6 cánh cửa dẫn đến sự bình an nội tâm

Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn trong cuộc sống vật chất này. Ta trở nên mong manh, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, dễ tổn thương, luôn căng thẳng và không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì ta có.



 
Bình an nội tâm - Cân bằng cuộc sống
Khi xã hội phát triển, cuộc sống trở nên bận rộn, mọi người cũng dễ... phát điên hơn. Ta đã quen cạnh tranh để giành những thứ tốt nhất. Tiền bạc, danh vọng và quyền lực trở thành thước đo hạnh phúc mà người ta sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được.


Thế nhưng, bạn có biết không? Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn trong cuộc sống vật chất này!

Ta trở nên mong manh, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, dễ tổn thương, luôn căng thẳng và không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì ta có. Ta ghen tị với vinh quang của người đời, tự dằn vặt mình kém cỏi, và quắc mắt trước tất thảy mọi người để bảo vệ cái tôi vĩ đại của bản thân.

Rốt cuộc, chỉ có chúng ta là buồn bã, mệt mỏi và chán nản. Và ấy là lúc mà ta cần phải nghỉ ngơi, nhìn sâu bên trong bản thân mình và tìm hiểu về bình an nội tâm.

Bình an nội tâm là gì?
"Nội " có nghĩa là bên trong. “Bình an từ bên trong” chỉ đơn giản là cảm giác yên lòng đến từ chính chúng ta. Bình an nội tâm là một nghệ thuật – nghệ thuật của việc tạo ra và duy trì sự tĩnh lặng của tâm hồn, ngay cả khi thế giới xung quanh là một mớ hỗn độn.

Mặc dù đã biết định nghĩa, nhiều người vẫn không hiểu thấu cụm từ này, và tiếp tục làm sai lầm khi hỏi "Làm sao tôi có thể tìm được bình an nội tâm trong cuộc sống?".

"Tìm" mang nghĩa chúng ta vẫn phụ thuộc vào một cái gì đó ngoại tại, xa vời. Với "bình an nội tâm", ta không tìm, và có tìm cũng không thấy. Bởi đó là thứ ta phải tự mình tạo ra.

6 cách tạo ra bình an nội tâm

Tự phản ánh
Trong mỗi người tồn tại một vũ trụ bí ẩn. Ta cân bằng giữa thế giới nhỏ của bản thân và cuộc sống bên ngoài.

Đôi khi, con người cảm thấy lạc lõng, hoặc không biết phải làm gì với cuộc đời mình, đó là khi kết nối với thế giới bên trong bị gián đoạn.

Hãy dành thời gian tận hưởng không gian riêng tư và tìm hiểu thêm về bản thân mình, hãy lắng nghe cảm giác từ bên trong, hãy nhìn thấu những mong muốn của bản thân, hãy xem liệu ta đang có đang gặp bất ổn, và nếu có thì vấn đề nằm ở đâu.

Ngừng đánh giá
"Ôi cái tên a dua, chẳng lạ gì khi sếp thiên vị hắn!"
"Bạn bè gì chứ! Cô ta có bao giờ giúp đỡ khi tôi cần đâu!"
Bạn thấy không? Dường như bất kỳ vấn đề nào cũng dính dáng đến người khác. Bao giờ cũng là tại anh ta/ cô ta/ nó / họ mà bạn phải muộn phiền.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao người ngoài lại có ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy đến cuộc sống của bạn? Hay thực ra chính bạn đang để cho họ ảnh hưởng đến mình?

Thử cố gắng đưa họ ra khỏi tâm trí và chỉ tập trung vào việc của chính ta mà thôi; cuộc sống sẽ đơn giản và dễ thở hơn nhiều.

Một điều thú vị là 99% những ý nghĩ tiêu cực về một ai đó sẽ ở lại trong tâm trí của bạn thay vì được bày tỏ đến “đối tượng”. Điều này có nghĩa: không ai khác ngoài bạn là nạn nhân của những ý nghĩ ấy.

Thử hình dung một con bọ cạp bị giết bởi nọc độc của chính nó, và bạn sẽ thấy. Còn gì khờ dại hơn việc tự đầu độc tâm trí mình bằng sự tiêu cực, đúng không?

Hiểu để chấp nhận
"Tại sao mọi thứ đều chẳng như ý tôi?"

Khi ta bắt đầu thấy không vừa ý với điều gì cũng là lúc ta muốn kiểm soát những gì thuộc về thế giới bên ngoài. Thế nhưng, ham muốn này sẽ khiến nội tâm ta xáo trộn. Bởi lẽ, điều duy nhất chúng ta có thể kiểm soát là chính mình.
Bạn khó chịu vì cuộc đời không công bằng ? Nhưng bạn làm gì được nào? Cuộc đời vốn dĩ không bao giờ công bằng. Thay vì tức tối và cảm thấy bất hạnh, hãy thay đổi thái độ của bản thân.

Đơn giản hóa mọi việc
Cuộc sống vốn đã đủ phức tạp rồi, không cần phải trầm trọng hóa mọi thứ thêm nữa. Nếu bạn có thể làm điều gì đó để đơn giản nó, hãy làm. Nếu không, hãy để mọi thứ được tự nhiên!

Nếu bạn thèm hamburger, hãy ăn hamburger. Nếu bạn thấy mình quá béo, hãy giảm béo. Nếu bạn yêu ai đó, nói với họ. Nếu bạn chưa tìm thấy đam mê thực sự, hãy thử nhiều công việc khác nhau cho đến khi tìm thấy nó. Nếu bạn thích làm nhiều việc, hãy làm tất cả, lần lượt từng việc một.

Bạn thấy chứ? Mọi thứ không nghiêm trọng như chúng ta nghĩ. Chỉ có những ý nghĩ phức tạp mới khiến ta lo lắng. Hãy suy nghĩ đơn giản, làm những gì mình muốn (miễn là hợp pháp và không phương hại ai) và tận hưởng cuộc sống!

Trân trọng những gì ta có
Niềm vui khi nhận được điểm 9 sẽ sớm phai đi, nhưng lòng đố kị với kẻ được điểm 10 sẽ còn vương lại mãi trong tâm trí. Đó là chuyện muôn thuở.

Ta thường thèm muốn nhiều hơn nhưng hiếm khi dừng lại để nhận ra những gì chúng ta thực sự có. Chúng ta so sánh mình với người khác chỉ để thấy rằng hiện tại của ta không đủ tốt. Và bằng cách đó, ta gây áp lực không cần thiết lên chính mình. Và đó là khởi nguồn của mọi bi kịch.

Khao khát chinh phục những điều tốt hơn là việc đáng hoan nghênh, bởi lẽ nó là nguồn động lực để ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, cũng cần phải trân trọng cái nền tảng nơi ta đang đứng, những gì ta đang có trong tay.

Đôi khi ta dồn sức chiến đấu vì những điều to tát, mà bỏ qua những niềm vui hàng ngày: Tiếng cười của con trẻ, sự quan tâm chăm sóc của người thân, một cuốn sách hay, hay một mái nhà che chở ta khỏi sương gió nắng mưa. Đừng bao giờ quên những điều nhỏ bé mà quý giá vô cùng đó!

Lựa chọn tích cực
Hôm nay là sinh nhật của bạn, nhưng không ai nhớ đến? Sao không thử chủ động gọi cho vài người bạn và rủ họ ăn tối? Đó là ngày của bạn kia mà!

Hãy khiến bản thân vui vẻ bằng cách chia sẻ niềm vui cùng người khác, thay vì ở một mình, gặm nhấm nỗi cô đơn buồn bã và trách móc mọi người chỉ vì họ quá mệt mỏi và bận rộn để nhớ ra.

Có khá nhiều cách đối mặt với cùng một vấn đề. Tiêu cực hay tích cực - tất cả là do bạn chọn lựa. Chỉ cần nhớ, cuộc đời ngắn ngủi, hãy sống vui!

Theo GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét