Nguyễn Bích Lan - cô gái không chịu đầu hàng số phận, chống chọi với căn bệnh nan y để trở thành một dịch giả. Chị đã chia sẻ cùng các bạn sinh viên bài học sống thế nào để thấy mình có ích trong buổi giao lưu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) vào ngày hôm nay (28.3).
Dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ với các bạn trẻ bài học cuộc sống của chính mình |
Nguyễn Bích Lan nhỏ bé, chỉ nặng có 30 kg, không thể tự đứng và đi
lại nhanh nhẹn. Suốt 24 năm chống chọi với căn bệnh quái ác, cơ thể tiều
tụy, nhưng chị khiến người khác phải nể phục về sức làm việc khủng
khiếp: dịch giả của hơn 26 đầu sách, trong đó có những tác phẩm được độc
giả yêu thích: Triệu phú khu ổ chuột, Cuộc sống không giới hạn và mới đây là Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng của Nick Vujicic.
Khi sinh ra, Bích Lan là cô bé khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Cho
đến năm 13 tuổi, cô học trò chuyên văn nhiều mộng mơ, hoài bão gặp phải
căn bệnh quái ác vẫn chưa có thuốc chữa trị. Mỗi lúc chị đi không còn
vững nữa, cơ thể sụt một nửa trọng lượng. Không bước đi được, nhưng Bích
Lan vẫn quyết tâm đến trường bằng cả tay và chân. Chị đã bò trêp khắp
quãng đường dài 7 km cho đến khi căn bệnh quái ác cứ mỗi lúc lại khiến
chị yếu đi.
Chị nhớ lại: “Năm xưa, nếu tôi để cho sự tuyệt vọng, hoang mang của tuổi mới lớn nhấn chìm thì sẽ tìm đến kết cục tiêu cực nhất”. Chị đã tự vực mình dậy: “Tôi nghĩ tôi phải là người có ích để tiếp tục sống”.
Chị nhớ lại: “Năm xưa, nếu tôi để cho sự tuyệt vọng, hoang mang của tuổi mới lớn nhấn chìm thì sẽ tìm đến kết cục tiêu cực nhất”. Chị đã tự vực mình dậy: “Tôi nghĩ tôi phải là người có ích để tiếp tục sống”.
Bích Lan rất thèm được học. Buổi tối, nghe thấy cậu em trai lúc đó
đang học cấp 3 phát âm tiếng Anh, chị thấy hay quá, thế là tự mày mò
học. Chị học giấu học giếm vì sợ gia đình không cho. Sau này khi mọi
người biết đã ủng hộ chị hết lòng. Bích Lan bảo: “Ban đầu, học như để
tôi khỏa lấp thời gian, như liều thuốc giúp tôi giảm những cơn đau,
nhưng sau tôi muốn được làm người có ích”.
Trong làng khi ấy, không có cô giáo tiếng Anh nào, chị nói với mẹ
muốn được mở lớp dạy cho bọn trẻ.
Sau đó, học trò khắp nơi biết đã đến
xin được học chị. Dần dần, chị tự học hỏi, trau dồi kiến thức thuộc các
lĩnh vực khác nhau, rồi đến với công việc dịch giả. Kể lại chỉ trong vài
dòng, nhưng khoảng thời gian đó là lúc chị phải chiến đấu không ngừng
nghỉ với bệnh tật, những lúc muốn buông xuôi, mệt mỏi của bản thân.
Một bạn trẻ hỏi chị: Làm thế nào để vượt qua những khó khăn mà không
nản lòng? Chị nói: “Khó khăn nhỏ có thể là nỗi buồn, nhưng khó khăn lớn
lại mang đến cho ta cơ hội lớn. Quan trọng là cách ta đón nhận thế nào,
đôi khi phải bằng cả sự giận dữ: Vì sao những khó khăn này có thể đánh
gục mình?”.
Vậy làm thế nào để trở thành người thầy của chính mình? “Phải là
người giữ kỷ luật cho chính mình, không được buông xuôi trước khó khăn.
Có những cái sai không thể bỏ qua mà phải được nhìn nhận lại. Hãy nghiêm
khắc bắt mình phải học hỏi để mỗi ngày lại lớn thêm”, chị chia sẻ.
Lời nhắn nhủ của Bích Lan dành cho các bạn trẻ: “Ai cũng có thể sống
có ích. Hãy nghĩ về tuổi 13 của cô bé năm nào để thấy bạn thật may mắn.
Tôi mong câu chuyện về cô bé ấy giống như liều vắc - xin giúp bạn chống
lại nỗi buồn, bước qua những khó khăn, để làm những việc có ích”.
Minh Ngọc
http://vongtaychiaseyeuthuong.blogspot.fr/2013/03/khong-guc-nga-nguyen-bich-lan-audiobook.html
Các bạn có thể tải audiobook tại đây :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét