Cuộc đời thật ngắn ngủi và vô thường

Trong đời thường nghe thấy những câu chúc nhau ngày Tết như: "Chúc cho sống tới  đầu bạc, răng long", "Chúc  cho sống tới trăm tuổi bạc đầu râu"; có phải chăng đây là điều chỉ là mơ ước của con người?!


Cuộc đời ai cũng ước mơ hướng tới hoặc phải đạt được cái mà mình chưa có, song ước mơ cũng chỉ là cái bóng để con người ta đeo đuổi tới lúc chết. Cuộc sống tưởng chừng như rất dài nhưng thực tế lại thật ngắn ngủi. Chúng ta cứ lấy ví dụ câu chúc nhau ngày Tết làm điển hình và cùng nhau tính trong tổng thời gian sống 100 tuổi đó con người sẽ được hưởng thụ bao nhiêu?.

Theo tính toán của các nhà Y học, Sinh vật học, Xã hội học, Tâm thần học; thời gian bình quân của con người cần thiết sử dụng trong 1 ngày như sau:

- Thời gian dành cho  ngủ: 8 giờ/ngày mới đảm bảo sức khỏe.
- Thời gian dành cho 3 bữa ăn (sáng-trưa-tối): mất 3 giờ/ngày.
-  Thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn, nghỉ ngơi giữa giờ học tập, nghỉ giải lao trong lúc làm việc căng thẳng cần khoảng 2 giờ/ngày.
- Thời gian dành cho thải độc tố ra ngoài cơ thể, vệ sinh cơ thể cần khoảng: 1,5 giờ/ngày.
- Thời gian dành cho làm việc (hoặc học tập): 8 giờ/ngày.

Tổng thời gian chi phí cho 1 ngày của một con người là: 22,5 giờ/ngày. Như vậy 1 ngày ta chỉ còn duy nhất 1,5 giờ đồng hồ để dành cho chính ta mà thôi. Một năm có 365 ngày chúng ta sẽ có tổng thời gian là: 365 x 1,5 = 547,5 giờ. Nếu quy đổi ra ngày thì một năm chúng ta chỉ có 22,8 ngày/1 năm được hưởng thụ và dành cho chính mình mà thôi!. Chúng ta sẽ lấy tròn số 23 ngày/năm thì cuộc đời 100 năm chúng ta chỉ có 2.300 ngày; tức là chỉ có 6,3 năm dành cho chính mình (được nghỉ ngơi và hưởng thụ thực sự) trong tổng số 100 tuổi dành cho mình (với điều kiện sống khỏe mạnh tới 100 tuổi). Vậy nếu như 55 tuổi chúng ta bắt đầu bị bệnh tật, đau ốm thì sao đây?! Có còn dành cho mình được chút thời gian riêng tư, ngắm nhìn lại quãng thời gian đã đi qua mà không bao giờ trở lại của chính cuộc đời mình nữa hay không?. Đấy là chưa kể cuộc đời còn kém may nắm, thường xuyên gặp nhiều trắc trở thì hỡi ơi cuộc đời còn gì nữa phải không quý vị!

Phép tính trên để chúng ta thấy rõ nhất trạng thái thực tại sống của mình, nếu không dành thời gian cho tĩnh tại của tâm mình thanh thản thì cuộc đời thật vất vả và đầy đau khổ. Cuộc sống sẽ đơn điệu nếu con người không có ý trí phấn đấu, thiếu quyết tâm vượt mọi khó khăn trên đường đời. Với 100 năm cuộc đời chúng ta chỉ còn vẻn vẹn 6,3 năm (tính tròn số) thụ hưởng, thì rõ ràng nếu  ai nắm bắt được thời cơ, biết tiết kiệm và sử dụng thời gian hợp lý chắc chắn sẽ được thụ hưởng trọn vẹn quãng thời gian quý báu này; còn nếu cứ buông thả để trôi theo dòng thời gian thì đã quá muộn mất rồi phải không quí vị!?.

Thân người khó được và rất quý báu, thời gian nhanh “như con người chạy qua cửa sổ”.

Ai cũng nói: “chết là hết”, ai cũng hiểu cuộc đời có 4 chu kỳ: “sinh - lão - bệnh - tử”, ai cũng biết: “sinh ra từ hư vô, chết trở về cát bụi” nhưng “mơ ước” của con người thì lại trái ngược hoàn toàn, đôi khi còn mang tính đối kháng cực đoan. Trong “mơ ước” ẩn chứa sâu thẳm lòng “tham” của nội tâm. Lòng “tham” đưa con người đến với lú lẫn đôi khi dẫn tới hành động mù quáng, đối xử không công bằng hoặc tệ hại với người thân và những người xung quanh, nhiều khi còn có những tính xấu thường trực: “không tin ai bao giờ”, nếu cứ sống như vậy con người đó sẽ bị thiệt thòi, không thể hưởng thụ được quãng thời gian thực quí báu 6,3 năm/100 tuổi của chính mình.

Đức Phật đã dạy: “Hãy cảm ơn người đã hại ta vì chính người đó đã giúp  ta trưởng thành”; nhưng con người thì sao?. Vì con người có phần “con” ở trong đó nên thường hay quay lại trả thù người đã hại mình; đêm nằm tức tối nghĩ “mưu” hãm hại lại hoặc ngồi lê “chém gió những chuyện không có thật”; hậu quả là bị ốm bệnh, lao tâm khổ tứ không giải quyết được vấn đề gì hết và cũng đồng nghĩa với không được hưởng trọn vẹn 6,3 năm/100 tuổi tuyệt vời của mình.

Mơ ước trong cuộc đời ai cũng có bởi có ước mơ mới có sự phấn đấu trong cuộc sống; song cần phải thật bình tĩnh và thanh thản với những ước mơ đó bởi cuộc sống của một đời người là tổng hòa của thời gian, của các mối quan hệ và phúc đức do chính bản thân mình gom góp lại. Xã hội có người giàu, người nghèo; có người thành đạt, người không thành đạt; có người sống bình thản, người luôn luôn hối hả; có người trước khi chết ung dung tự tại, người thì gào thét, hoảng sợ, luyến tiếc; có người đón nhận hạnh phúc trong nội tâm, người thì phát lộ “sướng quá hóa rồ”; có gia đình nghèo nhưng biết đùm bọc - thương yêu - bảo ban giúp đỡ nhau, có gia đình giàu có nhưng bếp lạnh - giường “đông giá” - nồi niêu bát đĩa cứ “cất cánh bay” vèo vèo.

Để có được kiếp người như ngày hôm nay, chúng ta hãy cảm ơn hồng phúc của tổ tiên mình, luôn trân trọng, nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn bản chất thực của cuộc sống theo phương châm: “SỐNG BÌNH THẢN, TRÂN TRỌNG NHỮNG GÌ MÌNH CÓ VÀ BẰNG LÒNG VỚI CHÍNH MÌNH TRONG  MỌI LĨNH VỰC CỦA CUỘC SỐNG; BỞI ĐỜI NGƯỜI QUÁ NGẮN NGỦI VÀ RẤT VÔ THƯỜNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét