Hãy nói xin lỗi

Có một đứa trẻ không ngoan. Nó hất đổ tô cơm khi thấy mẹ chia phần thức ăn ngon cho vài người hàng xóm mà không cho nó. Mẹ rất giận và không nói lời nào. 5 phút sau, hai mẹ con ôm nhau khóc. Nước mắt giàn giụa, thằng bé khóc nấc lên: ‘Con xin lỗi mẹ, con đã sai!’. Thằng bé ấy là tôi!



                              Nguyễn Phương Tiến Anh

Trong một phút nào đó ngồi ngẫm chuyện đã qua, bạn sẽ thấy có nhiều bài học làm người không cần nhờ đến lời giảng dạy của một giáo sư lỗi lạc nào cả. Chính cuộc đời sẽ cống hiến cho bạn những kinh nghiệm bổ ích. Nhưng làm thế nào để nhận ra chúng? Điều đó tuỳ thuộc vào nhận thức và lòng ham muốn được hoàn thiện của bạn.

Thường người ta rất sợ lỗi lầm. Dường như ai cũng có khuynh hướng che đậy mỗi khi làm sai việc gì đó. Song bạn có cho rằng đó là sự tích luỹ những sai lầm của cuộc sống. Nếu sự che đậy bị bại lộ, bạn sẽ làm thế nào? Câu trả lời thật khốn khổ phải không? Vậy thì, hãy nghĩ về nó, nghĩ nhiều hơn để có sự cảnh giác với cái gọi là lỗi lầm ấy. Và khi vấp phải lần nữa, bạn sẽ biết cách ứng phó.

Việc kinh doanh của công ty X đang rất thuận lợi. Trong một buổi ký kết hợp đồng với đối tác lớn, một nhân viên ở đây đã không chuẩn bị chu đáo. Thế là mọi việc ngưng trệ. Vị giám đốc công ty ấy vô cùng nổi giận. Ông ta gọi người nhân viên lên phòng nhưng cuộc nói chuyện diễn ra thật thân mật thay vì ông mắng cho nhân viên một trận rồi tống cổ anh ta khỏi công ty. Bạn có biết người nhân viên đã nói gì không?

Sau đây là đoạn thoại:
- Tôi thành thật xin lỗi đã làm lỡ việc lớn của công ty thưa giám đốc. Đó là một lỗi lầm không thể tha thứ với ngài lẫn bản thân tôi. Và tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật kể cả bị sa thải.


Vị giám đốc bớt cau có, ông nghiêm mặt một lúc và chỉnh giọng nói: “Tôi tin là anh không bao giờ tái phạm một lần nào nữa. Vậy hãy chuẩn bị thật tốt cho lần sau!”

Nếu bạn là vị giám đốc, bạn sẽ làm gì? Mắng nhân viên để hả cơn giận? Sa thải anh ta? Cả hai cách làm dường như đều không hay lắm để đối xử với lỗi lầm của người khác.

Con cái sẽ ngày càng sợ sệt hơn khi bạn chỉ biết chỉ trích và nhìn vào lỗi lầm của chúng. Thử một lần tạo cơ hội cho chúng sửa chữa bằng cách cho chúng thấy cái sai và quan trọng hơn để chúng tự thừa nhận lỗi lầm của mình.

Tôi biết, thật khó để làm cho ai đó nhận ra lỗi lầm của họ trừ phi chính họ cảm nhận được điều đó. Thường thì, con người luôn tin những gì họ làm đúng. Đấy là một phần trong bản chất và sự khao khát hoàn thiện của con người trong cuộc sống. Nhưng không vì thế mà chúng ta nhắm mắt cho qua lỗi lầm của họ. Nhưng lại càng không vì thế mà gạt bỏ họ. Cách tốt nhất là gợi ý để họ thấy mình đã sai một cách rõ ràng nhất.

Việc nhận thấy và nhận lấy sai lầm không làm chúng ta xấu đi. Ngược lại nó giúp ta vững chãi và có nhiều kinh nghiệm sống hơn khi phải đối mặt với những tình huống tương tự.

Có một cô gái tình cờ thấy bạn trai mình đang trò chuyện với một cô gái khác. Không nói không rằng, cô tiến thẳng đến chàng trai và cho anh ta một cái tát. Cô tức giận ra về trong khi chàng trai vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng, lẫn tức giận. Đêm đó, chàng trai đặt một mảnh giấy vào hòm thư nhà cô gái, với nội dung: “Em yêu! Anh thật không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra hồi đầu giờ chiều khi em gặp anh trên phố. Nhưng có một điều duy nhất anh muốn nói với em là: “Hãy tin anh và anh luôn yêu em!”.

Chàng trai đã không giải thích vòng vo mà để cho cô gái đọc và suy ngẫm về hành động của mình. Cách tốt nhất để người khác thấy lỗi lầm hoàn toàn không phải là chỉ trích. Và chúng ta sẽ thấy tác dụng tích cực khi biết kiềm chế những cảm xúc không đáng có của mình. Thay vì cáu giận trước cái tát vô cớ, giận dữ tiến lại nói với cô bạn gái rằng mình hoàn toàn nghiêm chỉnh và cô ấy đã ghen lầm, rồi có thể đề nghị chia tay. Nhưng nếu thế, chàng trai sẽ được gì? Nên nhớ chỉ trích lẫn nhau thì cả hai bên đều thiệt.

Sáng sớm hôm sau, khi anh chàng mở cửa đã thấy cô bạn gái đứng ở bậc tam cấp. Cô khóc rất nhiều và nói: “Em xin lỗi vì đã không tin tưởng anh!”. Vậy là họ cùng nhau đi ăn sáng. (Dù chiếc phong bì trong hòm thư nhà cô ấy vẫn chưa được mở).

Trong cuộc sống, trừ những người loạn trí, nhìn chung mọi người đều có nhận thức về hành động của mình. Vì thế, những sai phạm xảy ra, họ đều cảm nhận được ở một mức độ nào đó. Tôi cũng như bạn, đều mong muốn sự hoàn mỹ. Hẳn bạn từng ít nhất một lần không làm bài tập ở nhà nhưng có bao giờ dám đứng lên trước lớp thú nhận với giáo viên? Tôi tin phần lớn mọi người đều cố làm ra vẻ đã làm bài và lờ đi. Nếu bị phát hiện thì sẽ đứng lên nói: “Thưa thầy! Em đã quên làm bài” thay vì câu: “Em đã không làm”. Đó là hành động chung của việc muốn hướng đến sự hoàn mỹ. Bởi bạn không muốn mọi người biết mình không chăm chỉ. Nhưng có một điều quan trọng rằng, sai lầm vẫn mãi là sai lầm.

Lòng dũng cảm luôn được ngợi khen. Sẽ chẳng ai không mở rộng lòng đón nhận tình thương thay vì lòng thù hận. Sẽ chẳng ai ghét bỏ người biết cách trở lại đúng lúc nhất. Sẽ chẳng ai không thích một anh hùng thay vì kẻ hèn nhát. Do vậy biết nhận thấy và nhận lấy lỗi lầm của mình chính là việc làm của sự dũng cảm.

Và cũng chính bạn tự tạo cho mình một cơ hội.

Nguồn: Ngôi Sao
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét