Ông bà xưa vẫn nói “dạy con từ thuở còn thơ”, nhưng vợ chồng tôi thật sự lúng túng.
Chúng tôi có hai con gái 13 tháng tuổi
(sinh đôi). Bé chị nhát, trầm tính, hiền, nhưng hay nhõng nhẽo. Bé em
dạn dĩ, gan lì (té không khóc), lại dữ, hay đánh chị. Điểm chung của hai
bé là đòi gì thì đòi bằng được, nếu không đáp ứng là khóc giãy nảy, rất
khó dỗ. Tôi lo con sau này sẽ dữ tính và sợ hai cháu sẽ bị ảnh hưởng
tiêu cực với nhau (có quy luật là khoảng một vài tháng hai cháu hoán đổi
tính với nhau - ở nhà chúng tôi đùa là “thay ca” và tôi không sao lý
giải được điều này).
Tôi rất muốn uốn nắn con từ bây giờ, nhưng liệu có quá sức với hai
cháu? Hiện tại, hai cháu biết phân biệt một vài bộ phận cơ thể, đồ vật
khi tôi chỉ (dạy ba-bốn lần thì hai cháu nhớ). Bé em có vẻ “đầu tư suy
nghĩ” hơn bé chị.
Xin chuyên gia cho biết, với lứa tuổi này, tôi có thể dạy con những gì để chúng hiểu và tiếp nhận?
Phương Thùy (Q.Bình Tân, TP.HCM)
****************
Trả lời tư vấn của Phạm Thị Thúy - Chuyên viên tham vấn tâm lý :
Chị Phương Thùy mến,
Dạy con từ thuở còn thơ ngày nay được tính từ khi con là thai nhi ba-bốn tháng tuổi. Hai con của chị đã 13 tháng tuổi, càng cần được dạy. Trẻ có khả năng hiểu và tiếp nhận thông tin từ người lớn nếu người lớn nói dễ hiểu, chậm rãi và nói với giọng yêu thương. Nhà giáo dục người Ý, bà Maria Montessori, cho rằng giai đoạn phát triển quan trọng nhất của trẻ nằm ở sáu năm đầu đời. Lúc này, trẻ tiếp thu thế giới xung quanh giống như miếng bọt biển hút nước vậy. Do đó, mục tiêu giáo dục trong thời kỳ này là trau dồi, tu dưỡng khát khao học hỏi và tiếp thu một cách tự nhiên của trẻ. Bà cũng cho rằng đây là khả năng duy nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời của trẻ và nó phai nhạt dần sau khi trẻ được sáu tuổi. Vì vậy, hai con của chị đang ở "thời kỳ vàng" để học hỏi.
Chị có thể dạy cháu ngôn ngữ, cách cư xử, tìm hiểu thiên nhiên, đời sống xã hội… một cách tự nhiên qua từng hành động của chính cha mẹ, qua việc cho cháu tiếp cận với thiên nhiên, với mọi người, qua các hoạt động hàng ngày, qua trò chơi, nhất là trò chơi ngoài trời, với bạn bè, với người lớn…
Sự gắn kết của trẻ sinh đôi rất đặc biệt - và hầu hết trẻ sinh đôi
đều chia sẻ mọi thứ - bao gồm cả mầm bệnh mà chúng mắc phải. Nếu hai
cháu sinh đôi cùng trứng, thì về mặt di truyền, chúng có bộ gen giống
nhau. Hai cháu “thay ca”, hoán đổi tính với nhau cũng là điều dễ hiểu.
Trẻ sinh đôi thường bắt chước nhau. Sau một thời gian chứng kiến chị/em
mình làm nũng thì bé còn lại cũng “tập nhiễm” làm nũng, trong khi bé kia
lại thích thử kiểu “dữ” mà bé đã thấy ở chị/em mình.
Chị càng cần kiên trì hơn các cha mẹ có con khác tuổi. Khi cháu nào có hành vi xấu, chị uốn nắn ngay lập tức, để cháu kia thấy đó là hành vi không được làm. Ví dụ, hành vi đòi gì là đòi bằng được là hành vi xấu. Chị cần kiên quyết khi đã quyết định không đáp ứng điều cháu đòi. Nếu cháu khóc, chị nên để cháu một mình, cần lờ cơn dỗi đi cho “diễn viên” tự thấy không có “người xem”, sẽ ngưng “diễn”. Đôi khi cháu có vẻ hiểu mỗi khi chị dạy, nhưng chẳng thay đổi, là vì trẻ thường mê chơi, dễ sao nhãng, dễ quên. Cha mẹ cần kiên nhẫn khi uốn nắn trẻ. Một hành vi xấu cần được sửa đổi rất nhiều lần, nhắc đi nhắc lại. Một cách khác nữa là cha mẹ tăng cường hành vi tốt ở con bằng cách khen ngợi bé, hướng dẫn bé làm… để bé bớt dần hành vi xấu.
Cách uốn nắn, dạy con để chúng trở thành những người hiền lành, biết yêu thương, quan tâm đến người khác… là điều cha mẹ nào cũng quan tâm. Cha mẹ cần nhớ là trẻ sinh đôi cũng giống như bao trẻ khác, chúng cũng có cơ thể khác nhau, những tâm hồn và bộ óc khác nhau. Và bởi thế, tất nhiên sẽ phát triển những tính cách cá nhân khác nhau. Cha mẹ nên là người giúp trẻ phát huy cá tính. Miễn sao cá tính đó không làm hại trẻ, không ảnh hưởng đến người khác. Còn sự yêu thương và quan tâm đến người khác là những đức tính cần được trau dồi theo thời gian. Chị có thể giúp các cháu học cách yêu thương bản thân, yêu thương chị em, yêu thương cha mẹ và mọi người xung quanh bằng những việc làm hàng ngày như chăm sóc bản thân, chia sẻ đồ chơi, quan tâm giúp đỡ cha mẹ, giúp bạn bè, giúp người khó khăn… Đặc biệt là khi chính cháu cảm thấy được mọi người yêu thương, tôn trọng cá tính, được quan tâm, chăm sóc đúng cách, không quá nuông chiều hay quá khắt khe, các cháu sẽ biết yêu thương.
Chúc chị luôn hạnh phúc bên các cháu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét