"Mực" và "đèn"

Thưa cô, ông bà ta nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", nhưng cháu thấy không chính xác lắm. Nếu gần người xấu mà người tốt có bản lĩnh, có tấm lòng thì đâu hề hấn gì, có khi lại cảm hóa được "mực" và bản thân mình còn sáng thêm. Còn gần "đèn" thì cháu đồng ý là không bị tối hơn. Nhưng không có nghĩa là bạn chơi với người không tốt thì bản thân bạn cũng xấu, phải không cô?

Yến Anh (Bà Rịa-Vũng Tàu)
****************************************

- Trả lời tư vấn của Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng :

Yến Anh mến,

Câu nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" phản ánh đúng đa số trường hợp, nhưng không hoàn toàn chính xác với mọi người. Bởi con người không thụ động mà có sự chọn lựa và chi phối trở lại các yếu tố của môi trường sống. Vì vậy, tùy vào vốn sống, sự định hướng giá trị, kỹ năng ứng phó... mà các cá nhân cùng sống trong một môi trường sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau.

Trong môi trường sống phức tạp, không ít người đã được ví von như hoa sen - "gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn", và nhân cách trong sáng, vững vàng của họ có thể giúp môi trường biến đổi, trở nên lành mạnh, đẹp đẽ hơn.

Đối với thanh thiếu niên, môi trường sống có ý nghĩa quan trọng, trong đó, mối quan hệ bạn bè chi phối mạnh mẽ đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của họ. Nhu cầu tự khẳng định có thể khiến bạn trẻ khó từ chối những lời rủ rê, đề nghị không tốt, dễ bị lay chuyển, bị lôi kéo và trở nên tha hóa theo nhóm bạn xấu.

Vì thế, chúng ta vẫn nên "chọn bạn mà chơi". Dù tự tin có thể hỗ trợ "bạn xấu" sửa đổi, nhưng chúng ta vẫn nên chú trọng tự bảo vệ mình, không để bị tiêm nhiễm theo thói xấu của bạn, Yến Anh nhé!


Phụ NOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét