Phụ nữ mù dạy cách thay đổi thế giới

Sabriye Tenberken (áo đỏ) giữa các học viên
Trung tâm của Sabriye Tenberken ở Ấn Độ không chỉ dạy những kỹ năng của một nhà hoạt động mà còn vun đắp ước mơ, ý tưởng thay đổi thế giới của những người bước ra từ nghịch cảnh trên thế giới.
“Tôi mù nhưng không đần độn” - cô gái mới lớn người Đức Tenberken tự nhủ như vậy khi bác sĩ thông báo không thể cứu chữa được đôi mắt cho cô. Đối mặt với bước ngoặt lớn của cuộc đời, cô quyết định biến mất mát thành sức mạnh. Tenberken đến Tây Tạng năm 14 tuổi và cùng người bạn mới là Paul Kronenberg thành lập tổ chức phi lợi nhuận Braille Without Borders với hi vọng kéo những đứa trẻ mù từ bên lề xã hội, nơi coi mù lòa là quả báo của kiếp trước, vào hòa nhập cùng xã hội và được đến trường. Tổ chức này cũng thực hiện hàng loạt dự án cộng đồng về chăn nuôi, dệt thảm, phát hành báo in...

Nhưng Tenberken còn muốn làm nhiều hơn để giúp đỡ những người muốn tạo ra sự thay đổi. Và Viện Kanthari ra đời, nay hoạt động ở miền nam Ấn Độ, để đào tạo những kỹ năng thực tế như phát biểu trước đám đông, lên kế hoạch kinh doanh, làm việc với các cơ quan chính phủ, truyền thông và gây quỹ. Tenberken mô tả viện của mình như một vườn ươm ý tưởng thay đổi thế giới, quá trình cô gọi là “biến đổi tư duy”. Trên trang kanthari.org, Tenberken cho biết tên học viện là một loại ớt dại ở Ấn Độ. “Nó cay khiến bạn phải nhổm dậy khi cắn vào. Chúng tôi muốn học viên của mình tạo ra kiểu khác biệt như vậy cho thế giới”.

Những người đến với Kanthari xuất phát từ nghịch cảnh của riêng mình, mà theo Tenberken cũng là một động lực tốt để họ theo đuổi lý tưởng. Có người đến từ cuộc chiến ở châu Phi hay chạy trốn khỏi những hủ tục, bạo hành gia đình. “Chỉ khi đến Kanthari tôi mới học được cách ngẩng cao đầu và nói, phải, tôi mù thì đã làm sao - cô gái trẻ Sristi KC, người Nepal, nói - Tôi khám phá khả năng của mình, học cách đứng lên và cất tiếng nói”. Bản thân Sristi đang thực hiện dự án dạy nhảy cho người mù ở quê nhà.

Khoảng 77 học viên của viện đến nay đã thực hiện hơn 45 dự án cộng đồng trên toàn thế giới, từ thư viện cho tù nhân ở Thái Lan đến dự án giúp người mù nuôi ong ở Uganda. Beatriz Quispe, một phụ nữ mù ở Peru, mở một trường học di động cho người mù ở vùng núi Andes. Anh Stephen Ojungo Onyang trở về Kenya để thực hiện dự án đào tạo nghề cho những người nhiễm HIV. “Kanthari tiếp thêm lửa để họ thực hiện dự án của mình và thay đổi chính xã hội mà họ đã bị gạt ra” - tình nguyện viên Nathalie Thalberg Pederson nói.

Tenberken từng được tạp chí Time chọn là anh hùng của châu Á năm 2004 và thậm chí được đề cử giải Nobel hòa bình năm 2005. Nhưng Tenberken nói cô sẽ không dừng lại trên con đường “kanthari hóa” thế giới.

Trần Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét