Cô ơi! Con đã hiểu!

Cô ơi, đã 10 năm rồi con vẫn không thể nào quên kỷ niệm ngày ấy - kỷ niệm về một người cô đã cho con niềm tin để dũng cảm bước tiếp trên đường đời...


Sáng tháng năm trời bừng nắng hạ, khung cảnh vui tươi và trong sáng biết mấy. Phượng rực đỏ cả khoảng trời như thi gan cùng nắng lửa. Ve kêu râm ran, lảnh lót đâu đây tiếng chim hót chuyền cành tạo nên bản hòa ca thật vui tai. Những sáng đi học thế này làm lòng tôi giải tỏa hơn. Nỗi bực dọc và đau xót như phai bớt phần nào. Tôi thích đi học. Tôi muốn đến trường hơn là về nhà. Về làm gì chứ - cái căn nhà ẩm thấp và dột nát đó chỉ đặc những tiếng chửi thề và tiếng nấc vô vọng. Tôi chỉ muốn ở đây thôi, quanh bạn bè và thầy cô - những người yêu thương và thấu hiểu tôi chứ không như họ...


Sáng thứ hai có tiết văn. Tôi thường mong đến giờ văn để được nghe tiếng cô giảng - ấm áp và trìu mến, để được nghe cô nói về cuộc đời, về con người, về vốn sống... Cô cho chúng tôi nhiều lắm - một giáo viên tận tâm với nghề và yêu thương học trò hết mực.

Tiết văn hôm nay làm bài viết. Tôi đã chuẩn bị tinh thần. Cô luôn có những đề văn hay khơi nhiều nguồn cảm xúc. Tôi đã nghĩ ra nhiều trường hợp có thể xảy ra trên đường đến lớp. Trống vào, cô cầm phấn ra đề lên bảng. Tôi hồi hộp, con tim rung lên đầy hưng phấn nhưng cổ họng tôi bỗng nghẹn ứ lại như có hòn đá lớn đè nặng. Đề ra là: "GIA ĐÌNH CỦA EM". Tôi biết viết gì đây? "Gia đình" ư? "Gia đình" là gì? Tôi tự hỏi trong một mớ hỗn độn.

Đối với tôi, hai chữ "gia đình" đã từ lâu không còn ý nghĩa. Mẹ bỏ cha tôi đi từ khi công ty ông phá sản, nhà cửa phải bán hết để trả nợ, và ba năm rồi chưa một lần trở về thăm tôi. Còn ba tôi - từ giám đốc một công ty lớn, giờ trở về quê với nghề thợ mộc. Ông nghiện rượu từ hồi đó. Ông uống để quên đi bao nỗi buồn chất chứa trong lòng, uống để say, để khỏi phải đối mặt với sự thực phũ phàng. Tôi sống với cha tôi trong căn nhà ẩm thấp đó, điều kiện sống chật vật.

Phải mất một thời gian tôi mới thích nghi được cuộc sống thiếu thốn này: không mạng, không shopping, không xe đón đưa, không có những bữa cơm quây quần ấm cúng và... không tình cảm. Tôi biết viết gì đây? Chằng lẽ lại viết về một gia đình đã tan vỡ, viết về nỗi đau, về người mẹ bỏ tôi đi, về người cha suốt ngày nghiện rượu và mắng chửi. Nước mắt cứ thế trào ra thấm đẫm gò má tôi, ướt nhoè trang vở. Nỗi tủi nhục làm tim tôi đau nhói. Tôi giận cô. Sao cô lại làm tôi rơi vào khoảnh khắc đau đớn này? Chẳng lẽ cô lại không biết gia cảnh của tôi? Chẳng lẽ cô lại muốn tôi đau?


Tôi như rạn nứt con tim khi nhìn những đứa khác vừa viết vừa nở nụ cười hạnh phúc. Chỉ có mổi một mình tôi mới phải gánh chịu nỗi bất hạnh này. Tôi giận cha, giận mẹ - những người đã không cho tôi cái quyền được biết về gia đình êm ấm. Tôi giận cô, giận đời, giận cả chính mình. Tôi để giấy trắng bài văn hôm đó, lòng lại buồn hơn khi nghĩ tới con điểm 0 sẽ in dấu trong sổ điểm. Đành thế thôi, biết làm thế nào, họ không cho tôi quyền được viết.

Tiết trả bài đến sau hai tuần. Tôi biết trước, ngoảnh mặt ra bầu trời xa xăm, không chú ý đến bài chữa. Cuối giờ không thấy bài của mình đâu, tôi cũng thây kệ, chỉ là một tờ giấy trắng và một con ngỗng lớn. Nhưng giờ ra chơi khi lớp đã ra sân hết, cô mới đến bên tôi lấy bàn tay lau những giọt nước mắt sắp sửa lăn dài trên má tôi và đưa cho tôi tờ giấy với đề văn "ƯỚC MƠ CỦA EM VỀ MỘT GIA ĐÌNH".

Cô không nói gì, chỉ thấy khoé mắt cô rưng rưng. Ôi cô! Con đã hiểu lầm cô, con xin lỗi cô. Cô không chấm điểm 0 mà cho con một sự lựa chọn khác. Tôi có dịp trải lòng mình. Một lần nữa tôi khóc. Khóc vì cuộc đời bất hạnh, khóc vì tủi nhục, khóc khi biết có một người cô luôn gần bên, là chỗ dựa cho con trong mọi hoàn cảnh. Con cảm ơn cô nhiều lắm! Cô ơi! Con đã hiểu!
* * *


Mười năm rồi cô ơi! Chính việc làm của cô, tình thương của cô đã giúp con có dũng khí đối mặt với cuộc sống, bước tiếp những chặng đường phía trước. Cả năm học đó con nhớ chứ! Cô luôn bên con, an ủi con, đến tận nhà giảng bài cho con và lựa lời khuyên bảo cha con. Con tâm sự với cô mọi điều. Người mẹ sinh thành ra con thì không có mặt nhưng con vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã có cô - người mẹ thứ hai chở che đời con.

Giờ đã là giảng viên học đường, trưởng thành nhiều rồi nhưng con vẫn ước một lần được trở lại là cô học trò cũ của cô năm xưa, để được nhìn thấy ánh mắt trìu mến, được nghe tiếng giảng bài ấm áp thân thương và được cô dạy bảo. Cô là tia nắng sáng soi đời con, chắp cánh ước mơ và cho con vốn sống.

Con cảm ơn cô nhiều lắm! Cô ơi!

Bùi Thị Hồng  (Tuổi Trẻ Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét