Bỏ trường đại học, tôi làm stylist

Mọi người trong gia đình tôi đã sốc khi tôi thông báo, sẽ rời trường đại học mà tôi đã chọn theo ý bố mẹ để làm một công việc mà chưa có trường lớp nào đào tạo chính thức ở Việt Nam : nghề Stylist.


Hai năm hèn nhát

Tôi học không giỏi, nhưng bù lại tôi khéo tay và có mắt thẩm mỹ khá tốt. Vậy nên, tôi muốn học ngành Thiết kế Thời trang sau khi tốt nghiệp phổ thông. Thế nhưng, khi tôi nói dự định của mình cho gia đình, thì ngay lập tức bị phản đối. Bố mẹ không muốn tôi theo ngành Thời trang vì cho rằng “100 người học ngành này may ra mới có vài người thành công. Chông chênh lắm”. Cả nhà đều muốn tôi thi vào Học viện Hành chính. Mọi người phân tích : “Trường này đậu vào không hề cao, vừa với sức học của con. Mà học xong ra trường, bố xin cho vào làm ở cơ quan bố, ổn định được ngay”. Thuyết phục chán, bố mẹ tôi còn ra cả tối hậu thư : “Học trường kia thì bố mẹ nuôi, còn học thời trang thì mặc kệ đấy”.

Tôi sợ khổ, sợ thất bại, nên cuối cùng cũng gác ước  mơ của mình lại, đi theo con đường mà bố mẹ đã vạch cho. Tôi cất hết vải vóc, máy may, bút màu… vào một xó, để tập trung ôn thi. Tôi thi và đỗ với số điểm khá cao. Bố mẹ tôi mừng lắm. Còn tôi thì chẳng biết cảm xúc của mình lúc ấy thế nào nữa. Nhìn đống đồ may và những hộp màu vẽ phủ vải nằm im trong góc phòng, đôi lúc tôi lại thấy nhói lên : “Hình như mình đang đi sai đường”. Nhưng tôi vẫn xếp đồ vào vali để ra Hà Nội học đại học.

Tôi đã hèn nhát như thế suốt hai năm đại học. Mặc dù tôi luôn đạt được học bổng, thậm chí còn nằm trong top 3 của lớp nhưng thật sự chưa lúc nào tôi thấy có hứng thú với ngành học của mình. Tôi luôn thấy nó nhàm chán và đơn điệu, nhưng vẫn cố kiếm một bảng điểm thật đẹp chỉ để làm vui lòng bố mẹ. Vậy nên, tôi học và đạt điểm cao thật đấy, nhưng lại không hề vui, mà ngược lại luôn trong tâm trạng chán nản và bức bội.

Những cơ hội không tình cờ

Giữa năm thứ 2, tôi đã tìm được công việc làm thêm phù hợp với sở thích của mình. Khi các shop thời trang ở Hà Nội rộ lên phong trào có stylist riêng để tư vấn cho khách, tôi đã xin hợp tác với vài shop, không nhận lương, chủ yếu là để lấy kinh nghiệm và quan trọng là được làm việc đúng sở thích. Dần dần, khi tôi đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm, các shop khác đã chủ động mời tôi hợp tác, không chỉ tư vấn style cho khách, mà còn làm stylist để thực hiện những bộ ảnh quảng cáo cho họ. Thỉnh thoảng, khi rảnh rỗi, tôi cũng lôi giấy bút ra ngồi tự thiết kế trang phục cho mình rồi đem đi đặt may. Tuy nhận được nhiều lời khen và khích lệ của bạn bè, nhưng tôi không theo học thiết kế thời trang như dự định ban đầu, bởi tôi đã tìm ra con đường phù hợp nhất với mình.

Trong một lần chụp ảnh quảng cáo cho một shop thời trang, bộ ảnh mà tôi làm stylist được một tạp chí chú ý. Họ gọi điện cho tôi và sau vài phút phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại, tôi trở thành cộng tác viên cho chuyên mục thời trang của họ. Hằng tuần tôi sẽ thực hiện những bộ ảnh thời trang phù hợp với tiêu chí của tạp chí và gửi cho họ. Tôi phải tự lo liên hệ người mẫu, trang phục, photographer… Nhưng bù lại, nhuận bút của tôi cũng khá. Tôi cộng tác thêm với vài tờ báo và tạp chí khác. Công việc thuận lợi và thu nhập đủ để tôi có thể chi tiêu thoải mái cho những nhu cầu cá nhân.

Việc học ở trường tôi vẫn cố gắng duy trì. Nhưng với khối lượng công việc ngày một nhiều hơn, tôi không thể đảm bảo mình vẫn sẽ giữ một bảng điểm đẹp như thế nữa. Nhưng quan trọng là càng ngày tôi càng thấy chán. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định “bỏ học”. Bỏ chứ không bảo lưu, vì tôi biết tôi sẽ không bao giờ quay lại học ngành này. Tôi muốn trở thành một stylist chuyên nghiệp. Chắc chắn khi biết tin này bố mẹ tôi sẽ giận và phản đối ghê lắm, nhưng tôi vẫn quyết tâm. 

Chọn bấp bênh, nhưng quyền chủ động trong tay mình

Đúng như tôi đoán trước, khi tôi gọi điện thông báo với gia đình là tôi đã bỏ học, bố tôi đã tức tốc ra Hà Nội. Ông giận tím mặt và bắt tôi phải đến trường xin đi học lại ngay. Tôi không chịu. Thấy thái độ cương quyết của tôi, bố tôi đành để tôi làm theo ý mình. Nhưng ông tuyên bố : “Tự tin như thế, thì từ nay bố mẹ không trợ cấp gì nữa, tự kiếm tiền mà sống”. Nói xong, bố tôi bỏ về quê. Tôi phải chứng minh cho bố mẹ thấy,  tôi đã lựa chọn đúng.

Nhưng mọi việc chẳng hề đơn giản như tôi nghĩ. Trước đây, số tiền tôi kiếm được, chỉ dành để chi tiêu riêng, vì hằng tháng bố mẹ tôi đều gửi vào tài khoản cho mấy triệu đồng để trả tiền nhà, tiền sinh hoạt và cho thêm một chút tiêu vặt. Giờ đây, với số tiền tôi kiếm được cũng chỉ bằng từng ấy, nhưng tôi phải tự mình lên kế hoạch chi tiêu cho cả tháng. Hơn nữa, tôi chỉ là cộng tác viên, chứ không phải là nhân viên chính thức, nên thu nhập của tôi cũng không cố định, chủ yếu thu nhập là từ nhuận bút. Do đó, những tháng đầu tiên tôi đã phải “thắt lưng buộc bụng”, không dám mua sắm gì để trả tiền nhà và sinh hoạt. Tôi bắt đầu phải học cách tiết kiệm, phòng khi có việc cần, chứ không thể làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu như trước đây, đồng thời tự tìm thêm những công việc mới để tăng thu nhập.

Tôi nhận thấy, các đôi hiện nay thích chụp album ảnh cưới ngoại cảnh ngày càng nhiều, chứ không thích chụp studio nữa. Thế là tôi rủ vài người bạn nữa, lập một ê – kíp nhận chụp một bộ ảnh cưới từ A-Z. Không chỉ chụp ảnh, chúng tôi sẽ lo cả trang phục, make up, chọn địa điểm…Tôi dự tính chỉ cần lấy giá thấp hơn những nơi khác một chút, là chúng tôi có thể cạnh tranh được.

3 tháng đầu ấy, hầu như tiền kiếm được chúng tôi dành ra hết để tân trang máy ảnh, đồ trang điểm, dụng cụ… để tăng hiệu quả công việc. Chúng tôi chấp nhận chụp không lấy thù lao, để lấy thêm kinh nghiệm và tạo dựng uy tín với khách hàng. Vậy nên, có những tháng mà cả tuần tôi chỉ ăn mì gói và gặm bánh mì để tiết kiệm tiền mua dụng cụ.

Tôi đã trụ vững, với đam mê, năng lực và sự quả quyết!

Dần dần, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm, chuyên nghiệp hơn, nhưng vẫn giữ giá cả cạnh tranh. Bạn bè, khách hàng tích cực quảng cáo giúp nên chúng tôi nhận được nhiều hợp đồng hơn. Tất nhiên, tôi vẫn duy trì công việc stylist cho các tạp chí, tuy không nhiều như trước. Sau mùa cưới vừa qua, số tiền tiết kiệm được đủ để tôi mua một chiếc xe máy cổ mà tôi thích từ lâu, đi du lịch nước ngoài mùa Noel này, và chuyển sang thuê một căn nhà khang trang hơn.

Tôi gọi điện mời bố mẹ lên chơi, chứng kiến tôi có thể sống tốt như thế nào với lựa chọn của mình sau gần một năm bỏ học. Mẹ tôi cười rạng rỡ, còn bố tôi tuy không nói gì nhưng tôi đã thấy ông khẽ mỉm cười.

Tôi đăng ký học một khóa học về đồ họa truyền thông để phục vụ thêm cho công việc. Nếu như trước đây, mỗi ngày phải đi học, tôi luôn thấy khó chịu và chỉ mong chóng đến giờ về thì giờ đây tôi lại thấy rất vui mỗi ngày đến lớp. Tôi đã tìm thấy lại niềm vui trong học tập của mình.

Tất nhiên, chẳng có con đường nào dễ đi cả, áp lực công việc và kiếm tiền tự nuôi thân, khiến tôi nhiều khi phát ốm. Nhưng tôi thấy thật sự hạnh phúc vì được làm việc đúng sở thích, và sẵn sàng đón nhận những khó khăn đang chờ mình phía trước.


Huyễn Gin (kể)- Nguyễn Trang (ghi)  (Sinh Viên VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét