10 lời khuyên giúp bạn trụ lại sau thử việc

1. Thân thiện, tự tin 

Là nhân viên mới, ngay từ ngày đầu tiên, bạn đừng quên nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện, mỉm cười và nói câu “xin chào” để tạo sự thân thiện. Những chi tiết nhỏ này sẽ đem đến hiệu quả lớn cho bạn, tạo cho bạn một hình ảnh dễ hòa đồng, chuyên nghiệp và trưởng thành. 



2. Đến công sở sớm 

Mỗi sáng, bạn nên đến sớm hơn giờ làm việc 10-15 phút để đủ thời gian dùng một tách cà phê và nghỉ ngơi đôi chút trước khi bắt tay vào công việc. Bạn sẽ hiện lên với một hình ảnh vô tổ chức nếu “đâm bổ” vào bàn làm việc đúng giờ, hoặc tệ hơn là muộn. Cuối ngày, bạn không nên ra về ngay khi đồng hồ báo hết giờ. Thay vào đó, hãy dành thời gian để sắp xếp bàn làm việc cho ngày mai và đảm bảo rằng mình không để lại một khối lượng công việc lớn trong ngày chưa được hoàn thành. 

3. Trang phục phù hợp
10 lời khuyên giúp bạn trụ lại sau thử việc 1
Khi mới đi làm, bạn nên lựa chọn những trang phục đơn giản nhưng vẫn thể hiện được sự lịch lãm.

Mới đi làm bạn không nên xuất hiện với mái tóc vàng chóe, hình xăm ở những nơi dễ nhận thấy, trang sức rườm rà, hay những trang phục quá kiểu cách khiến người người xung quanh bàn tán. Sếp mới sẽ cảm thấy không vui khi bạn có phong cách thời trang không phù hợp với văn hóa công ty. 

4. Tập trung vào công việc


Trong những tháng đầu tiên đi làm, bạn không nên gửi tin nhắn trên điện thoại trong giờ làm việc hay kiểm tra Facebook. Nếu làm vậy, bạn sẽ không nhận được đánh giá tích cực từ cấp trên và đồng nghiệp, chẳng hạn bạn sẽ bị coi là kém chín chắn và lười nhác. Hãy giải thích để người thân và bạn bè hiểu rằng, bạn sẵn sàng liên lạc với họ ngoài giờ làm việc. 

5. Quan tâm tới các buổi định hướng, đào tạo


Nhiều công ty thường yêu cầu nhân viên mới phải tham gia các buổi định hướng, đào tạo trước khi bắt đầu vị trí mới. Thế nhưng, không ít người có xu hướng bỏ qua hoặc xem nhẹ những chương trình như vậy. Đây là quyết định thiếu khôn ngoan, bởi ngay cả khi người hướng dẫn không phải là quản lý trực tiếp trong công việc, họ cũng là những người đánh giá thái độ ban đầu của nhân viên để báo cáo với lãnh đạo và các đồng nghiệp. 

6. Đừng vội vàng đưa ra những đề xuất táo bạo


Khi đi làm, tâm lý chung của mọi người là tạo được ấn tượng tốt dù là người mới đến, và luôn tìm cách để nhà quản lý thấy sự lựa chọn của họ là đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải lưu tâm tới việc đề xuất các chính sách hay chiến lượng mới trong những tuần đầu làm việc, bởi đây chưa hẳn là cách hay. Thậm chí, có thể gây khó chịu cho những người làm việc lâu năm tại đây. Lời khuyên đưa ra lúc này là bình tĩnh, dành thời gian để hiểu rõ hơn về công việc, khi thời cơ đến và cần sự thay đổi, những lời gợi ý sẽ không bao giờ thừa. 

7. Ghi chép lại nội dung trong cuộc họp


Nhiều người tin là mình có trí nhớ “siêu phàm”, có thể ghi nhớ mọi chi tiết. Tuy nhiên, rất có thể bạn cũng có lúc đãng trí, và nếu không chịu ghi chép, bạn có thể khiến đồng nghiệp và sếp phải bực mình. Điều này sẽ khiến bạn "mất điểm" nhanh chóng. 

8. Tham gia các cuộc vui cùng đồng nghiệp


Bạn không nên bỏ qua các cuộc tụ tập vui vẻ hay ăn trưa cùng với các đồng nghiệp. Nếu làm vậy, bạn sẽ bị họ đánh giá là không có tinh thần đồng đội. Lưu ý, bạn có thể lắng nghe đồng nghiệp chia sẻ một vài thông tin về đời sống cá nhân của họ trong những dịp như vậy, nhưng tránh kể quá nhiều về mình. Nếu không, bạn sẽ sớm trở thành một chủ đề cho các cuộc “buôn chuyện” ở công sở.
 
10 lời khuyên giúp bạn trụ lại sau thử việc
Bạn không nên bỏ qua các cuộc tụ tập vui vẻ hay ăn trưa cùng với các đồng nghiệp.

9. Không khoe khoang về các thành công trong quá khứ


Khoe khoang quá nhiều về những thành tích bạn đã đạt được trước kia có thể khiến đồng nghiệp và sếp cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí cho rằng, bạn là “thùng rỗng kêu to”, “chém gió phần phật”... Tốt hơn hết, chỉ kể về những thành tích đó khi bạn đã thiết lập được một vị trí vững chãi và quan hệ tốt với các đồng nghiệp khác. 

10. Hãy yêu cầu khi cần giúp đỡ

Mới đi làm, dù rất háo hức với công việc, bạn cũng đừng ngại nêu ra những câu hỏi mà mình chưa rõ. Sự e ngại có thể khiến bạn mắc sai lầm và điều này có thể tiêu tốn tiền của và thời gian của công ty. Do đó, khi cần sự giúp đỡ, hãy lên tiếng để tránh những sai lầm không đáng có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét