Đó là lời khuyên của các bác sĩ tại hội thảo “Triển khai hoạt động bác
sĩ gia đình và cập nhật kiến thức trong thực hành y học gia đình” do
Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM tổ chức ngày 5-3.
Tập thể dục đều đặn giúp phòng tránh bệnh loãng xương.
"Vận động và tập luyện giúp gia tăng mật độ xương, giảm tỉ lệ loãng xương ở độ tuổi sau trung niên và giảm nguy cơ gãy xương" - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi.
Báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị loãng xương” của PGS.TS.BS Lê
Anh Thư - chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM - cho biết ước tính ở VN mỗi
năm có khoảng 2,8 triệu người bị loãng xương (nữ chiếm 76%); mỗi năm có
170.000 trường hợp gãy xương do loãng xương.
Bốn tháng gãy xương hai lần
Báo cáo lâm sàng một ca gãy xương do loãng xương điển hình, PGS Anh Thư cho biết ngày 5-7-2011, bệnh nhân Lê Thị H. (61 tuổi, Vĩnh Phúc) nhập viện tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vì đau vùng háng phải sau té. Trước nhập viện ba ngày, bệnh nhân chống gậy đi lại trong sân (lót gạch tàu) bị trượt gậy chống, té đập mông xuống đất. Sau té, bệnh nhân bị đau nhiều vùng háng phải, đứng dậy không được. Bệnh nhân đến Bệnh viện Vĩnh Phúc khám và được chẩn đoán bị gãy cổ xương đùi phải, cho chuyển Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tuy nhiên, bệnh nhân đã xin chuyển vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM phẫu thuật. Bệnh nhân H. có tiền sử mãn kinh sớm (41 tuổi), từng bị gãy cổ xương đùi trái hồi tháng 3-2011 do té, đã được mổ thay chỏm xương đùi trái tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.
Theo PGS Anh Thư, loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương, đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương rất thường gặp nhưng diễn biến âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu. Khi bệnh nhân có triệu chứng thì thường đã bị giảm 30% khối xương. Đáng lưu ý, số trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt ở các nước châu Á.
Nguyên nhân gia tăng người bị loãng xương và gãy xương do loãng xương tại VN là do tuổi thọ trung bình của người dân gia tăng. Loãng xương còn gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh như bệnh nhân bị đau lưng cấp và mãn tính; gù lưng, giảm chiều cao; mất ngủ, trầm cảm; khó thở, khó tiêu, đau ngực; gãy xương, phải nhập viện điều trị; giảm chất lượng cuộc sống... PGS Anh Thư khẳng định việc điều trị loãng xương rất cần thiết và quan trọng, giúp giảm nguy cơ gãy xương, nâng cao chất lượng sống, giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh. Song điều trị loãng xương cần liên tục, kéo dài và tốn kém.
Phòng bệnh lúc còn trẻ
Về vấn đề “Dinh dưỡng trong điều trị và phòng ngừa bệnh loãng xương”, ThS.BS Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn dinh dưỡng - an toàn thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết thêm loãng xương là hậu quả của tình trạng thoái hóa xương tự nhiên và được tăng nặng thêm bởi các yếu tố liên quan đến dinh dưỡng và lối sống.
Theo bác sĩ Yến Phi, sự hình thành và phát triển của xương trải qua nhiều giai đoạn. Ở trẻ em cho đến tuổi dậy thì, quá trình tạo xương thường mạnh hơn quá trình hủy xương. Khi bước vào thời gian cuối của giai đoạn trưởng thành (25-30 tuổi), quá trình tạo xương thường chậm lại, duy trì ở mức tương đương với quá trình hủy xương. Sau tuổi trưởng thành (qua 30 tuổi), sự mất xương bắt đầu diễn ra do tốc độ của quá trình hủy xương cao hơn quá trình tạo xương. Bệnh loãng xương thường bắt đầu được chú ý hoặc được phát hiện khi biến chứng gãy xương xảy ra ở độ tuổi trung niên (sau 40 tuổi), khi chênh lệch của hai quá trình tạo và hủy xương trong chu chuyển xương đã ở mức rất lớn hằng ngày, đồng thời lượng xương dự trữ đã giảm đến mức không thể bảo đảm chức năng của xương nữa... Do vậy, việc phòng loãng xương phải thực hiện từ trước tuổi trưởng thành. Vì khi đã bị loãng xương, việc điều trị không thể khôi phục được mật độ xương trước đó, chi phí điều trị thường rất cao và chất lượng sống của bệnh nhân bị suy kém rất nhiều.
Đặc biệt, theo bác sĩ Yến Phi, vận động và tập luyện giúp gia tăng mật độ xương, giảm tỉ lệ loãng xương ở độ tuổi sau trung niên và giảm nguy cơ gãy xương. Khi tập luyện với các môn thể thao từ mức độ nhẹ đến trung bình như chạy bộ, leo dốc, tennis... các khối cơ co kéo tạo các lực tác động theo các chiều khác nhau lên xương. Sự kích thích mô xương này dẫn đến việc gia tăng sự tạo xương nên làm tăng mật độ xương. Các vận động thông thường như mang, vác, xách, đi bộ... có tác động lên vùng thắt lưng, đùi, hông... làm xương ở các vùng này khỏe hơn. Tập luyện các môn thể dục cường độ nhẹ cũng là cách tốt để có thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tức là tăng nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể.
Các biện pháp phòng ngừa
Về dinh dưỡng, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng tham gia vào cấu trúc và chuyển hóa của xương theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển là canxi, vitamin D, vitamin K, phosphor, chất đạm...; giáo dục trẻ cách ăn uống khỏe mạnh cho xương; không để suy dinh dưỡng hoặc béo phì; hạn chế các thói quen dinh dưỡng có ảnh hưởng đến xương là hút thuốc lá, uống rượu, ăn mặn, ăn nhiều chất đạm từ thịt đỏ, giảm uống cà phê... Phụ nữ sau tuổi trung niên nên ăn nhiều thực phẩm giàu isoflavon (một dạng phyto-estrogen tự nhiên) có nhiều trong đậu nành và sản phẩm làm từ đậu nành như đậu hũ, tàu hũ ky.
Về vận động, tăng thời gian hoạt động thể lực cho trẻ em tại gia đình và trong trường học; gia tăng hoạt động trong cuộc sống hằng ngày như đi bộ, đi cầu thang bộ, mang xách vừa phải. Ngoài ra, nên kiểm tra sức khỏe xương định kỳ hằng năm; bổ sung thêm canxi, vitamin D... nếu có chỉ định.
Lê Thanh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét