lo thì không được, mà lo nhiều quá cũng không xong, TS tâm lý Đinh Phương Duy gợi mở vấn đề : “Chính vì việc gì bạn nữ cũng lo nên dẫn đến người chồng có thói quen ỷ lại. Họ sẽ nghĩ cái gì vợ cũng lo hết rồi, không có mình cũng không sao. Bạn nữ trong gia đình hãy chủ động nhờ chồng giúp cái này, phụ cái kia để người chồng thấy được giá trị của mình trong gia đình. Như vậy thì không khí gia đình mới vui hơn, năng động hơn”.
Bạn nữ đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức cuộc sống gia đình và khuyến khích người bạn đời của mình giúp sức. Có thể nhờ chồng hỗ trợ với mình trong những việc hằng ngày như đưa đón con, lau nhà, rửa chén... Hay đến những việc xa hơn như bao giờ thì sửa nhà, mua xe mới...
Chị N.T.N.Nhi (Q.1, TP.HCM) chia sẻ : “Tôi đi làm về rất mệt mỏi, nhưng chồng tôi thì cứ ngồi xem phim, xem ca nhạc… không hề phụ tôi một tí gì. Các con tôi thấy ba nó như vậy nên cũng không phụ tôi luôn”. Chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai gợi ý : “Để người chồng tình nguyện chia sẻ với mình mọi việc các bạn cần phải nhớ câu nói ngọt lọt đến xương. Người phụ nữ cần phải nói nhẹ nhàng thì mới dễ xoay chuyển được người đàn ông”.
Ngoài ra, người phụ nữ cần giữ lửa cho gia đình thông qua những bữa ăn. Chị Nguyễn Thị Phương Khanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói : “Gia đình chúng tôi vừa kỷ niệm 30 năm ngày cưới, công việc của chồng và con gái tôi rất nhiều nhưng cả hai đều rất thích ăn cơm do tôi nấu. Tôi luôn cố gắng tìm hiểu sách báo, học hỏi bạn bè cách nấu món mới để bữa cơm thêm phong phú. Khác với yêu nhau, kết hôn rồi là gặp nhau cả ngày, ta phải biết làm mới cuộc sống gia đình thì mới có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn được”.
Đừng để chi tiêu làm... tiêu gia đình
Mỗi gia đình cần có tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau và lòng chung thủy thì mới có thể gắn bó lâu dài. Nhưng xen lẫn trong những yếu tố đó thì vấn đề chi tiêu có thể chi phối phần lớn suy nghĩ của gia đình.
Vợ hay chồng sẽ giữ "hầu bao" cho cả nhà? Nếu góp tiền chung thì góp như thế nào cho phải? Bạn Hoàng Việt - SV ĐH Hoa Sen TP.HCM - nói về dự định của mình : “Nếu khi có gia đình, mình sẽ trích 2 triệu từ 5 triệu tiền lương của mình để góp vào tiền chung".
Khoan hãy bàn đến số tiền góp chung đó ít hay nhiều, nhưng để người chồng tự nguyện đưa tiền cho vợ thì bằng cách nào đây? Nếu nói thẳng thì người phụ nữ thường ngại là sòng phẳng quá.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai nói : “Người chồng khôn biết đưa tiền cho vợ và người vợ khôn là chi tiền một mình nhưng chồng biết hết. Bạn không cần phải kể lể nhiều với chồng rằng phải chi cái này, chi cái kia mà hãy cùng chồng đi siêu thị mua nhu yếu phẩm cho cả tháng, nhờ chồng tính tiền cái bàn học, tập sách của con. Khi tính tiền thì người chồng tự thấy trách nhiệm của mình và gánh vác cùng vợ chuyện tiền nong”.
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng nhất nhất áp dụng theo cách như vậy. Nếu bạn nữ không khéo trong việc quản lý chi tiêu thì có thể giao quyền giữ tiền cho chồng. Quan trọng là mỗi gia đình có sự thỏa thuận, thống nhất với nhau trong việc quản lý tiền sao cho thật hợp lý.
Vì vậy, bạn nữ cũng đừng xem việc “xây tổ ấm” là nặng nề, mà hãy biến nó thành niềm vui vì tổ có ấm thì gia đình mới bền vững.
Nguyển Thắm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét