5 kỹ năng trẻ cần phải học

Trẻ con ngày nay thành thạo nhiều kỹ năng 'khủng' như: lướt web nhoay nhoáy, ngoại ngữ làu làu… Nhưng nhiều trẻ lại thiếu những kỹ năng cần thiết.


Kỹ năng cho trẻ là điều bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng quan tâm. Trẻ con ngày nay có nhiều kỹ năng 'kinh khủng' như: lướt web nhoay nhoáy, ngoại ngữ làu làu… Nhưng đôi khi lại thiếu những kỹ năng cần thiết giúp giao tiếp với những người xung quanh, đáp lại cảm xúc của chính mình hay thương lượng giải quyết xung đột để có thể xây dựng những mối quan hệ lâu dài và đạt được thành công trong học tập.

Kỹ năng cho trẻ là điều bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng quan tâm. Trẻ con ngày nay có nhiều kỹ năng 'kinh khủng' như: lướt web nhoay nhoáy, ngoại ngữ làu làu… Nhưng đôi khi lại thiếu những kỹ năng cần thiết giúp giao tiếp với những người xung quanh, đáp lại cảm xúc của chính mình hay thương lượng giải quyết xung đột để có thể xây dựng những mối quan hệ lâu dài và đạt được thành công trong học tập.

Khi một đứa trẻ nhỏ vật lộn để tự mặc quần – kể cả khi hai chân vào một ống – hoặc cố xúc thức ăn lên miệng mà không làm rơi vãi (quá nhiều) ra sàn nhà, bạn cảm thấy trong lòng dâng lên niềm tự hào: Con đang học cách tự làm mọi thứ! Và khi bé lớn hơn chút nữa, giải quyết được hết bài tập về nhà trong tình trạng không cuống quít hay không phải vì bị bắt ép, hoặc khi bé bày bạn cách cài thêm phần mềm vào chiếc PDA mới của mình, bạn muốn khóc vì biết ơn.


Dạy kỹ năng sống cho trẻ sẽ giúp trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống. Dưới đây là 5 kỹ năng mà bậc phụ huynh nào cũng cần dạy con.

      
Kỹ năng 1 – Học cách… thua

Không mẹ nào muốn con mình thua cuộc, chẳng giỏi thứ gì, nhưng chắc chắn cũng không muốn con hiếu thắng ganh đua đến mức chả ai chơi cùng, khó hòa nhập với xã hội. Học cách thua theo đúng nghĩa đen, kiểm soát được và sau đó phục hồi trở lại là điều rất quan trọng để đạt được hạnh phúc. Hãy nghĩ mà xem: dạy con cách thua dần dần sẽ giúp bạn tránh được cảnh bé sinh thói muốn gì được nấy, gào khóc hờn dỗi vì món gì đó mà quả thật bạn không thể cho bé.

Với trẻ nhỏ: Bố mẹ hãy là một hình mẫu biết chấp nhận thua cuộc bằng cách nói những điều như “Ôi, con thắng đứt mẹ rồi! Vui thật con nhỉ. Mình chơi lại nhé.” Bạn có thể nhường nhịn cho bé con đang tuổi mẫu giáo của mình thắng nhiều lần, nhưng sau đó hãy dần dần giảm bớt đi – đó là lời khuyên của Tiến sĩ Erika Rich, một nhà tâm lý học trẻ em ở Los Angeles. Khi bạn thắng, hãy bảo với con rằng, “Lần này mẹ thắng rồi, nhưng con đã cố gắng hay lắm.” Nếu bé có vẻ khó chịu, hãy giải thích rằng không ai muốn thua cuộc cả, nhưng thắng thua là điều thường tình xảy ra khi chơi, và người duy nhất thật sự thua cuộc là người đã không hề cố gắng.

Theo Tiến sĩ Rich thì: “Bắt đầu từ khoảng 5 tuổi, bạn không nên ‘nhường’ cho con thắng suốt nữa. Đã đến lúc bạn dạy bé trải nghiệm là người thua, kể cả khi điều đó có nghĩa là một trận làm giặc làm giã đi nữa.” Có thể sẽ phải mất không ít thời gian, nhưng nhất định rồi con bạn sẽ hiểu được vấn đề.

Với những bé lớn hơn: Lên 8 tuổi, hầu hết trẻ đã có nhiều tiến bộ trong việc chấp nhận thắng và thua. Tuy vậy một số trẻ vẫn không như vậy do ở tuổi đi học – giống như nhiều người trưởng thành – các bé có thể trở nên tập trung vào kết quả của một quá trình (được ngồi cạnh một người bạn, được là người đầu tiên vào đội tuyển, có điểm cao nhất…) dẫn đến việc chúng không còn cảm thấy niềm vui khi thực hiện công việc hay tham gia trò chơi nữa – đó là ý kiến của Tiến sĩ Pam Schiller.

Mẹo ở đây là giúp bé rời mắt khỏi giải thưởng. Nếu đội của con để thua một trận đá bóng chẳng hạn, hãy nói rằng, “Đội của các con không thắng trận này, nhưng con có thích ra chơi với các bạn khác trong đội chứ? Con có thích lúc các bố mẹ cổ vũ cho con không? Con có thích được đá bóng trên sân rộng thế không?…” Mục đích của những câu hỏi này, tiến sĩ Schiller nhấn mạnh, là “giúp trẻ thoát khỏi suy nghĩ rằng nếu chúng không thắng được thì trò chơi chẳng có gì là vui thú cả.”

Kỹ năng 2 – Học cách hòa nhập

Dạy con tìm "lối vào" một tập thể đông vui

Bạn không muốn con mình suốt ngày lê la theo bạn bè, nhưng biết cách tham gia vào một hoạt động hay một tập thể thay vì ngồi ngoài và nhìn là một kỹ năng rất cần thiết cho tương lai của bé. Trong mọi mặt cuộc sống, bé rồi cũng sẽ phải cùng sinh hoạt, làm việc trong tập thể – mà tập thể ấy thường có cả những người mà tự bản thân bé sẽ không chọn ngay từ đầu. Biết cách đàm phán với những ý tưởng khác nhau, hiểu được rằng những người khác cũng có vai trò đóng góp quan trọng, biết gắn kết mọi người lại với nhau… đó là những yếu tố cơ bản để giúp con thành công và thành… lãnh đạo.

Với trẻ nhỏ: Theo Tiến sĩ tâm lý trẻ nhỏ Lawrence E. Shapiro, việc đầu tiên bạn có thể phải dạy con là nhận biết “lối vào” nhóm. Không có kỹ năng này, bé có thể sẽ cố nói chuyện với cả nhóm; hãy hình dung cảnh một đứa trẻ đứng bên ngoài vòng tròn, lên tiếng với không một ai cụ thể rằng “Cho tớ chơi với?” và chả ai nghe bé nói cả. Thay vào đó, bạn hãy dạy con chọn ra một đứa trẻ có những biểu hiện thân thiện – có thể đứa trẻ thân thiện kia sẽ nhìn con, mỉm cười và ra hiệu cho bé lại chỗ mình hoặc có những tín hiệu cơ thể tích cực. Giải thích cho con rằng: “Nếu có một đứa trẻ quay về phía con, chứ không phải quay lưng lại, đó chính là người bạn mà con có thể làm quen trước tiên.”

Với những bé lớn hơn: Những bé đã đi học thường có xu hướng suy nghĩ rạch ròi, hoặc trắng hoặc đen. Nếu con bạn nói rằng, “Chẳng có ai thích con cả,” hãy giúp con tập trung vào những đứa trẻ có thích bé. Có thể bé chỉ đang cần bố mẹ giúp tìm đúng nhóm để tham gia vào hơn là giúp bé gõ ngay vào những cánh cửa đang đóng. “Điều bố mẹ không nhận ra đó là trẻ thường hòa thuận và chơi vui với những đứa trẻ giống mình,” Tiến sĩ Shapiro nói. Nếu con bạn là một đứa trẻ rụt rè, hay ngượng, hãy kết cặp cho con với những đứa trẻ rụt rè khác; nếu con bạn mê Star Wars, hãy cho con kết bạn với những đứa trẻ khác cũng thích Star Wars. Những kỹ năng tình bạn được tiếp thu thông qua thực hành, và bạn có thể giúp con tìm ra đúng đối tượng để thực hành.

Kỹ năng 3 – Học cách… đóng kịch

Học cách “diễn” tức là hiểu được những cảm xúc nào nên thể hiện ra và những cảm xúc nào tốt nhất nên tạm giữ lại, hay còn có nghĩa là học cách đôi khi bớt thành thật đi một chút vì cảm xúc của người khác. Chẳng hạn như dạy con dù thất vọng vì không nhận được món quà là trò Wii yêu thích thì vẫn biết đáp lại người bà tốt bụng của mình rằng, “Cháu cám ơn ạ, đôi tất này chắc là ấm lắm.” Như thế gọi là lịch sự! Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong nhiều trường hợp khác, và cả với các bạn cùng trang lứa.

Với trẻ nhỏ: Ở tuổi này, học cách tỏ ra lịch sự (hay nói cách khác là “làm giả” cảm xúc thật của mình) đồng nghĩa với học cách tự kiểm soát. Bạn có thể giúp bé không hét lên rằng “Nhưng cháu không thíchhhhh quà là tất,” bằng cách cho con những chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng. Nói rằng “Bất cứ khi nào con nhận được quà tặng từ người khác, mẹ muốn con hãy ‘cám ơn,’ kể cả có không thích đi chăng nữa,” là một chỉ dẫn rõ ràng. Còn nói “Hãy ngoan ngoãn/ lịch sự/ dễ thương với bà?” Chỉ dẫn này không rõ ràng cho lắm.

Tất nhiên bạn đừng dạy con “đổi trắng thay đen” nhưng hãy dạy con cách nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Sau đó, hãy giải thích cho con lý do vì sao việc kiềm chế cảm xúc của con lại quan trọng (“Bà đã rất cố gắng để tìm chọn quà cho con.”).

Với những bé lớn hơn: Giải thích vì sao “đóng kịch” một chút lại có thể có lợi cho bé. Ví dụ, “Ai cũng có những lúc bị trêu chọc, nhưng nếu con không để cho người trêu chọc và bắt nạt biết đã nắm được thóp con, thì người đó sẽ ngừng lại. Thay vì cho thấy con lo lắng, buồn bã hay giận dữ, con hãy tỏ ra không quan tâm và bỏ đi.”

Theo Tiến sĩ Shapiro, điều quan trọng ở tuổi này là giúp bé phân biệt được giữa lời nói dối vô hại vì những lý do tốt và những lời nói dối sai trái. Khi một đứa trẻ được hỏi “Tóc mình trông có đẹp không?” thì câu trả lời “Xấu hoắc!” sẽ khiến người hỏi bị tổn thương. Câu trả lời tránh đi “Đẹp đấy, nhưng tớ thích cậu buộc tóc hơn” lịch sự và có thiện ý hơn nhiều. Nhưng với câu hỏi “Con đã làm xong bài tập chưa?” thì câu trả lời “có” trong khi thật ra là bé chưa làm là dối trá – và bạn không thể nhập nhằng cho qua chuyện như thế.

Kỹ năng 4 – Học cách khẳng định “quyền lực”

Người ta vẫn nói, có một đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời, gọi dạ bảo vâng là bạn đang có phúc lớn. Nhưng một đứa trẻ biết đặt câu hỏi về “quyền lực” – và cao hơn nữa là biết xoay sở để làm điều đó một cách thuyết phục, hiệu quả mà vẫn không làm mất lòng người khác – là đứa trẻ biết tự chuẩn bị cho tương lai lâu dài của mình.

Con nên biết mình mong muốn điều gì, biết vì mình...

Với trẻ nhỏ: Đừng vội đòi hỏi sự kiềm chế và lịch sự khi bé khẳng định quyền của mình, vì (có lẽ bạn cũng hiểu) trẻ con mẫu giáo chưa thể kiểm soát được thành thạo cảm xúc. Thay vào đó, hãy từ từ dạy con cách hỏi xin thứ gì đó một cách lễ phép và lịch sự. Và bạn cũng hãy nói đồng ý bất cứ khi nào có thể. Tất nhiên, sự thoải mái này áp dụng cho những điều vô thưởng vô phạt, không có ảnh hưởng gì nhiều chứ không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải đồng ý cho con ăn kẹo hoặc mua đồ chơi mới đắt tiền. Phương pháp này sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng cho khi thật sự cần phải nhấn mạnh vào lời nói “không”; và nó cũng giúp con hiểu rằng bé sẽ được quyết định mặc áo phông hình con ếch thay vì hình con khủng long khi bé hỏi một cách lịch sự chứ không đành hanh vô lối.

Với những bé lớn hơn: Khi… đàm phán và thương lượng với con, bạn hãy dùng những cụm từ như “Mẹ có ý này…,” “Hay là…,” hoặc “Nếu mình thử… thì sao,” để khuyến khích con cũng làm như vậy về sau. Làm như vậy là bạn đang dạy cho con những cách nói phù hợp để chen vào suy nghĩ của người khác mà không gây mất lòng. Một số đứa trẻ không biết mình có và cần đặt ra những câu hỏi, cũng có khi chúng quá sợ đặt câu hỏi cho bố mẹ hay thầy cô; vậy nên hãy tránh thái độ áp đặt con bất cứ khi nào có thể, kể cả khi sau đó bạn không chấp nhận yêu cầu của bé.

Chẳng hạn như không đời nào bạn cho con đi xem bộ phim vớ vẩn nào đó thay vì về thăm ông bà như đã hẹn trước. Nhưng nói rằng: “Mẹ đã bảo không được, đừng có mà mè nheo nữa!” sẽ không làm con cảm thấy phục, và cũng không khuyến khích con đàng hoàng nêu yêu cầu của mình sau đó nữa. Hãy thử nói với con rằng: “Nào, con đã hứa về thăm bà hôm nay rồi mà. Nếu con hỏi lúc mình không có kế hoạch gì thì mẹ mới có thể nghĩ đến chuyện đi xem phim được chứ.” Hoặc nếu có điều kiện, bạn có thể bảo con nhờ bà dắt đi để hai bà cháu có thời gian riêng bên nhau.

Kỹ năng 5 – Học cách đấu tranh cho lẽ phải

Làm người bảo vệ cho ai đó ở vị trí thấp hơn mình là một điều vô cùng đáng sợ – có cảm giác như thể sự tồn tại xã hội của chính bạn cũng bị đe dọa – và đó là lý do vì sao hầu như tất cả mọi đứa trẻ đều cần nhiều sự giúp đỡ để thực hiện điều này. Để có cả sự tự tin và những chuẩn mực đạo đức để từ chối tham gia vào việc trêu chọc, bắt nạt – hoặc tốt hơn nữa là đứng lên bênh vực và bảo vệ người khác – đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau: đồng cảm (hiểu được rằng “nạn nhân” đang cảm thấy tổn thương), khả năng chiến thuật (để vạch kế hoạch hành động), cũng như sự hiểu biết để phán đoán những đứa trẻ khác sẽ làm gì.

Với trẻ nhỏ: Trẻ mầm non tập trung vào những quy tắc – chúng biết rằng việc trêu ghẹo, bắt nạt nhau là không tốt – nên chúng sẽ nói lại cho bạn biết nếu việc đó xảy ra. Và khi đó, bạn hãy nhấn mạnh vào sự cảm thông cơ bản: “Thật tốt là con đã kể cho mẹ nghe, chắc chắn con thấy buồn nếu bị ai đó gọi là dốt, đúng không nào?” Việc này sẽ giúp con nhận biết được những cảm xúc và muốn bảo vệ người khác khỏi bị tổn thương. Còn nếu con bạn là đứa trẻ đã trêu chọc hay bắt nạt người khác, hãy dựng lại khung cảnh – “Nếu ai đó làm thế với con thì sao? Con nghĩ mình sẽ cảm thấy thế nào?” – như vậy, bé cũng sẽ hiểu được và quen thuộc hơn với sự cảm thông đối với người khác.

Những sự thực hành đơn giản và thường xuyên như vậy giúp bé đặt mình vào hoàn cảnh của người khác (“Con nghĩ Isabel cảm thấy thế nào khi Olivia không cho bạn ấy chơi cùng?”), là chìa khóa giúp con bạn phát triển sự cảm thông.
... và con cũng nên biết mình vì người khác

Với những bé lớn hơn: Càng lớn, con người ta càng phức tạp và đòi hỏi cách ứng xử tinh vi hơn. Các bé giờ đã có bạn thân hay các nhóm mà chúng cảm thấy cần phải trung thành. Thêm nữa, sau khi bé đã qua 6-7 tuổi thì việc chạy đi mách hay tìm sự giúp đỡ từ bố mẹ hay thầy cô không còn là việc đương nhiên hay đáng tự hào nữa. Đó là lý do vì sao việc dạy con phương pháp đối phó với suy nghĩ kiểu áp đặt nhóm là rất quan trọng. Hãy bắt đầu bằng việc cùng con xem xét về những tình huống giả định, sau đó cùng đưa ra ý kiến cho tình huống tương tự nếu có xảy ra trong tương lai. Bạn hãy gợi ý những kiểu phản ứng mà bạn cảm thấy hợp với con, và tạo điều kiện cho bé nói ra những ý kiến khác.

Chẳng hạn như trong trường hợp con có người bạn bị trêu chọc, con có thể tạo ra sự phân tâm nhằm dời sự tập trung khỏi người đang bị “tấn công”, hoặc rủ người bạn bị trêu chọc cùng chơi với mình trò gì đó tách khỏi nhóm, đứng ra bênh vực bạn hoặc sau đó an ủi bạn… Khuyến khích con nói những lời như “Mình nghe thấy những điều bạn nói với Kira hôm qua, và mình nghĩ thế là không hay lắm. Mình không muốn chơi với những người hành động như vậy.” Tùy theo môi trường, tùy theo con người mà cách xử lý có thể khác nhau, bạn càng trao đổi kỹ càng và thoải mái với con về vấn đề này, bé càng có nhiều sự lựa chọn cho mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét