Sửa đổi bản thân, giống như nghệ thuật chỉnh dây đàn, bạn sẽ có kết hợp
và giao thoa tốt nếu như khéo léo. Sửa đổi bản thân sẽ giúp bạn thay đổi
cuộc sống một cách tích cực hơn.
Mọi người hoàn toàn có thể dùng các trải nghiệm trong cuộc sống, kể cả
những trải nghiệm thất vọng, giận dữ, đau đớn hay mất mát, thành cơ hội
lớn để chuyển hóa chính bản thân mình.
Chuyển hóa tâm thức tức là khi để Tâm tiếp xúc với đối tượng khác mà
không bị ảnh hưởng, vướng mắc và ràng buộc chứ không chối bỏ. Trong cuộc
sống hàng ngày, nếu bạn có một tình yêu và gặp phải những khúc mắc, khó
chịu trong tình yêu thì đấy không phải là một cái nợ mà chính là cơ hội
để giải thoát khỏi nó.
Vậy cách chuyển hóa tâm thức không phải là từ chối tình yêu hay tiền
bạc mà là hãy sống và tồn tại cùng với nó để từ một cái Tâm vướng mắc
thành Tâm không vướng mắc.
Trong cuộc hành trình chuyển hóa tâm thức, phải đi qua 3 chặng đường: Từ chối, Hiểu biết và Chuyển hóa.
Có thể ví dụ về điều này như sau: Bạn đang cần tiền và có một công việc
giúp bạn kiếm ra nhiều tiền. Bạn chọn cách nào trong 3 cách sau:
1. Nhiều tiền nguy hiểm lắm, thôi tôi chẳng kiếm
2. Tìm hiểu: Tôi đang cần tiền, nếu công việc đó không xấu, tôi sẽ làm.
3. Nếu tôi kiếm được nhiều tiền từ công việc đó, tôi giúp được cái gì, giúp cho ai?
Chặng đường đầu tiên: Lựa chọn để từ chối hay đi tiếp
Khi đứng trước một đối tượng, con người sẽ có 2 lựa chọn là từ chối
hoặc đi tiếp. Từ chối là bước đi quan trọng mà ai cũng cần phải đi qua.
Để khỏi vướng mắc, mọi người thường có xu hướng chọn cách tránh xa những
thứ gây cám dỗ như: thuốc phiện, tiền bạc, các mối quan hệ,… Ai cũng
từng từ chối những điều gây nguy hiểm cho mình và trải qua trường hợp đã
thử từ chối mà không từ chối được.
Từ chối, tránh tiếp xúc với đối tượng là cách an toàn nhưng chúng ta
không biết được sự thật. Khi từ chối, bên trong mỗi người sẽ có xu hướng
là phản ứng với đối tượng. Giống như một chiếc lò xo, bị nén chặt lâu
dần, đến một ngày nó bật ra rất mạnh. Vì vậy, từ chối là bước đi quan
trọng nhưng không đủ vì nó chỉ giải quyết vấn đề trong một số tình
huống. Và còn cần cách khác cao hơn để giải quyết vấn đề trong các tình
huống khác.
Chặng đường thứ hai: Hiểu biết
Hiểu biết là biết rõ sự thật là gì, biết nó xấu ở đâu, tốt ở đâu bằng
việc tiếp xúc với đối tượng. Nó là nền tảng của con đường chuyển hóa.
Muốn chọn chặng đường thứ 3 phải đi qua chặng đường thứ 2 này. Muốn chọn
chặng đường thứ hai phải đi qua chặng đường thứ nhất - Từ chối. Vì từ
chối có nghĩa là tách rời và tạo ra một khoảng không gian để ta quan sát
và không bị quấn chặt vào vấn đề. Từ chối để tạo ra giữa vấn đề và mình
một khoảng cách để hiểu vấn đề.
Chặng đường thứ ba: Chuyển hóa
Nếu có khả năng và cơ hội thì chuyển hóa là cách tốt nhất. Chuyển hóa
là hiểu sự thật và có thể giúp cho người khác bằng chính sự thật ấy. Khi
có sự hiểu biết đúng đắn, bạn sẽ không từ chối kiếm tiền, không từ chối
cơn giận, không từ chối tình yêu,… vì bạn biết sự đè nén sẽ tích tụ dần
như giọt nước làm tràn ly.
Chuyển hóa là khi ta cần có kinh nghiệm để khơi lên trong ta sự hiểu
biết và khả năng thông cảm với người khác. Và ta sẽ chuyển hóa để có ích
cho mình và những người xung quanh. Khi hiểu được sự chuyển hóa thì
tình yêu, công việc hay bất kỳ điều gì khác đều là nguyên liệu để chuyển
hóa.
Do đó, từ chối và hiểu biết là quan trọng nhưng mục tiêu phải là sự
chuyển hóa. Bạn có thể sử dụng công việc, tình yêu,… để chuyển hóa. Con
đường này cần có sự dũng cảm, khéo léo và trí tuệ sẽ cho ta thấy trong
hoàn cảnh nào sẽ dùng cách nào cho phù hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét