Suối Nguồn (The Fountainhead) - Ayn Rand - Ebook

Một cuốn sách dày gần 1.200 trang vẫn đủ sức lôi cuốn người đọc đến trang cuối cùng, một cuốn sách đã được ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn mang bóng dáng của tư tưởng và khát vọng của cả thế hệ sau: Tiểu thuyết Suối nguồn (The Fountainhead) của nhà văn Mỹ Ayn Rand đã được độc giả bình chọn là tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20.
<!-- more -->
Câu chuyện không là dòng chảy êm đềm như tên gọi, mà là một hành trình dài của tâm tưởng, của những cuộc đấu tranh giữa dòng đời khắc nghiệt để kiếm tìm và chứng minh một chân lý sống. Nhân vật chính là Howard Roark - một kiến trúc sư vào đời không có tấm bằng đại học. Anh đã bị đuổi ra khỏi trường kiến trúc chỉ vì không đồng ý thay thế chân lý bằng ý kiến của số đông người. Trong khi cuộc sống đầy rẫy những toan tính, đua chen và con người luôn phải biết cúi đầu để có thể tồn tại thì Roark lại đi ngược với dòng chảy đó.

Những tòa nhà của Howard Roark xây dựng luôn khiến người ta phải tìm đến ngắm nghía, cho dù sau đó bật ra những tiếng dè bỉu, chê bai. Suy nghĩ tồn tại trong số đông người thì không thể gọi là lập dị, vì thế chẳng ai dám tách ra khỏi cái số đông ấy để đến bên cạnh Howard Roark. Người ta hả hê khi lật đổ được Roark, nhưng lại hằn học khi không thể phủ nhận rằng Roark là một thiên tài. Bao nhiêu kiểu thiết kế của Roark đều bị coi là lập dị, “không thể chấp nhận” và bị cười cợt, phê phán một cách không thương tiếc. Số đông người lại một lần nữa đánh gục tất cả những sáng tạo của Roark.


Roark thất bại hoàn toàn trước những lối rẽ, trong khi người bạn cùng khóa của anh, Peter Keating, thì lại từng bước leo lên nấc thang thành công. Roark thất bại vì anh không biết mưu mô, thủ đoạn, cơ hội và xu nịnh như Keating - loại người vốn vẫn đầy rẫy trong xã hội. Roark đã đi một đường thẳng nhưng con đường ấy quá hẹp, nhiều chông gai. Có lúc anh đã phải sống trong sự nghèo túng, chờ đợi hợp đồng thiết kế nhỏ giọt vào văn phòng, anh chấp nhận cả việc trở thành một công nhân khai thác mỏ chỉ vì không muốn bất kỳ ai sai khiến và làm thiên lệch những sáng tạo của mình.

Người ta không thể sống vì cái lý tưởng cao đẹp ảo vọng nào đó mà không cần đến tiền bạc. Thế nhưng với Roark thì khác. Khi con người đã sống cho lý tưởng, niềm đam mê và cái khát vọng được là mình và khẳng định mình, thì mọi đua chen, lợi lộc hay danh phận, tiền bạc cũng chỉ là vô nghĩa.

Roark mang một ý chí kiên định và một khát vọng tuổi trẻ mãnh liệt: Nghĩ và làm theo chân lý của mình. Điều đó là “một thách thức với một thứ gì đó quá lớn và quá đen tối”. Nhưng nếu mang đến tận cùng sự đau đớn này thì ta sẽ chiến thắng, “chiến thắng cho cái-đáng-phải-chiến-thắng, cho cái đã đẩy thế giới này dịch chuyển nhưng lại không bao giờ được công nhận”.

Howard Roark đã “chịu đựng đến tận cùng nỗi đau”, để rồi cuối cùng anh đã chiến thắng. Một người đã bị búa rìu dư luận lên án vì những kiểu kiến trúc “khác người”, “bỏ đi” cuối cùng đã đứng trên giàn giáo chỉ huy một công trình kiến trúc vĩ đại nhất nước Mỹ. “Ở đó, chỉ còn đại dương, bầu trời và dáng hình của Howard Roark”.

Cuộc sống này không có ngõ cụt, chỉ có những con đường dẫn đến thành công. Giống như mọi dòng chảy đều có mạch ngầm và đại dương vẫn phải bắt đầu từ những dòng suối. Bước vào một ngõ hẹp không có nghĩa là thất bại, mà quan trọng là ta đủ bản lĩnh để nhìn thấy những bước chân mình.

"Đây là cuốn sách đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do Báo New York Times công bố theo bình chọn của độc giả", một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu khi chuyển cho tôi xem bản dịch tiểu thuyết Suối Nguồn (The Fountainhead) trước khi nó được in.

Tôi không tin mấy vào những lời giới thiệu nghe "quen quen" như vậy, nhưng khi đọc cuốn sách, tôi bị cuốn hút, từ trang đầu cho đến trang cuối, đến mức vừa đọc vừa mong cho cuốn sách tiếp tục dài ra, mặc dù nó đã dài đến gần... 1.200 trang.

Howard Roark, nhân vật chính của tiểu thuyết, là một kiến trúc sư chưa bao giờ có bằng cấp. Một giáo sư khi nhìn bản đồ án của chàng sinh viên 22 tuổi này đã phải thốt lên "đây là một thiên tài", nhưng anh đã bị đuổi học một năm trước khi tốt nghiệp, vì anh không chấp nhận việc "lấy số lượng người thay cho nội dung chân lý". Nhà trường tuyên bố: "Mỗi phong cách thiết kế của quá khứ là một mỏ vàng. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn từ những gì các nhà thiết kế vĩ đại đã nghĩ ra. Chúng ta là ai mà dám đòi cải tiến?". Còn anh thì: "em muốn trở thành một kiến trúc sư, chứ không phải một nhà khảo cổ". Anh chấp nhận bị đuổi học, ở đó không còn gì để cho anh học nữa.

Với một niềm tin sắt đá vào chính bản thân mình, anh đã bước vào đời để chống chọi với số đông những kẻ "thứ sinh", dù họ nổi tiếng và có quyền lực đến đâu, dù họ đông đến bao nhiêu anh cũng không lùi bước.

Người đọc hồi hộp, bất lực, đau đớn rồi hào sảng theo từng bước đi của Roark. Với tài năng bẩm sinh, anh có thừa khả năng để dễ dàng thành đạt, nhưng anh đã vào đời bằng "cửa hẹp". Henry Cameron, một kiến trúc sư vĩ đại, sự vĩ đại mới mẻ mà nước Mỹ non trẻ vừa bắt đầu chấp nhận, rồi "không dùng" ông nữa. Ông không còn việc làm, sống nát rượu, nhưng ông dứt khoát không thỏa hiệp, không "bán" tài năng của mình. Roark đã tìm đến ông để lập nghiệp. Cameron vừa nhìn thấy tài năng của Roark đã lập tức tuyên bố sa thải anh. Sa thải để cứu anh, để anh không phải lâm vào cảnh thân tàn ma dại như ông. Ông khuyên Roark thỏa hiệp, khuyên Roark "bán" tài năng của mình cho "bọn họ": "Sẽ có rất nhiều người nổi tiếng sẵn sàng nhận cậu, dù cậu có bị đuổi học hay không". Nhưng Roark quả quyết: "Nếu vào lúc cuối đời, tôi trở thành người như ông vào lúc này, tại đây, trong văn phòng này, thì tôi sẽ coi nó như một vinh dự mà tôi lẽ ra không xứng đáng". Cameron chết trong thất bại.

Roark vẫn không lùi bước. Anh tự mình mở văn phòng. Một vài người biết anh, giao việc cho anh, những người riêng lẻ đó thích công trình của anh, nhưng số đông thì không. Có lúc anh đã phải đi làm công nhân mỏ đá, chứ không thỏa hiệp, dù là thỏa hiệp nhỏ để nhận một công trình lớn.

Người ta nhân danh số đông, nhân danh lòng từ thiện, nhân danh "sống vì người khác" để đè bẹp anh, đè bẹp những “cái tôi” sáng tạo. Không để cho người khác can thiệp vào sự sáng tạo của mình, anh đã phải ra tòa và thua cuộc. "Người ta căm thù sự đam mê, bất kỳ sự đam mê vĩ đại nào". Cameron đã đấu tranh, ông thất bại vì ông không còn thời gian. Roark thì không cam chịu. Cao điểm của sự không lùi bước đó là việc Roark đã phá hủy một công trình khi nó được xây lên không giống như anh thiết kế. Nó đã bị biến dạng theo ý kiến của “đa số”, của “tập thể”, của “hội đồng” mà không một cá nhân cụ thể nào chịu trách nhiệm. Anh bị truy tố ra tòa.

..."Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm được cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này. Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất".

..."Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng".

... "Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trước khi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh - những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công".

... "Loài người đã được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt khổ đau. Nhưng khổ đau là một căn bệnh. Chỉ khi có người bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc giảm khổ đau thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ - để người ta có thể trở thành người đức hạnh... Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm hồn"...


Anh không cần luật sư. Đó là những lời tự bào chữa của anh trước tòa. Người đọc còn tìm thấy trong cuốn sách một nhà báo như Ellsworth Toohey. Ông ta uyên bác nhưng đạo đức giả "toàn tòng", mỗi bài viết của ông ta đều được người ta nghiền ngẫm đến từng dấu phẩy, bởi ông ta tạo được cho mình một quyền lực điều khiển công chúng, đến mức có thể "đẻ ra" các kiến trúc sư nếu ông ta muốn. Ngoài ông nhà báo thấy "quen quen" đó, người đọc còn biết đến một Gail Wynand, điển hình của một chủ báo Mỹ lừng danh...

Cuốn sách như một bản anh hùng ca tôn vinh con người, nhưng con người mà tác giả cuốn sách - nữ văn sĩ kiêm triết gia người Mỹ gốc Nga Ayn Rand (1905-1982) - hướng tới là những người sáng tạo, những người "xoay chuyển thế giới và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống". Dường như cuốn sách không đứng về phía số đông, nhưng mỗi một người trong số đông đó đều có thể thấy mình được tôn vinh, được chia sẻ. Bởi mỗi một người trong chúng ta đều từng là, đang là hoặc sẽ là thiểu số trong những nỗ lực tự khẳng định bản thân mình để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn" - Hoàng Hải Vân.


"Một thiết kế mạnh mẽ về con người - Ayn Rand (1905-1982) nói về những lý do cơ bản khiến tác phẩm này liên tục tái bản hằng năm (đến nay là 60 năm): "Nó tái khẳng định tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được những gì”. Và Ayn Rand đã đúng. Cuốn tiểu thuyết của bà có thể làm cho những ai quen bị cuốn đi trong tâm lý bầy đàn phải giật mình, buộc phải tự hỏi về chính kiến của mình, giá trị riêng có và sự tự tin tối thiểu của mình.

Như một bản vẽ tuyệt vời cho một công trình đáng tôn vinh nhất, "Suối nguồn" là một thiết kế tinh tế, mạnh mẽ về con người - những kẻ thứ sinh, ăn bám từ nhận thức đến cách sống, và những cá thể vĩ đại biết tư duy với một trí não độc lập, một niềm say mê chân chính của riêng mình. Con người - với các dòng chảy tư tưởng - hiện lên sống động qua một ngôn ngữ rành mạch, khúc chiết mà đầy lôi cuốn.

Việc xổ toẹt vào một xã hội nô dịch, đề cao chủ nghĩa cá nhân, lý tưởng giải phóng cá - thể - người khỏi mọi - người… của Ayn Rand trong "Suối nguồn" có thể gây ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các luồng tư tưởng; nhưng trên hết, nó mang đến sự thú vị cho bất kỳ người đọc nào muốn tìm thấy ở đây một nhân sinh quan khá độc đáo về con người, cụ thể là con người - sáng - tạo. Với kiến trúc sư Howard Roak - nhân vật chính của tác phẩm, sáng tạo là nhu cầu tự nhiên nhất, là mục đích cao cả nhất. Anh chỉ có một niềm tin - tin vào chân lý của chính mình, không chấp nhận mọi sự phục tùng, phụ thuộc, không tồn tại thông qua bất kỳ ai khác.

Người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với tư tưởng của Rand, nhưng đọc "Suối nguồn" sẽ hiểu vì sao cuốn sách trên 1.000 trang này đã xoay chuyển cuộc đời của nhiều người Mỹ và được xếp vào tiểu thuyết kinh điển cần đọc" - L.TH.


Xin mời các bạn download Ebook (PRC + MOBI + EPUB) :

Download File PRC

Download File MOBI

Download File EPUB

Download File PDF

Chúc các bạn Thành Công và Hạnh Phúc trong cuộc sống.

P.S.: Tất cả các Ebook và Audiobook post ở CSYT đều có tải về máy cả. Nếu có links nào bị hỏng, các bạn làm ơn thông báo cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ upload links mới post lên lại. Thanks các bạn nhiều nha.



                    Hướng dẫn cách tải links trên các host

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét