Nhìn cách sinh hoạt của giới trẻ hiện
nay lại khiến tôi suy ngẫm nhiều về giá trị của cuộc sống. Cách họ đi
bar rồi chìm đắm trong tiếng nhạc chói tai, men rượu nồng nặc cùng ánh
đèn tù mù. Sống ban đêm rồi ngày lại dậy muộn. Nhìn các bạn đi học mà
lúc nào cũng mệt mỏi vì ngủ không đủ cộng với việc uống nhiều chất cồn
mà tôi thấy chua chát. Sao họ còn trẻ mà nhìn chẳng có chút nhiệt huyết
và sức sống nào vậy?
Đến lớp quẩn quanh cũng chỉ là những câu chuyện váy áo hàng hiệu, son
môi đắt tiền rồi quán bar, quán cà phê nào mới mở khiến tôi thấy chán
ngán. Các bạn kiếm được tiền rồi tiêu thế nào đương nhiên không phải
việc của tôi rồi. Chỉ là tôi thấy tiếc khi thấy các bạn đã bỏ lỡ quá
nhiều điều. Tiếc vì các bạn không biết trân trọng những thứ mình đang có
như sức khỏe và tuổi trẻ.
Tôi bất giác nhớ lại câu chuyện về vị bác sĩ người Singapore đã từng
làm lay động cộng đồng mạng về câu chuyện cuộc đời của mình hai năm
trước. Năm bốn mươi tuổi, anh đã trở thành một nhà triệu phú. Tưởng như
có trong tay tất cả mọi thứ thì anh đột ngột biết tin mình mắc bệnh ung
thư giai đoạn bốn. Ở những phút giây cuối đời anh đã nhận ra điều cả
cuộc đời mình tìm kiếm ấy chính là chân hạnh phúc.
“Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản
phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một
gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người
xung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có
nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ
nhỏ...
Tôi
làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông
thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Tôi sắm riêng cho tôi
một chiếc xe đua. Tôi làm gì sau khi có chiếc xe? Đến lúc mua nhà, xây
cửa. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát. Tôi đã sống
cuộc đời như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng phải cần hòa nhập với những
người giàu có, nổi tiếng. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người
giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng
Internet.
Tôi đã có
được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả. Tôi
nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang. Nhưng
tôi lầm...
Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có được - sự thành công, cúp thưởng, xe
cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi;
khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui.
Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó không thể xảy ra.
Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của
cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc. Không phải
vậy.
Càng tích tụ, càng
có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê
muội. Như tôi đã đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt tới
đỉnh vinh quang như xã hội muốn đào tạo chúng ta. Tôi trở nên mê muội
đến nỗi mà chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa.
Các em có cả tương lai sáng lạng phía trước với tất cả tài năng và nhiệt
huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bệnh nhân của mình, hiểu thêm rằng
có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng
nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những
người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ
hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm
thần, thể xác, tình cảm, vật chất...
Họ có thật. Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến
sự hiện hữu của họ. Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với
tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm điều có
thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người
tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến
khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.”
Đó là những lời chia sẻ đầy chân thành của vị bác sĩ tới các bạn sinh
viên trong những năm tháng cuối đời của mình. Đọc lại những dòng chữ này
các bạn có nhận ra điều gì không? Hạnh phúc đâu phải chúng ta kiếm được
bao nhiêu tiền mà ta đã làm được gì trong những năm tháng ấy.
“Con nguời sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh.
Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người
khác.”
Thứ để lại dấu ấn trong tâm trí của một người không phải là số tài sản
kếch xù họ có mà chính là phẩm chất, đạo đức của họ. Chúng ta sẽ chỉ nói
về một người siêu giàu có trong một, hai năm và nhiều nhất là ba năm.
Và sau đó họ sẽ dễ dàng đi vào quên lãng. Nhưng ngược lại, với một người
sống có đạo hạnh thì họ mãi sống ở trần thế và được người đời tưởng
nhớ.
Ví như chúng ta
không thể nhớ được ai là vị vua giàu có nhất lịch sử nước nhà. Nhưng ta
sẽ không thể quên được vị quân vương Phật tử Trần Nhân Tông. Vị vua tâm
đức, với một tinh thần nhập thế tích cực, dấn thân triệt để, đem đạo vào
đời vì hạnh phúc của nhân quần xã hội và cũng là người thông hiểu tất
cả giáo lý của Phật giáo.
Hay như Đức Phật – Người đã có trong tay tất cả mọi thứ mà cả đời chúng
ta vẫn luôn theo đuổi và coi đó là hạnh phúc như mỹ nhân, tiền tài, sự
nghiệp, danh vọng. Nếu Người cũng như chúng ta, sống mãi một cuộc đời
đầy nhung lụa thì chắc chắn sẽ chẳng có mấy ai nhớ đến Người. Nhưng đã
trải qua hàng ngàn năm, hình ảnh của Đức Phật vẫn hiện hữu trong mỗi
chúng ta không hề phai mờ. Lý do vì sao?
Người đâu phải là người giàu có nhất vậy sao ta vẫn kính trọng và trân quý Người?
“Không có con đường dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường.”
Sống một cuộc đời khổ hạnh và tìm ra con đường để giải thoát chính là
thứ Người để lại cho thế gian này. Chúng ta nương theo đạo hạnh của
Người để giác ngộ và hiểu được đâu là giá trị đích thực của cuộc sống.
Những thứ vật chất hào nhoáng kia chỉ khiến ta hạnh phúc nhất thời chứ
không thể khiến ta hạnh phúc mãi mãi.
Chúng ta thường ngủ quên trên danh vọng và lãng quên đi ý nghĩa chân
thật của cuộc sống. Thậm chí chúng ta còn nhẫn tâm dẫm đạp lên người
khác để đạt được thành công cho bản thân mình. Đối với những con người
“vật chất”, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, bị đào thải chỉ
là quy luật tự nhiên mà thôi. Để rồi, khi họ bừng tỉnh khỏi giấc mộng
mới thấy ân hận nhưng có lẽ đã quá muộn.
Vị bác sĩ trẻ tuổi ấy dẫu sao cũng thật may mắn khi nhận ra được hạnh
phúc thật sự của mình: “Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong
mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người
chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự
đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua. Đây thật sự mang lại hạnh phúc
cho tôi!”
Còn bạn, đã bao giờ bạn dừng một giây để nhìn lại cuộc sống của mình chưa?
Đừng để xã hội định hình cách sống cho bạn. Đừng để môi trường bắt các
bạn phải làm gì. Hy vọng các bạn sẽ suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định
cuộc sống của chính các bạn. Không phải sống cho người khác mà là sống
cho chính bản thân các bạn. Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa và mang đến sự
tốt đẹp cho người khác.
Các bạn hãy nhớ: Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho riêng mình.
“Hàng ngàn ngọn nến có thể được thắp sáng bởi một ngọn nến và cuộc đời
của ngọn nến ấy không hề bị tàn lụi. Hạnh phúc không bao giờ cạn đi khi
ta biết sẻ chia.”
Nguyễn Linh Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét