Cách rèn con sống với lòng tự trọng

Thiếu tự trọng là một trong những nguyên nhân khiến con người dễ sa đà vào tệ nạn xã hội như ma túy, nghiện rượu và những hành vi tiêu cực. Vì thế ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng.


Trẻ ở tuổi vị thành niên có xu hướng thích khẳng định bản thân, muốn được bố mẹ tôn trọng và xem mình là người lớn thực thụ. Khi bị la mắng, chi trích, trẻ thường phản ứng bằng lời nói gay gắt, thái độ thách thức. Chúng nghĩ rằng bố mẹ không hiểu và không tôn trọng mình. Khi bị xúc phạm, chúng thường đặt ra trong đầu những câu hỏi liên quan đến phẩm giá con người của mình… Tất cả thái độ đó là biển hiện của lòng tự trọng.

Chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo (Văn phòng TT&T, Tổng đại 1088 TP HCM) cho biết, trong quá trình tư vấn, ông từng gặp nhiều trường hợp các bậc làm cha mẹ than phiền rằng con cái thiếu tự tin nên thật khó giúp chúng sống vui vẻ, hạnh phúc.

Cũng theo ông Thảo, khi nói đến lòng tự trọng, những đứa trẻ vị thành niên là lứa tuổi dễ bị tác động nhất. Trong một số nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu sự tự tin, giảm sút lòng tự trọng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn như ma túy, nghiện rượu và những hành vi tiêu cực của trẻ ở tuổi này. Vì thế ông khuyên phụ huynh nên giúp những đứa con của mình xây dựng lòng tự trọng ngay khi chơi cùng chúng.

Bên cạnh việc đưa trẻ đến trường để học hỏi những điều hay lẽ phải, cha mẹ cũng nên có kế hoạch trong việc dạy con chứ không nên bỏ mặc hoàn toàn "tài sản tinh thần" của mình cho thầy cô. Trong lúc chơi với con, cha mẹ có thể giúp chúng xây dựng lòng tự tin, tự trọng dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản sau đây:

1. Luôn đặt câu hỏi cho trẻ

Phương pháp giáo dục tốt nhất là đặt câu hỏi cho con trẻ. Nhưng với độ tuổi vị thành niên, cha mẹ không nên đòi hỏi bắt buộc nhận được một câu trả lời từ chúng. Vì thế khi nghe cha mẹ hỏi, trẻ có thể trả lời hoặc không. Vấn đề nằm ở sự khéo léo của người lớn. Và tốt nhất khi đặt một câu hỏi bố mẹ hãy tin rằng chắc chắn con của mình đã có câu trả lời trong đầu dù chúng có thể không nói ra.

Lời khuyên cho cha mẹ là hãy đặt câu hỏi không quá nhiều và cũng không nên quá ít. Nếu nhận được một câu trả lời của trẻ, hãy lắng nghe và hãy hỏi thêm để có thêm thông tin chi tiết như:
- Những điều tuyệt vời nhất hôm nay con đã làm được là gì?
- Điều gì làm con tự hào nhất hoặc hài lòng nhất, vui nhất? Hãy nhớ chỉ hỏi một câu trong số này thôi, đừng hỏi quá nhiều.
- Ngày hôm nay của con như thế nào? Qua câu trả lời của trẻ, bố mẹ có thể trò chuyện để nhấn mạnh cho trẻ nhớ một giá trị quan trọng đó chính là về gia đình mình.

2. Hãy dành cho trẻ lời khen đúng nơi, đúng việc

Lời khen ngợi nên được thể hiện cụ thể bằng lời nói và một cách thường xuyên. Những bậc cha mẹ cần phải cẩn thận để có được sự cân bằng trong việc khen ngợi này, không nên quá nhiều hay quá ít.

Trẻ em luôn ở trạng thái mất cân bằng, chúng cố gắng đấu tranh tìm hiểu chúng là ai và sẽ trở nên thế nào trong suốt thời gian này hơn bất kỳ thời điểm nào trong đời. Chúng hạnh phúc khi sống trong tình yêu, sự tôn trọng của cha mẹ, sự hỗ trợ và giúp đỡ của mọi người. Tuy nhiên, những phản hồi và lời khen của người lớn phải được xác thực, chân thật và chính xác. Ngược lại những lời khen sai, lặp đi lặp lại, tâng bốc thái quá sẽ phản tác dụng.

3. Chia sẻ thông tin một cách "dân chủ" với con cái

Bố mẹ nên thông báo cho trẻ những thông tin trong gia đình một cách nghiêm túc và "dân chủ". Chẳng hạn: "Hôm nay bố mẹ đi thăm bác Lan. Con ở nhà trông em nhé", “Bố đánh giá cao việc con đưa em gái đi đến nhà bạn con sau giờ học hôm nay. Nhờ đó bố mẹ có thể yên tâm ra ngoài làm việc”, “Mẹ đánh giá cao việc dọn rác của con mà không tị nạnh. Mẹ cám ơn con”.

4. Cư xử tế nhị, kín đáo với trẻ như với "người lớn"

Đừng tưởng trẻ con không biết "hận", ngược lại trẻ tuổi vị thành niên ghi nhớ rất kỹ những lời chửi mắng. Nếu chúng ta không muốn nghe người khác chửi những lời cay độc thì đừng dùng những lời đó với con cái. Đặc biệt không nên chửi, trách mắng trẻ ở nơi chỗ đông người. Không nên so sánh trẻ với bạn này, bạn kia sẽ khiến trẻ tự ti, mặc cảm. Từ đó làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.

Trong trường hợp xảy ra mẫu thuẫn, nguyên tắc tối quan trọng là "đối thoại". Cha mẹ nên đưa trẻ ra một chỗ riêng để nói chuyện, phân tích cho trẻ hiểu đâu là đúng, đâu là sai. Qua đó tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ suy nghĩ và mong muốn. Hoặc cha mẹ nên đặt ra những nguyên tắc dựa trên sự thỏa thuận với trẻ về thời gian học, giờ chơi, ngủ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét