Tia sáng cuối con đường​

Ngày nhỏ, mỗi buổi chiều tôi thường theo đám bạn lên con đê làng hóng mát, để ngắm nhìn đàn trâu gặm cỏ, thả diều, chọi dế…Khi hoàng hôn, mặt trời khuất dần sau những đám mây sắc hồng, tôi lại chạy đến tận cùng dãy tre làng xanh ngắt để ngắm nhìn ánh nắng còn le lói và tắt hẳn rồi mới cùng đám bạn lóc cóc cưỡi trâu về làng. Hình ảnh về ánh sáng cuối cùng của một ngày luôn để lại trong tôi một cảm xúc khó tả mà tôi không thể giải thích nổi, một cảm giác nuối tiếc vì một ngày đã qua và đêm tối lại đến. Tôi đã tự hỏi: liệu có khi nào ngày mai mặt trời không mọc và tôi sẽ chẳng bao giờ thấy được ngày mai ? 
<!-- more -->

Lớn lên, tôi không còn thú đi chơi cùng bạn bè vào những buổi chiều và câu hỏi của tuổi thơ cũng mờ nhạt dần trong tâm trí. Chỉ đến một ngày, khi mẹ tôi qua đời, hụt hẫng, chới với và mất niềm tin vào cuộc sống, tôi tưởng chừng mình sẽ chẳng vượt qua được nỗi mất mát, tôi tìm đến với con đê làng, bắt gặp tia nắng cuối ngày và vỡ òa một cảm xúc thú vị về cuộc sống, đó là lúc tôi đứng cuối con đê làng nhìn ánh nắng cuối ngày như một thông điệp: Tôi phải đi ngủ để cho ngày mai trời lại sáng.

Chính tia sáng ấy đã giúp tôi nhận ra ranh giới của quy luật cuộc sống: mặt trời mọc và lặn, ánh sáng xuất hiện và mất đi, đêm qua và ngày đến…Cuộc sống luôn có khổ đau và hạnh phúc, có thành công và thất bại, có bù đắp và hy sinh…nhưng dù ở hoàn cảnh nào vẫn có một tia sáng của niềm tin.

Tôi đã từng thấy những hạt mầm nhỏ bé vương dưới tảng đá lớn vẫn đâm chồi này lộc hướng về ánh sáng không chịu một cuộc sống mục ruỗng từ sự chèn ép nặng nề của tảng đá và tác động khắc nghiệt của khí hậu.

Tôi đã thấy những con người…

Đó là một chàng thanh niên trẻ tuổi nghèo khó, phải chứng kiến người cha bị bệnh nặng vay tiền cả dòng họ mà không đủ 2 triệu để chữa bệnh cho cha, bế tắc và muốn tìm đến cái chết, chàng bước chân xuống mép nước biển Nha Trang toan quyên sinh nhưng chính trong khoảnh khắc tuyệt vọng ấy chàng chợt nhận ra giữa hai quả núi to sậm sì trước mặt có một luồng sáng trời duy nhất. Chính tia nắng đó đã làm chàng sực tỉnh, rồi tự vấn: hay cuộc đời mình phải đi theo tia sáng nhỏ hẹp đó mới được... Thế rồi thoái thác chuyện nông nổi kia. Chàng trai ấy chính là người đã thay đổi vị thế của của cà phê Việt Nam trên thế giới. Chàng trai ấy đã trở thành tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên – doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ.

Đó là một cô gái phải mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống một tuổi thơ lam lũ, những ngày đầu khởi nghiệp bị phá sản không một đồng trong túi, phải đối mặt với sự cô đơn, cô bước đến cây cầu nhìn dòng sông, nước chảy cuồn cuộn dưới chân toan nhảy xuống tự giải thoát cho cuộc đời mình nhưng chính khoảnh khắc tuyệt vọng đó hình ảnh về những đứa cháu thân yêu cùng người bà con thân thuộc hiện lên trong đầu: nếu không có mình họ sẽ sống ra sao? Tia sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm đã lóe lên, kéo cô về với thực tại và giờ đây cô trở thành một doanh nhân thành đạt gắn liền với thương hiệu Miss Áo dài của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Cô là doanh nhân Dương Thanh Thủy - Tổng giám đốc công ty Trung Thủy.

Đó là một cô gái phải trải qua gần 10 cuộc phẫu thuật chỉnh hình vùng miệng vì bệnh Sỹ Tổ Mả khiến cho khuôn mặt xinh xắn của cô biến dạng khủng khiếp, mất khả năng về giọng nói, phải đối mặt với sự đau đớn về thể xác, mặc cảm về tinh thần, đã từng có ý định tìm đến cái chết. Hằng ngày, cô chui đầu vào lu nước để trốn tránh cuộc sống, trốn tránh bản thân nhưng chính những âm thanh phản hồi từ lu nước khi tiếng khóc tuyệt vọng của mình vang lên đã lóe lên trong đầu cô về một ý tưởng: luyện giọng bằng lu nước. Bắt đầu ú ớ tập các nguyên âm và bây giờ cô đã trở thành một ca sỹ khuyết tật hát thành công thể loại nhạc Trịnh trong làng văn nghệ Việt Nam. Cô là ca sỹ Tô Thủy Thanh Thủy Tiên.

Đó là một người phụ nữ bị chồng bỏ, phải nuôi ba đứa con sống trong cảnh đói nghèo, bà thích ca hát nhưng khi xin việc bà bị giám đốc nhà hát giàu kinh nghiệm opera Hoàng gia Vienna nói rằng: hãy từ bỏ ước mơ ca hát hỡi cô gái quê mùa, hãy kiếm một cái máy may và còng lưng ra làm việc. Thất nghiệp và bế tắc, một ngày không còn đủ tiền để mua đồ ăn và củi sưởi ấm bà đã ôm ba đứa con nằm ngang đường ray đón đoàn xe lửa chạy qua và chờ chết. Chính trong khoảnh khắc tuyệt vọng ấy giọng cô con gái non nớt cất lên: “Mẹ ơi! Chúng ta về thôi, ở đây lạnh lắm”. Giọng nói ấy như một tia sáng của tình mẫu tử đã kéo bà trở về thực tại, từ bỏ ý định tìm đến cái chết và quyết tâm làm lại cuộc đời. Người phụ nữ ấy chính là ca sỹ Opare giọng trầm nổi tiếng thế giới thành danh trên đất Mỹ: Schumam Heink.

Và tôi nhận ra rằng...

Cuộc đời giống như một cuộc hành trình, một cuộc hành trình thú vị, vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách. Có những lúc bạn phải đối mặt với nỗi cô đơn, bạn cảm giác như mình đang đứng ở điểm cuối cùng của con đường với nỗi tuyệt vọng ghê gớm nhưng bạn hãy tin rằng luôn có một tia sáng niềm tin dành cho bạn, tia sáng từ sức mạnh nội tâm giúp bạn khám phá cuộc sống.

Còn nhiều cơ hội dành cho bạn và điều quan trọng bạn sẽ nhận ra rằng chính bạn là một tia sáng kỳ diệu trong cuộc sống này.


Đoàn Dung (ST)    
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét